Tư tưởng Hồ Chí Minh về An sinh xã hội ở nước ta

19/09/2017 02:54 AM


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa 48 năm, nhưng tư tưởng của Người về mục đích đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân và An sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

 

Mục đích đấu tranh giành độc lập dân tộc
Chứng kiến, thấu hiểu nỗi thống khổ, lầm than, cơ cực của người dân mất nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) sớm nhận thức được rằng, chỉ có đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến giành độc lập dân tộc, xây dựng một xã hội mới, người dân mới có được sống cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Xuất phát từ quan điểm, nhận thức sâu xa đó, ngày 05/06/1911, từ Cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành bắt đầu cuộc hành trình ra nước ngoài, quyết tâm tìm đường cứu nước, giành lại độc lập cho dân tộc, để mang lại tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. 
Trong những năm hoạt động ở Pháp, sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918), năm 1919, Nguyễn Tất Thành đã cùng một số trí thức yêu nước Việt Nam viết kiến nghị gửi tới Hội nghị Vécxây bản Yêu sách của Nhân dân An Nam (ký tên Nguyễn Ái Quốc). Trong bản Yêu sách này 08 lần đề cập tới chữ tự do, phản ánh nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam đòi độc lập, tự do. Người Pháp coi đây là quả bom làm chấn động dư luận nước Pháp, còn người Việt Nam coi đó là tiếng sấm của mùa xuân. Tiếng sấm ấy báo hiệu một điều rằng ở xứ Đông Dương thuộc Pháp có một dân tộc Việt Nam bị áp bức đang khát khao vùng lên giải phóng để giành độc lập, tự do cho mình.
Đặc biệt, từ bản Yêu sách này còn cho thấy một điều quan trọng và ý nghĩa hơn: Một người Việt Nam với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi cho Việt Nam có những quyền cơ bản chính đáng, thiết thực ngay giữa vòng vây của kẻ thù. Bắt đầu từ đây Nguyễn Ái Quốc bằng trí tuệ sắc sảo và bản lĩnh kiên cường của mình dẫn dắt dân tộc Việt Nam, Nhân dân Việt Nam đi tới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã có nhận thức sâu sắc về học thuyết của các nhà tư tưởng, triết gia lớn trên thế giới: Phật Thích Ca, Thánh tiên tri Môhamet, Chúa Giêsu, Khổng Tử và chủ nghĩa Mác. Người đã tổng hợp các học thuyết này và rút ra kết luận: Hầu hết đều mong cho loài người sống ấm no, hạnh phúc, thương yêu nhau, bốn biển năm châu là một nhà, chỉ có hòa bình không có chiến tranh…
Thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc (1924), Nguyễn Ái Quốc đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn, với khẩu hiệu: “Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc”. Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc cũng nghiên cứu sâu thêm về đạo lý của Khổng Tử, về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, so với lòng “Bác ái” của Chúa Giêsu và lòng “Từ bi” của Thích Ca Mâu Ni. Tất cả đều có chung một mục đích đem lại hạnh phúc cho con người, thoát cảnh đói nghèo, cơ cực.
Sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân, để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động tập hợp lực lượng, tiến tới Tổng khởi nghĩa, năm 1941, Hồ Chí Minh sáng lập tờ báo “Việt Nam độc lập” và trực tiếp làm Tổng Biên tập. Những khẩu hiệu Người đưa ra có sức cổ vũ mạnh mẽ Nhân dân đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân: “Việt Nam độc lập thổi kèm loa/Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/Đoàn kết vững bền như khối sắt/Để cùng nhau cứu nước non ta”.
Tác giả Đoàn Duy Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đã viết: “Sau khi lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, thu được kết quả bước đầu, nhìn lại quá khứ, nhất là Chiến tranh thế giới thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận xác đáng cho mình và cho cách mạng Việt Nam, đó là: Người sáng lập ra những lý luận, đạo lý, tư duy, triết học… của khoa học xã hội cũng như các nhà khoa học tự nhiên, nghiên cứu những định luật về vật lý, toán học, hóa học, những phát minh, sáng chế… đều nhằm làm cho loài người được hưởng hạnh phúc, loại bỏ những hành động tàn ác, làm nhiều việc thiện để xây dựng cộng đồng nhân loại văn minh” [1, tr.64]
Khi viết bản Tuyên ngôn Độc lập, câu đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến Hiến pháp Mỹ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền Pháp: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (Tuyên ngôn Nhân quyền Pháp năm 1791 ghi rõ: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”).
Khát khao xây dựng một xã hội dân chủ, bình đẳng, bình quyền, giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên nước là: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, với mục tiêu xác định: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập đi liền với tự do. Độc lập dân tộc đi liền với tự do của người dân. Chính Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh tư tưởng nếu nước độc lập mà người dân không được tự do thì cái độc lập đó cũng không để làm gì. Tự do là một tài sản quý giá và vĩnh hằng của con người, có thể coi đó cũng là một quyền tự nhiên của con người. Bởi vậy, trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu tư tưởng của các nhà lập quốc Hoa Kỳ để từ những quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, suy rộng ra quyền của một dân tộc.
Cũng từ khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” trong đại cách mạng Pháp, Hồ Chí Minh đã mở rộng khái niệm hạnh phúc trên cơ sở “bác ái”. Bác ái là tình thương, lòng yêu mến con người rộng khắp, bao trùm. Hạnh phúc là tình thương được cụ thể hóa thành “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Hạnh phúc là tình thương cho mọi người được chan hòa bình đẳng trong một cộng đồng ấm no, hòa bình. Hạnh phúc là khi con người được thỏa mãn những nhu cầu và yêu cầu chính đáng của mình. Hạnh phúc là khi người dân được sống đầy đủ các quyền công dân của mình trong một đất nước độc lập, dưới một Nhà nước bảo đảm cho họ quyền tự do dân chủ, nhất là tự do tư tưởng. 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, 06 chữ bình dị mà thiêng liêng luôn xuất hiện cùng quốc hiệu Việt Nam trong 72 năm qua, định hướng phấn đấu của dân tộc và mỗi người dân Việt Nam cho hôm nay và cho cả mai sau.

Định hướng chủ đạo của An sinh xã hội
Chủ tịch Hồ Chí Minh hy sinh cả cuộc đời, phấn đấu giành độc lập cho dân tộc, để Nhân dân được hưởng tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xã hội an sinh, thịnh vượng, phát triển. 
Ngày nay, khái niệm An sinh xã hội thường được đề cập với hai nghĩa rộng và hẹp. Theo nghĩa rộng: An sinh xã hội là sự bảo đảm thực hiện các quyền để con người được sống tự do, an bình, hạnh phúc, xã hội ổn định, phát triển. Theo nghĩa hẹp, An sinh xã hội là sự bảo đảm nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh của mỗi người dân, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương bởi thiên tai, địch họa, bệnh tật...
Theo nghĩa của từ Hán - Việt: An - trong chữ “An toàn”, Sinh - trong chữ “Sinh sống”, “Sinh nhai”, “Sinh tồn”… An sinh có thể hiểu là “an toàn sinh sống”. Xã hội an sinh là xã hội con người được an toàn sinh sống hay có cuộc sống an toàn cả về vật chất, tinh thần và xã hội. 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về An sinh xã hội bao hàm cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp: Con người sinh ra có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Con người được an toàn sinh sống và đảm bảo các quyền bất khả xâm phạm phải trong điều kiện đất nước độc lập, tự do, bình đẳng, không có áp bức bất công, mọi người dân được ấm no, hạnh phúc. Bởi vậy, tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” định hướng chủ đạo, nhấn mạnh vai trò, vị trí của độc lập dân tộc, trên có sở đó xã hội an sinh, Nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Độc lập dân tộc là tiền đề của tự do, hạnh phúc; tự do, hạnh phúc là giá trị của độc lập dân tộc.
Xuất phát từ triết lý nhân sinh, hành động vì dân, thấm thía nỗi đau mất nước, kiếp sống lầm than của người dân nô lệ, tiếp thu, học hỏi tinh hoa, kinh nghiệm của thế giới, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới việc tổ chức thực hiện chế độ BHXH, song hành với mục tiêu giành độc lập dân tộc, thể hiện rõ nét trong Chương trình và Tuyên ngôn Việt Minh (1941) đưa ra kế hoạch cấp thiết ngay khi giành được độc lập: “Thi hành luật ngày làm 08 giờ và các luật xã hội khác... Thợ thuyền được tự do hưởng Luật Lao động... Thợ thuyền già có hương hưu trí...”. 
Theo quan điểm Hồ Chí Minh, chính sách An sinh xã hội là việc chăm lo cuộc sống, sức khỏe cho các tầng lớp Nhân dân từ nông dân, công nhân, thương nhân, công chức, binh lính đến thanh niên, trẻ em, phụ nữ và những người yếu thế trong xã hội như người tàn tật, ốm đau, người già, trẻ nhỏ. Sau lễ Tuyên bố độc lập, Người đề xuất “06 việc lớn cần làm ngay” như một chương trình hành động của Chính phủ lâm thời, đó là: Chống giặc đói; chống giặc dốt; soạn thảo Hiến pháp dân chủ, chuẩn bị Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội; giáo dục lại Nhân dân chúng ta, làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập; giáo dục lại tinh thần Nhân dân bằng cách thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính; thuế thân, thuế chợ, thuế đò là một lối bóc lột vô nhân đạo, phải bỏ ngay ba thứ thuế ấy và tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; Người đề nghị Chính phủ ta tuyên bố Tín Ngưỡng Tự Do và Lương Giáo đoàn kết” [3, tr.7-9]. Cách mạng vừa thắng lợi, thù trong giặc ngoài rình rập, mọi việc còn ngổn ngang trăm mối, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đã ban hành nhiều sắc lệnh quan trọng liên quan đến chế độ hưu bổng, chế độ trợ cấp thay lương khi công chức, viên chức Nhà nước bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, già yếu hoặc bị chết. Sớm phát động phong trào đời sống mới, khởi xướng phong trào “Khỏe vì nước”, Người chỉ rõ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công”; “Mỗi một người dân yếu ớt là cả nước yếu ớt, dân cường thì nước mạnh”. Có thể nói, sự quan tâm tới sức khỏe, coi trọng y tế dự phòng và đề cao y đức là nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển BHYT toàn dân ở nước ta sau này.
Năm 1946, sau 04 ngày Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do độc lập cũng chẳng làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải làm ngay, làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành” [3, tr.152]; “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [3, tr.161]. 
Trong bài viết ngày 29/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Công đoàn có nhiệm vụ giữ quyền lợi cho công nhân và giúp cho Chính phủ xây dựng đất nước. Chính phủ Việt Nam là một Chính phủ dân chủ sẽ hết sức giúp đỡ về tinh thần cho công đoàn. Bộ luật Lao động sẽ ấn định giờ làm, tiền công, bảo vệ đàn bà, người già và trẻ em”. 
Thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về An sinh xã hội, Hiến pháp Việt Nam năm 1946 đã ghi nhận những điều khoản quan trọng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành hệ thống quy phạm và chính sách về An sinh xã hội. Điều thứ 13 ghi nhận: “Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm”; Điều thứ 14: “Những người công dân già cả hoặc tàn tật, không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng”. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, thể hiện nhất quán quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc, để Nhân dân được hạnh phúc, tự do. 
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, dân tộc ta bước vào cuộc khắng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước. Năm 1965, Đế quốc Mỹ thực hiện “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, ồ ạt đưa quân viễn chinh, mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn dân, toàn quân, cả nước một lòng đánh trả cuộc chiến tranh tàn ác của Mỹ. Lời kêu gọi đanh thép và kiên quyết của Hồ Chủ tịch vang vọng non sông, thể hiện chân lý giá trị trường tồn của độc lập tự do, tiền đề của an sinh hạnh phúc: “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” [4, tr.105]. 
Cho tới mùa Xuân năm 1969, trong thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tư tưởng vì độc lập, vì tự do không ngừng thế tiến công để có những mùa xuân toàn thắng, Nam Bắc một nhà: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc-Nam sum họp, Xuân nào vui hơn”. 
Trước lúc đi xa vào cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại bản Di chúc thiêng liêng. Đặc biệt sâu sắc là những lời dặn của Bác về vai trò của Đảng trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước sau chiến tranh: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ Nhân dân”. Trong bao nhiêu công việc bộn bề Bác dặn lại trước lúc đi xa thì “đầu tiên là công việc đối với con người”, từ các bà mẹ liệt sĩ, các gia đình thương binh… đến nạn nhân của chế độ xã hội cũ… đều được quan tâm chu đáo. Người căn dặn: “Đảng ta phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân”.

An sinh xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững
Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội nói riêng, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương xây dựng, thực hiện và không ngừng hoàn thiện chính sách An sinh xã hội. Việc xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ và sự tiến bộ, công bằng xã hội, hướng về con người, vì con người, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển. Suy cho cùng, có độc lập, tự do, Nhân dân được hưởng ấm no, hạnh phúc, xã hội an sinh. Ngược lại, người dân có cuộc sống hạnh phúc, xã hội ổn định, an sinh, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững, nâng cao vị thế đất nước, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Chính vì vậy, Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) đã sớm xác định việc thực hiện chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phương hướng lớn của chính sách xã hội là: phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội. Chính sách xã hội bảo đảm và không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất; hoàn thiện hệ thống An sinh xã hội. 
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4/2001), thuật ngữ An sinh xã hội lần đầu tiên được ghi trong văn kiện. Cho tới Đại hội X, vấn đề An sinh xã hội được nhìn nhận rõ nét hơn. Đặc biệt, tại Đại hội XI, thuật ngữ An sinh xã hội được ghi đậm nét trong văn kiện, được xác định là một hệ thống chính sách xã hội quan trọng, nội dung chủ yếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tại Đại hội XII của Đảng (2016), vấn đề An sinh xã hội được nâng lên tầm cao mới, gắn liền với sự phát triển của xã hội, Văn kiện ghi rõ: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách An sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống An sinh xã hội đến mọi người dân…; phát triển và thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động…; tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHYT cho toàn dân”.
Thể hiện quan điểm nhất quán đó, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định những quy phạm về An sinh xã hội: “Công dân có quyền được bảo đảm An sinh xã hội” (Điều 34); “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi ở; Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi…” (Điều 35). 
Trên cơ sở những quy định mang tính hiến định, nguyên tắc của Hiến pháp Việt Nam năm 2013, các đạo luật về lao động, việc làm, BHXH, BHYT, đã thể hiện được tinh thần của Hiến pháp và hình thành hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc hiện thực hóa các quan điểm của Đảng về An sinh xã hội, để các chính sách này thực sự phát huy vai trò trong việc thúc đẩy sự phát triển xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, thể hiện bản chất dân chủ của chế độ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đó cũng chính là những hành động thiết thực nhất chúng ta thể hiện trung thành với những luận điểm có tính nguyên tắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về An sinh xã hội.
Ngày nay, bàn tới An sinh xã hội, hạnh phúc cho con người, các nhà nghiên cứu cho rằng, di sản Hồ Chí Minh cho thấy một tư duy sớm về định hướng phát triển bền vững theo quan điểm hiện đại. An sinh xã hội, hạnh phúc cho con người không thể tách rời phát triển bền vững. Bước vào thế kỷ XXI, nhân loại đã bàn tới Tuyên bố Thiên niên kỷ (hay gọi là Chương trình nghị sự XXI). Chương trình đó có 08 mục tiêu chứa đựng nội dung của phát triển bền vững. Những nội dung này, ở những mức độ nhất định, đã có trong di sản Hồ Chí Minh. Đó là: (1) Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực; (2) Đạt phổ cập giáo dục tiểu học; (3) Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; (4) Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; (5) Tăng cường sức khỏe bà mẹ; (6) Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; (7) Bảo đảm bền vững về môi trường; (8) Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa 48 năm, nhưng tư tưởng của Người về mục đích đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân và An sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị./.

Tạp chí BHXH