Tham vấn Hội đồng chuyên gia 2 loại thuốc mới

31/07/2017 12:29 AM


Chiều 27/7, Hội Khoa học Kinh tế tổ chức Hội thảo Hội đồng chuyên gia đánh giá và phản biện mô hình kinh tế tác động lên ngân sách của 2 loại thuốc mới trong điều trị bệnh tim mạch chuyển hoá. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn; Hội đồng chuyên gia đầu ngành trong nước về các bệnh tim mạch, đái tháo đường.

 

Quang cảnh Hội thảo

Bệnh đái tháo đường và Hội chứng mạch vành cấp là hai căn bệnh đang gây gánh nặng lên nền y tế, ngân sách toàn cầu, đặc biệt ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, đánh giá công nghệ y tế được xem là một công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hệ thống y tế với mục tiêu hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra các quyết định chính sách dựa trên bằng chứng. Một trong những ứng dụng quan trọng của đánh giá công nghệ y tế là đánh giá chi phí – hiệu quả và tác động ngân sách. Yêu cầu bằng chứng về hiệu quả kinh tế và tác động ngân sách của thuốc đã dần trở thành yêu cầu quan trọng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quản lý chi phí khám chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả. Nhằm từng bước tiếp cận với việc sử dụng đánh giá công nghệ y tế trong quá trình xây dựng chính sách, Bộ Y tế sẽ ưu tiên, khuyến khích cho các loại thuốc được đánh giá này trong quá trình xét duyệt danh mục những thuốc được quỹ BHYT thanh toán.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng nhận định: bệnh tim mạch chuyển hoá là gánh nặng y tế được quan tâm hàng đầu trên thế giới với tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là với các bệnh không lây nhiễm. Biến chứng của căn bệnh này vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim, biến chứng mạch máu hoặc nghiêm trọng hơn là tử vong cho người bệnh. Trong bối cảnh ngày càng gia tăng về mật độ dân số, lối sống đô thị hoá và tuổi thọ thì nhu cầu về thuốc mới với những ưu việt là rất cần thiết.

BS.Nguyễn Hữu Mân - Khoa Nội tiết (BV PV TP.HCM) chia sẻ: hiện nay, bệnh đái tháo đường đang là gánh nặng toàn cầu. Năm 2015, thế giới có 415 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Dự báo con số này sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040. Châu Á, trong đó có Việt Nam đang có độ tuổi khởi phát đái tháo đường sớm, tỷ lệ đạt mục tiêu điều trị thấp, kèm bệnh bệnh lý đồng mắc… gây khó khăn, tốn kém cho quá trình điều trị.

Tuy nhiên, theo hội đồng chuyên gia, việc điều trị đái tháo đường ở nước ta hiện nay, có rất nhiều loại thuốc nhưng đều có những hạn chế lớn. Do đó, ngành y tế đã và đang cố gắng tìm kiếm những loại thuốc mới trong điều trị đái tháo đường với yêu cầu điều trị sớm và cân nhắc phối hợp thuốc nhằm tác động vào nhiều cơ chế của các khiếm khuyết sinh lý bệnh. Theo các chuyên gia, thuốc Dapagiflozin là một lựa chọn tốt.

“Thuốc Dapagiflozin là nhóm thuốc ức chế ưu việt, với cơ chế độc lập Insulin phù hợp với đặc điểm của bệnh nhân đái tháo đường châu Á. Thuốc giảm gánh nặng Insulin cho tuỵ, hiệu quả kiểm soát đường huyết sớm và ổn định, kéo dài đến 4 năm; ít nguy cơ gây tụt đường huyết; kiểm soát tốt các nguy cơ tim mạch như cân nặng, huyết áp”- BS. Mân chia sẻ.

Theo Nghiên cứu viên kinh tế y tế Kiều Quang Tuân, bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, trong đó đái tháo đường típ 2 chiếm khoảng 90%. Năm 2015, nước ta có trên 3,5 triệu người trưởng thành mắc đái tháo đường, chiếm tỷ lệ 5,6% dân số. Ngoài ra, số ca đái tháo đường không được chẩn đoán lên đến hơn 1,8 triệu người. Gánh nặng kinh tế ước tính 606 triệu USD.

Tại Hội thảo, Hội đồng chuyên gia cũng thảo luận về việc sử dụng thuốc Ticagrelor trong điều trị Hội chứng mạnh vành cấp. Theo các chuyên gia, hiện tỷ lệ tử vong hàng đầu ở nước ta vẫn là các bệnh liên quan đến tim mạch. Việc đưa vào loại thuốc mới là quan trọng, đặc biệt là thuốc Ticagrelor khi thực tế đã chứng minh mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, 2 loại thuốc đều có giá trị tốt về mặt lâm sàng nhưng việc quan tâm hiện nay là giá thành, chi phí hiệu quả của thuốc. Việc cân đối được nguồn tài chính để đưa vào sử dụng hay không, quỹ BHYT có đủ sức chi trả và chi trả trong bao lâu, chi trả ở mức độ nào thì cần được xem xét kỹ lưỡng.

 

Nguồn Website BHXH VN