THAM GIA BHYT: KHÔNG NÊN CHẦN CHỪ!

13/06/2017 02:43 AM


Bắt đầu từ hôm nay (1/6), hơn 1.900 DVYT đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT sẽ chính thức được áp dụng bảng giá mới cao hơn và sẽ được thực hiện theo lộ trình, không tăng đồng loạt trên cả nước. Như vậy, người dân không nên chần chừ trong việc tham gia BHYT để phòng khi ốm đau, bệnh tật.


May mắn vì tham gia BHYT

Từ cuối năm 2013, bà Trương Thị Lởi (52 tuổi, Hải Dương) thường xuyên phải lên Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương điều trị căn bệnh quái ác Hemophilia (bệnh máu không đông) với chi phí cho mỗi lần điều trị lên tới 700- 800 triệu đồng.

Nhớ lại thời gian đầu khi nghe tin mình bị bệnh, bà Lởi gần như suy sụp bởi chi phí chữa trị quá lớn so với thu nhập của gia đình. Bà tâm sự: “Kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, kiếm được tiền triệu đã khó, tôi nào dám mơ đến tiền trăm, tiền tỉ. Nghe bác sĩ nói để chữa chạy căn bệnh này phải suốt đời và rất tốn kém, nên tôi đã định bỏ cuộc, nhưng khi biết tấm thẻ BHYT mình mua trước đó sẽ giúp thanh toán hầu hết chi phí thì tôi thấy mình thật may mắn”.

Cùng chung cảnh ngộ, em Hướng Hải Anh (Bắc Giang) mới 12 tuổi, nhưng đã phải “gắn bó” với Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương từ hơn chục năm nay bởi căn bệnh Hemophilia tan máu bẩm sinh. Năm lên 6 tuổi, Hải Anh còn bị xuất huyết não, biến chứng bại não hoàn toàn không đi lại được.

Chăm sóc cho cháu nội từ bé, bà Bùi Thị Bình (64 tuổi) bùi ngùi kể: “Đang tuổi ăn, tuổi chơi mà cháu tôi phải nằm một chỗ với những cơn đau hành hạ. Người bạn “đồng hành” của cháu là tấm thẻ BHYT. Nếu không được quỹ BHYT thanh toán 100% tiền điều trị, thì nhà nghèo như chúng tôi có lẽ đã buông xuôi”.

Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm bệnh nhân đang điều trị căn bệnh này ở Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, có những người đã chống chọi với nó nửa đời người. Theo BS.Nguyễn Thị Mai- Trưởng Trung tâm điều trị Hemophilia, bệnh Hemophilia là một rối loạn của hệ thống đông máu, gây chảy máu kéo dài và theo người bệnh suốt đời. Điều trị Hemophilia phải dài ngày và chi phí khá tốn kém, trung bình mỗi năm khoảng 400- 500 triệu đồng/bệnh nhân; nếu bệnh nhân nặng có thể lên tới cả tỉ đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ với cả những người không nghèo; do đó, nếu tham gia BHYT, người bệnh sẽ được hỗ trợ chi trả từ 80 đến 100% chi phí.

“Phao cứu sinh”

Theo GS.Nguyễn Anh Trí- Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, hiện nay các cơ sở y tế ngày càng áp dụng những phác đồ điều trị, máy móc tiên tiến, hiện đại; chất lượng KCB tăng lên đồng nghĩa với chi phí cũng cao hơn. Do đó, nếu không có BHYT, người bệnh rất khó đủ điều kiện để chữa trị bệnh.

“Tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, thẻ BHYT chính là chiếc “phao cứu sinh” của các bệnh nhân. Nếu không có thẻ BHYT, nhiều người chắc chắn khó có thể điều trị được một hoặc hai đợt hóa chất. Có người nói đùa với tôi rằng, chỉ cần 2 đợt điều trị là có thể lung lay một ngôi nhà 5 tầng mặt phố; nhiều khi bán nhà đi chưa chắc đã đủ kinh phí để điều trị bệnh”- GS.Trí chia sẻ.

GS.Nguyễn Anh Trí cũng thông tin thêm, hiện nay, ở Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, nếu có thẻ BHYT, bệnh nhân sẽ được sử dụng những dịch vụ tốt nhất trong chẩn đoán, điều trị; thậm chí là những dịch vụ cao cấp như ghép tế bào gốc được hưởng 60 đến 80% chi phí do BHYT chi trả. Điều đó khẳng định BHYT có vai trò vô cùng quan trọng đối với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Đánh giá về việc tăng giá DVYT, GS.Nguyễn Anh Trí cho rằng, đây là việc làm cần thiết, tiến tới tính đúng, tính đủ chi phi y tế, giúp các BV có kinh phí đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, thuốc tốt hơn và có được phương pháp điều trị hiện đại hơn để phục vụ người bệnh.

“Việc tăng giá DVYT tác động đến người nghèo không nhiều, bởi họ đã được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT; mặt khác, lại được thụ hưởng các DVYT tốt hơn. Đây là một cơ chế “mềm” vận động người dân tham gia BHYT. Thực tế cho thấy, chỉ đến khi bệnh tật hiểm nghèo, tai nạn ập đến, cả gia đình phải còng lưng lo viện phí, có thể phải bán nhà, vay nặng lãi, thậm chí cam tâm chịu chết… nhiều người mới hối tiếc vì đã không mua BHYT. Do đó, ngay từ hôm nay người dân cần tìm hiểu kỹ lợi ích để tham gia BHYT, đó là sự lựa chọn thiết thực bảo đảm sức khỏe và tài chính của bản thân và gia đình”- GS.Trí khẳng định.

Nguồn: báo BHXH