Xử lý nguyên tắc đóng – hưởng để đảm bảo cân bằng quỹ BHXH
14/03/2017 07:52 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Các chuyên gia khách mời tham dự Chương trình Tọa đàm trực tuyến “Quản lý Quỹ BHXH" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 11/3 đều thống nhất quan điểm cho rằng, để giải quyết khả năng mất cân đối quỹ, thì giải pháp căn bản phải là xử lý theo nguyên tắc đóng hưởng.
Khách mời tham gia Chương trình gồm có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn.
Các chuyên gia tham gia Tọa đàm
Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, dự kiến đến năm 2031 chênh lệch thu – chi Quỹ Hưu trí bắt đầu âm 35.962 tỷ đồng; quỹ BH thất nghiệp dự báo đến năm 2020 chênh lệch thu chi hơn 668 tỷ đồng; còn quỹ BHYT đến cuối năm 2019 quỹ dự phòng sẽ hết và âm 144 tỷ đồng. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, các dự báo không chỉ trong các cơ quan Việt Nam mà ở cả Tổ chức Lao động quốc tế, Ngân hàng Thế giới đều có dự báo là quỹ hưu trí đến một thời điểm nào đó sẽ mất cân đối, 2031 hoặc có thể chậm hơn chút nếu sửa đổi chính sách.
Ông Doãn Mậu Diệp chỉ rõ 3 nguyên nhân. Thứ nhất, do quan hệ đóng hưởng, tỷ lệ hưởng của Việt Nam gần như cao nhất thế giới (75%). Thứ hai, là tỷ lệ tích lũy gần như cao nhất thế giới; ví dụ như nam giới tham gia BHXH 20 năm thì mức tối thiểu là 45% cứ tăng thêm mỗi năm đóng BHXH được cộng thêm 2% khi mà các nước xung quanh chỉ 1% hoặc hơn 1%. Thứ ba, đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí là 22% tiền lương cả doanh nghiệp và người lao động, 30 năm tham gia BHXH mỗi năm đóng 22% thì đóng 66 tháng lương vào đó, khi về hưu họ hưởng 75%, tức là nếu không có lãi suất đóng thì chỉ đủ cho 88 tháng hưởng lương hưu, cộng tất cả lãi suất đầu tư thì có thể trả tối đa là 120 tháng (tương đương 10 năm sau khi về hưu). Ví dụ cụ thể, một người về hưu tuổi 60 với tuổi thọ bình quân hiện nay là 73 thì người nào 60 tuổi trung bình sống thêm 19 năm. Phần đóng BHXH chỉ đủ trả cho 10 năm, 9 năm còn lại là quỹ BHXH phải chi trả. Ở đây, mất cân đối chủ yếu là ở quan hệ đóng hưởng, các tham số khi chúng ta tính toán.
Ông Doãn Mậu Diệp khẳng định, nâng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp để giải quyết việc mất cân đối quỹ. Tính toán cụ thể, nếu tham gia vào quỹ BHXH thêm 2 năm thì phần đóng góp của người lao động trả được trong 2 năm sắp tới, đồng thời 2 năm không hưởng hưu trí cộng thêm vào nữa là 4 năm. Nhưng hiện nay, mất cân đối khoảng 9 năm nên cho dù có nâng tuổi nghỉ hưu lên thêm 2 hoặc 3 năm thì cũng chỉ giải quyết được một phần của câu chuyện mất cân đối.
Ông Phạm Lương Sơn tại buổi tọa đàm
Với việc các quỹ đều được dự báo mất cân đối trong tương lai gần, đề cập đến giải pháp của BHXH Việt Nam để khắc phục tình trạng này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, hiện nay, mức đóng BHXH tiếp tục giữ nguyên từ Luật BHXH năm 2006 (Quỹ hưu trí tử tuất, người sử dụng lao động đóng 14% và người lao động đóng 8%; Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp người sử dụng lao động đóng 1%; Quỹ ốm đau, thai sản người sử dụng lao động đóng 3%).
Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung thêm nhiều quyền lợi đối với người hưởng, đặc biệt chế độ thai sản (mẹ sinh con thì bố cũng được nghỉ việc hưởng trợ cấp, lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng trợ cấp thai sản …); tăng mức hưởng chế độ BHXH một lần; mở rộng đối tượng được hưởng BHXH một lần.
Như vậy, mức thu không tăng trong khi mức chi tăng dẫn đến các quỹ sớm mất cân đối là tất yếu. Kết quả dự báo việc mất cân đối các quỹ có nguyên nhân chính từ việc tăng các mức hưởng. Vì vậy, giải pháp lâu dài cần nghiên cứu, đánh giá chi tiết về thực tế chính sách hiện hành để đề xuất sửa đổi phù hợp hơn trong cân đối giữa mức đóng và mức hưởng.
Được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHXH Việt Nam đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ để giảm các chi phí hành chính. Chú trọng công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH; đổi mới các hình thức tuyên truyền đến người lao động, người dân; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến cơ quan BHXH từng cấp, từng cán bộ BHXH chuyên quản… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý kịp thời những đơn vị, cá nhân trốn đóng, nợ đóng hoặc lạm dụng, khai man hưởng các chế độ BHXH. Nâng cao hiệu quả công tác đầu tư tăng tưởng quỹ BHXH. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao chất lượng thực thi công vụ theo hướng phục vụ tốt nhất người lao động và nhân dân; bố trí, sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu quả nhất.
Lương hưu đảm bảo cuộc sống cho người dân sau khi hết tuổi lao động. Ảnh minh họa
Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, từ 01/01/2018, có 2 nhóm đối tượng rất quan trọng được bổ sung mở rộng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện. Cũng từ 01/01/2018, Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% trong tổng số đóng 22% cho những hộ lao động là hộ nghèo, 20% cho cận nghèo và 10% cho nhóm đối tượng khác tham gia BHXH tự nguyện. Đây là một cơ hội để thực hiện Nghị quyết 15 và là cách để có thể mở rộng đối tượng, góp phần bảo đảm bền vững của chính sách BHXH.
Khẳng định nâng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp tối ưu để bảo đảm tính bền vững của quỹ BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, khi tính toán xây dựng mức hưởng lương hưu, để giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt cho người lao động, đã tính hưởng 45% khi người lao động đóng được 15 năm BHXH, trong khi thực chất chỉ có 37%. Bài toán cân đối quỹ BHXH phải dần xử lý theo nguyên tắc đóng hưởng. Nói tăng tuổi nghỉ hưu là phương pháp căn cơ để cân bằng quỹ là không đúng. Ông Lợi dẫn chứng, nếu nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 65, nữ lên 60 thì bài toán mất cân bằng vẫn hiện hữu. “Chúng ta phải đồng bộ tất cả các giải pháp và đã đến lúc chúng ta phải nâng tuổi nghỉ hưu. Sau này lớp trẻ được đào tạo bài bản, sức khỏe tốt hơn, tuổi thọ cao hơn, chúng ta cũng phải có lộ trình dần. Nếu hôm nay chúng ta không đặt ra để chúng ta chuẩn bị tâm thế cho người lao động thấy tương lai nâng lên như thế thì không được.” – Ông Lợi nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề cập thêm, trong Bộ Luật Lao động, Chính phủ nên tính toán lộ trình, bước đi của tăng tuổi nghỉ hưu, nhóm nào nâng trước, nhóm nào nâng sau. Đây là bài toán phải đặt ra để xin ý kiến nhân dân trong việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng phải chia theo các nhóm lao động. Những người làm việc trong môi trường độc hại thì không nên nâng, chưa nên nâng vào lúc này, nhưng trong tương lai, nếu điều kiện làm việc tốt lên thì sẽ xem xét. Đó là quyền của người lao động, quyền được làm việc, quyền được hưởng thụ./.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...