LẬP HỒ SƠ SỨC KHOẺ CÁ NHÂN: “HÚT” NGƯỜI DÂN THAM GIA BHYT

01/03/2017 04:15 AM


Hồ sơ sức khỏe cá nhân cho nhân dân là giải pháp quan trọng cho việc quản lý để hoạch định và xây dựng chính sách y tế. Nỗ lực này được đánh giá có nhiều lợi ích và sẽ góp phần thu hút người dân tham gia BHYT.

 

LẬP HỒ SƠ SỨC KHOẺ CÁ NHÂN: “Hút” người dân tham gia BHYT

Giải pháp quan trọng

Với hơn 11.400 trạm y tế cấp xã, trong đó 78% số trạm có bác sĩ làm việc là điều rất thuận lợi cho việc triển khai việc quản lý hồ sư sức khỏe cá nhân. Đây là tuyến y tế gần dân nhất, nhanh nhất thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuy nhiên hiện tuyến y tế này vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả do những khó khăn về cơ chế tài chính, khả năng cung ứng dịch vụ... Do đó, cùng với việc bao phủ BHYT toàn dân để đảm bảo cơ chế tài chính, quyết tâm của Chính phủ thực hiện việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe sẽ tạo ra một cơ chế mới, khắc phục được khó khăn này.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chỉ rõ: Hồ sơ sức khỏe cá nhân cho nhân dân là giải pháp quan trọng cho việc quản lý để hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động can thiệp y tế. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân còn giúp quản lý tốt các nhóm bệnh, tình hình tử vong, các bệnh có yếu tố gia đình, liên quan đến môi trường sống, nguồn nước và các yếu tố vệ sinh khác. Việc chẩn đoán điều trị bệnh sớm sẽ giảm bớt chi phí BHYT, đồng thời khi thông tin người bệnh thông suốt thì việc quản lý chi phí BHYT sẽ dễ dàng hơn, hạn chế việc gian lận, lạm dụng quỹ BHYT.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được một số thành tựu quan trọng, tình trạng sức khỏe của người dân đã có nhiều cải thiện; tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi hệ thống y tế phải có những thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng các dịch vụ. Trong khi đó, cơ chế tài chính y tế chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội, chi tại y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thấp, chưa động viên được toàn dân tham gia BHYT. Để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện sớm bệnh tật thì việc thiết lập hệ thống quản lý sức khỏe cá nhân gắn với mục tiêu BHYT toàn dân là rất cần thiết.

Vào cuộc tích cực

Theo quy định, hồ sơ quản lí sức khoẻ bao gồm các thông tin chung về nhân thân và một số thông tin tiền sử sức khoẻ, bệnh tật phù hợp với nhóm đối tượng chia theo độ tuổi: trẻ em dưới 5 tuổi; độ tuổi học đường (6 - 18 tuổi); người trưởng thành (18 - 59 tuổi); người cao tuổi (từ 60 tuổi); phụ nữ trong độ tuổi sinh (15 - 49 tuổi).

Tại nhiều địa phương, kế hoạch lập hồ sơ và thực hiện quản lí sức khoẻ cá nhân được triển khai nhanh chóng, tích cực. Tỉnh Phú Thọ, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch lập hồ sơ quản lí sức khoẻ tại huyện Yên Lập với sự tham gia của 21 đơn vị; 13 trung tâm y tế huyện; 934 bác sĩ, điều dưỡng;… Phú Thọ đã tổ chức khám cho 62.362 người và ghi phiếu, nhập số liệu vào phần mềm quản lí. Tại Bắc Ninh, chương trình được triển khai tại xã Chi Lăng và Phú Lương (huyện Quế Võ). Tại 2 xã, tổ chức khám cho 15.795 người. Tại Hà Nội, dự kiến đầu tháng 3.2017 chương trình sẽ được triển khai tới tất cả các trung tâm y tế huyện.

Từ những kết quả ban đầu đáng khích lệ ở Bắc Ninh, Phú Thọ và sắp tới là Hà Nội mô hình sẽ được nhân rộng toàn quốc, giúp cho quá trình quản lý quỹ BHYT và tăng sức hấp dẫn của chính sách BHYT.

Nguồn: Báo Lao động