Quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân: Cách nào?

08/03/2017 03:37 AM


Hồ sơ sức khỏe cá nhân cần đảm bảo các thông tin về sức khỏe ở mức độ nào? Việc khám bệnh để lập hồ sơ cần thăm khám lâm sàng, chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng nào là hợp lý? Đâu là nguồn kinh phí để thực hiện khám sức khỏe ban đầu? Việc quản lý, sử dụng hồ sơ ra sao để không mang tính hình thức?... Đó là những câu hỏi mà ngành Y tế và BHXH phải lưu tâm.

“Lúng túng” xác định tiêu thức

Từ đầu năm 2017, Bộ Y tế triển khai thí điểm công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tại huyện Yên Lập (Phú Thọ), xã Chi Lăng và xã Phú Lương thuộc huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Mặc dù kết quả thí điểm cho thấy sự khả quan về số lượng hồ sơ được lập trong thời gian ngắn; tuy nhiên cũng cho thấy không ít “lúng túng” của cơ quan y tế, từ căn cứ, cách tính chi phí xây dựng hồ sơ, cho đến phạm vi các dịch vụ y tế thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng (xét nghiệm, siêu âm) như thế nào để đảm bảo sự “cần thiết” và không “chơi sang”...

Theo Sở Y tế Bắc Ninh, chỉ trong thời gian hơn một tháng, toàn bộ dân cư của 2 xã Chi Lăng, Phú Lương đã được lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân. Tuy nhiên, trong hồ sơ phần lớn mới chỉ ghi nhận kết quả siêu âm, còn các xét nghiệm chỉ được chỉ định cho những trường hợp qua thăm khám phát hiện dấu hiệu các căn bệnh chuyên khoa. Những xét nghiệm này cũng không được thực hiện tại chỗ, mà chuyển về Trung tâm Y tế huyện để thực hiện…

Tại cả hai địa phương này, lực lượng nòng cốt thực hiện khám sức khỏe ban đầu là cán bộ y tế xã, cùng với sự hỗ trợ của bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế huyện. Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc chẩn đoán, phát hiện bệnh chỉ dựa vào thăm khám cần phải có những chuyên gia chuyên khoa sâu. Ngoài ra, nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường rất khó có biểu hiện nếu không thực hiện xét nghiệm…

“Hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cần đảm bảo các thông tin sức khỏe ở mức độ nào là hợp lý? Tổ chức khám sức khỏe theo phương thức nào? Nguồn kinh phí để thực hiện khám sức khỏe ban đầu lấy từ đâu? Quan trọng nhất, việc quản lý, sử dụng hồ sơ này ra sao để không biến chủ trương của Chính phủ thành hoạt động mang tính hình thức?... Đây là những câu hỏi cần phải trả lời khi xây dựng Kế hoạch triển khai trên toàn quốc”- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Nguồn lực chính từ quỹ BHYT?

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), việc khám sức khỏe ban đầu nên phân chia theo nhóm đối tượng (HSSV, người cao tuổi, phụ nữ). Với mỗi nhóm sẽ tập trung vào một số vấn đề sức khỏe riêng và nên tổ chức trong thời gian dài hơn, thay vì tập trung thành “chiến dịch”. Cụ thể: Nhóm trẻ em cần các nhóm thông tin sức khỏe về mắt, gan, cột sống… Nhóm người lớn tuổi có nguy cơ cao sẽ xét nghiệm máu và một số chỉ số khác như tiểu đường, huyết áp… Trường hợp quá trình khám sàng lọc phát hiện các bệnh nhân có dấu hiệu bệnh mạn tính, sẽ đưa về quản lý theo trường hợp bệnh, mức độ bệnh và năng lực của y tế cơ sở tại địa bàn.

Nhấn mạnh nội dung quản lý hồ sơ quản lý sức khỏe sau khi được lập, ông Lê Văn Khảm- Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết: Trong mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe sẽ luôn có tiêu thức số và mã thẻ BHYT; việc tích hợp thông tin của những hồ sơ này với Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam sẽ giúp cập nhật thông tin sức khỏe của người dân vào hồ sơ khi họ đi KCB ở bất kỳ cơ sở y tế nào.

Thực tế, phương án này cũng đã được tính đến trong Kế hoạch triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân- do Sở Y tế Hà Nội thực hiện từ ngày 1/3/2017. Bà Trần Thị Nhị Hà- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, cơ quan này đã thuê một DN CNTT cung cấp phần mềm kết nối dữ liệu của hệ thống hồ sơ quản lý sức khỏe đến các BV trên địa bàn; tiếp tục cập nhật thông tin sức khỏe của người dân khi đi KCB BHYT; đồng thời phân quyền cho từng cơ sở y tế để bảo mật thông tin cho người bệnh.

Đề cập kinh phí thực hiện khám sức khỏe ban đầu để lập hồ sơ, ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ KH-TC (Bộ Y tế) đề xuất: Việc chỉ định các nội dung khám để cung cấp thông tin sức khỏe trong hồ sơ là trách nhiệm của Bộ Y tế và nên đưa vào phạm vi của gói dịch vụ y tế cơ bản. Đây cũng là căn cứ để cơ quan BHXH được phép sử dụng quỹ BHYT để chi trả cho hoạt động này. Trước mắt, chi phí cho một hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân nên tính chi phí khám bệnh trực tiếp, chưa tính yếu tố lương vào giá dịch vụ như lộ trình giá dịch vụ y tế hiện nay. Theo tính toán, với trên 76 triệu người có thẻ BHYT hiện nay, kinh phí trích từ quỹ BHYT cho hoạt động này là khoảng 5.500 tỉ đồng. Với số người chưa có thẻ BHYT, tổng chi phí sẽ khoảng 1.200 tỉ đồng. Vì vậy, ông Liên đề xuất Bộ Y tế và Bộ Tài chính nên đề nghị Chính phủ cho phép ngân sách các địa phương chi hỗ trợ.

Chung ý kiến này, GS-TS.Lê Ngọc Trọng- Chủ tịch Hội Bác sĩ Gia đình Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Với ý nghĩa rất lớn của việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, kinh phí thực hiện không nên chỉ từ nguồn BHYT, mà cần cả sự hỗ trợ từ NSNN. Ông Trọng cũng đánh giá, thời hạn mà Chính phủ kỳ vọng hoàn thành việc lập hồ sơ sức khỏe cho 100% dân số trong năm 2017 là quá khó, cần phải thời gian ít nhất là 2 năm mới có thể đạt được…

Ghi nhận những đề xuất này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, để việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân đi vào thực chất, Bộ Y tế sẽ phải xây dựng quy trình cụ thể về cách thức thực hiện, kỹ thuật được sử dụng trong khám sức khỏe đầu tiên. Thành lập một hội đồng chuyên môn để xác định rõ các nội dung khám cần thiết. Bộ Y tế cũng sẽ có tờ trình Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện; đề nghị Chính phủ có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm cùng thực hiện hoạt động này. Đề nghị Bộ Tài chính đồng ý chủ trương dùng nguồn kinh phí từ quỹ BHYT và ngân sách các địa phương cho khám sức khỏe ban đầu để lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân…

Nguồn baobaohiemxahoi.vn