Hoàn thiện chính sách bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế

06/01/2017 07:39 AM


Đến nay, cả nước đã có 75 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đưa tỷ lệ bao phủ BHYT lên 81,3% số dân, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Với kết quả này, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho rằng, mục tiêu đến năm 2020 có 90,7% số dân tham gia BHYT chắc chắn sẽ đạt được. Tuy nhiên, thực tế triển khai đòi hỏi phải sửa đổi các quy định chưa phù hợp để bảo đảm tính bền vững của đối tượng tham gia BHYT.

tuyen truyen 060117.jpg

Một bất cập trong chính sách phát triển đối tượng tham gia BHYT là Luật BHYT (sửa đổi) quy định hộ gia đình tham gia BHYT phải cùng thời điểm. Thực tế phát sinh không ít những khó khăn như một thành viên trong gia đình không đồng ý tham gia khiến những thành viên khác không thể tham gia BHYT. Nhiều người cũng không có khả năng đóng hộ tiền cho những cá nhân còn lại trong gia đình, mặc dù càng nhiều thành viên tham gia thì số tiền đóng BHYT càng giảm. Có trường hợp các nhà hảo tâm tài trợ, mua tặng thẻ BHYT cho một thành viên trong hộ gia đình nhưng không thể thực hiện vì vướng quy định nói trên. Đến nay, có khoảng 10,7 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình, tăng 1,1 triệu người so với năm 2015, nhưng sự tham gia của đối tượng này chưa bền vững do tâm lý đau ốm nặng mới tham gia BHYT và hình thức đóng chưa phù hợp như nêu trên. Hiện còn khoảng tám đến 10 triệu người thuộc nhóm hộ gia đình chưa tham gia BHYT. Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho biết, bất cập nói trên đang được nghiên cứu sửa đổi theo hướng không bắt buộc các thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT cùng một thời điểm. Việc giảm trừ số tiền đóng cho các thành viên tham gia cũng sẽ được quy định linh hoạt, đó là, nếu người thứ hai trở đi tham gia BHYT trong cùng năm với người thứ nhất sẽ được áp dụng mức giảm trừ, thay vì bắt buộc tham gia cùng lúc mới được giảm trừ như hiện nay.

Hiện cả nước còn 400 nghìn người thuộc hộ gia đình cận nghèo và ba triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT. Một trong những nguyên nhân là do nhiều trường hợp khó khăn về kinh tế, không thể tham gia BHYT. Bộ Y tế cho biết, để người dân không bị rơi vào “bẫy nghèo” do ốm đau không có thẻ BHYT, cần thiết sửa đổi mức hỗ trợ các đối tượng này quy định tại Nghị định 105/2014/NĐ-CP. Phương án được đưa ra là từ ngày 1-1-2018 sẽ nâng mức hỗ trợ từ 70% như hiện nay lên 100% cho đối tượng hộ cận nghèo; từ 30% lên tối thiểu 50% đối với học sinh, sinh viên. Ngoài ra, bổ sung các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT: người nhiễm HIV/AIDS; người mắc bệnh phong; dân công hỏa tuyến, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức lương cơ sở… Có thể nói, nâng mức hỗ trợ đóng BHYT và bổ sung các đối tượng được ngân sách đóng là hình thức giảm dần việc cấp kinh phí từ nguồn ngân sách cho các cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ trực tiếp mua thẻ BHYT cho người dân, thúc đẩy người dân tham gia BHYT.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, hai Bộ Y tế, Tài chính và BHXH Việt Nam đang xem xét quy định bổ sung quyền lợi cho một số đối tượng như: trẻ em dưới sáu tuổi được quỹ BHYT chi trả một số sản phẩm điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính; ngư dân tham gia BHYT đánh bắt cá xa bờ được trang bị tủ thuốc cấp cứu, sơ cứu; thanh toán chi phí vận chuyển cho người bệnh từ huyện đảo vào đất liền; trường hợp cấp cứu tại nhà được quỹ BHYT thanh toán…

Bất cập về giá dịch vụ khám chữa bệnh cũng là nguyên nhân ảnh hưởng việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT thời gian qua. Tại các cơ sở y tế hiện tồn tại hai loại giá: giá khám chữa bệnh BHYT thanh toán và tự nguyện. Giá khám tự nguyện thấp hơn giá khám BHYT đã không chỉ gây khó khăn cho việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế mà còn tạo tâm lý chậm trễ tham gia BHYT của một bộ phận người dân. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ và thống nhất giá khám chữa bệnh tự nguyện và BHYT là giải pháp để người dân thấy lợi ích khi tham gia BHYT, qua đó, khuyến khích họ tham gia BHYT. Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư về giá dịch vụ khám chữa bệnh để áp dụng cho đối tượng khám tự nguyện, trên cơ sở tính thêm tiền lương, phụ cấp vào giá dịch vụ, đưa mức giá tối đa bằng mức giá của các dịch vụ do BHYT thanh toán. Trên cơ sở khung giá này, Bộ Y tế sẽ ban hành giá cụ thể đối với các bệnh viện thuộc trung ương quản lý, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức giá đối với những bệnh viện thuộc địa phương quản lý.

Cùng với giải pháp hoàn thiện chính sách, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật BHYT cần được tăng cường hơn nữa. Tại hội nghị về BHYT mới đây, một số ý kiến đã cho rằng chính sách BHYT lý tưởng với mọi người bệnh nhưng trên thực tế lại không đủ sức thu hút các đối tượng tham gia do người tham gia BHYT chưa hiểu hết giá trị và quyền lợi của tấm thẻ. Một số cấp ủy đảng chưa quán triệt, phổ biến sâu rộng Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”, nhất là khu vực miền Tây Nam Bộ và một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng… Do đó, các địa phương cần đưa chỉ tiêu số dân tham gia BHYT vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương pháp tiếp cận người tham gia nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHYT.

Theo Báo Nhân dân