Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Chuẩn bị chính sách cho 20 năm sau
03/11/2016 09:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại Tọa đàm Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vừa được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, với xu hướng tuổi thọ của người dân ngày càng tăng, tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành của nước ta đang được coi là thấp so với khu vực. Nếu không có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu thì rất có thể một thời gian không xa, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng “vỡ” quỹ bảo hiểm xã hội và không thể bảo đảm được an sinh xã hội.
Tăng là cần thiết
Bộ LĐ, TB - XH đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó, tính tới việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Xung quanh việc sửa đổi, bổ sung này, dư luận đang đặt nhiều câu hỏi: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ theo hướng nào? Khi điều chỉnh có mất cơ hội việc làm của giới trẻ không? Sự mất cân đối tuổi nghỉ hưu giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp sẽ được tính toán ra sao? Lộ trình xây dựng, triển khai điều chỉnh tuổi nghỉ hưu như thế nào?...
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ, TB - XH Phạm Minh Huân, năm 2007, chúng ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Đây là thời kỳ có thể tận dụng cơ hội lao động trẻ để phát triển đất nước. Nhưng từ năm 2011, chúng ta cũng bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số. Theo dự báo, quá trình già hóa dân số của nước ta thậm chí sẽ diễn ra với tốc độ khá nhanh, chỉ dưới 20 năm. Vì thế, việc tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những chính sách cần tính đến để vừa tận dụng được cơ hội của thời kỳ dân số vàng vừa đối mặt với thách thức của quá trình già hóa dân số.
Ông Phạm Minh Huân cũng cho biết, tăng tuổi nghỉ hưu còn giúp cân đối và bảo đảm tính bền vững của quỹ BHXH, đặc biệt là quỹ hưu trí. Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu phải được đưa ra tính toán và xác định lộ trình thực hiện phù hợp ở thời điểm này. Đây không phải là chính sách cho hôm nay mà là chúng ta chuẩn bị chính sách cho 20 năm sau. Các dự báo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí cho thấy, mô hình đóng bảo hiểm hiện nay có vấn đề vì mức đóng ít nhưng mức hưởng nhiều hơn. Vì vậy, cần điều chỉnh quá trình này để bảo đảm sự cân đối và bền vững của quỹ.
Một lý do khác cũng được Thứ trưởng Phạm Minh Huân đưa ra là, tăng tuổi nghỉ hưu không phải vấn đề riêng của Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Mỗi nước có phương án khác nhau, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cung cầu lao động của mình. Chính vì thế, các cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan liên quan phải nghiên cứu thật kỹ, lên phương án, báo cáo QH để cân nhắc quyết định. Năm 2012 khi sửa Bộ luật Lao động và năm 2014 sửa Luật BHXH, vấn đề này đã được đề cập. Theo ông Huân, nếu tiếp tục “xếp lại” vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu thì các giai đoạn sau này sẽ khó khăn hơn.
Tính toán kỹ lưỡng
Ủng hộ việc đã đến lúc phải tính tới tăng tuổi nghỉ hưu, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh, phải tính toán đầy đủ, kỹ lưỡng các tác động về kinh tế, xã hội, thậm chí cả sức khỏe, tâm lý của người lao động để có phương án cụ thể. Theo ông Bùi Sĩ Lợi, có 3 điểm mấu chốt cần xem xét khi tăng tuổi nghỉ hưu. Một là, sức khỏe của người lao động, mặc dù, tuổi thọ của nước ta có tăng nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Hai là, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ba là, áp lực giữa cung - cầu lao động.
Có ý kiến cho rằng nâng tuổi nghỉ hưu để chống đỡ mất cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, nhưng không hoàn toàn như vậy. Nguyên nhân căn bản của mất cân đối quỹ là do số lượng người đóng cho số lượng người hưởng đang có xu hướng giảm dần; đóng ít, hưởng nhiều mà thời gian tuổi thọ của người lao động lại được nâng lên. Tuổi thọ trung bình tăng là một bước tiến mới của chúng ta, nhưng cũng phải nghĩ đến nguồn bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm lương của người về hưu, không để người về hưu sống dưới mức tối thiểu.
Ông Bùi Sĩ Lợi cũng nhấn mạnh, dù đưa ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu như thế nào thì với ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại và lao động trực tiếp, lao động ở vùng sâu, vùng xa, lao động bị suy giảm khả năng lao động trong quá trình lao động… - tuyệt đối chưa nên bàn đến việc tăng tuổi nghỉ hưu. Trước mắt, tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên áp dụng với những ngành nghề chúng ta đã cải thiện được môi trường, điều kiện làm việc tốt hơn và sức khỏe của người lao động được bảo đảm tốt hơn.
Các quy định pháp luật được xây dựng không chỉ để thực hiện cho hôm nay, ngày mai, mà còn phải đi trước đón đầu, chuẩn bị cho tương lai xa hơn. Nếu không có sự chuẩn bị, chúng ta sẽ chịu áp lực lớn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh sau này. Tuy nhiên, phải tính toán phương án và lộ trình hết sức cụ thể. Việc điều chỉnh phải dựa trên đánh giá tác động cặn kẽ, nhất là cân đối được thị trường lao động để vừa khắc phục tình trạng lao động, có trình độ cao phải nghỉ sớm hiện nay, vừa tạo điều kiện cho lao động trẻ tự tin bước vào thị trường lao động. Tức là, phải ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, giải quyết được vấn đề xã hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi
Theo Báo ĐBND
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...