Nỗ lực thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

03/09/2016 03:54 AM



Khám mắt cho học sinh khối tiểu học tại Bệnh viện Mắt Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên giữ vai trò chính trong phát triển y tế trường học, chăm sóc sức khỏe cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu 100% số học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2017 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị…

Những kết quả tích cực

Trong những năm qua, công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên (BHYT HSSV) luôn được tổ chức, thực hiện hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), giáo dục và đào tạo (GD và ĐT), y tế. Năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% số HSSV tham gia BHYT, năm học 2012-2013 có khoảng 80%, năm học 2013-2014 là 85%, thì đến năm học 2014-2015, tỷ lệ này là 88,5%, tương ứng gần 14,82 triệu HSSV có thẻ BHYT. Năm học 2015- 2016, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 90,5%, với khoảng 15,6 triệu HSSV, trong đó, số HSSV tham gia tại trường là 12,8 triệu, tham gia theo nhóm đối tượng khác (người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình…) là hơn 2,8 triệu.

Nhiều địa phương trở thành điểm sáng trong cả nước khi liên tục có số HSSV tham gia với tỷ lệ cao hơn 90%. Như: Hải Dương ba năm liền có 100% số HSSV tham gia BHYT; Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn xấp xỉ 90%. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh có tỷ lệ HSSV tham gia thấp dưới 70%. Nguyên nhân chính là do phần lớn các địa phương chưa tìm được nguồn hỗ trợ thêm phần kinh phí đóng BHYT ngoài mức hỗ trợ 30% của ngân sách nhà nước. Mức phí BHYT HSSV phải đóng là khá cao, cùng với những khoản phí đầu năm học tạo những khó khăn nhất định cho các hộ gia đình nông thôn, miền núi. Tại một số địa phương, sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về BHYT HSSV chưa thật sự sát sao, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD và ĐT với BHXH. Mặc dù luật đã quy định HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, nhưng thực tế cũng không có chế tài nào mang tính “bắt buộc”.

Sinh viên (SV) cũng được coi là nhóm khó khăn nhất khi vận động tham gia BHYT. Đối tượng này thường chỉ tham gia BHYT vào đầu năm học khi mới nhập trường và giảm dần vào các năm học sau. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, chỉ tính riêng khối các trường đại học, cao đẳng trong cả nước mới có khoảng 1,1 triệu SV tham gia BHYT, đạt hơn 70% tổng số phải tham gia theo quy định của Luật BHYT...

Cần tổ chức tốt công tác y tế học đường

“Thực hiện tốt công tác y tế học đường và khám, chữa bệnh BHYT là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy nhanh mục tiêu bao phủ BHYT đến 100% số HSSV” - Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định.

Theo thống kê, hằng năm có hàng triệu lượt HSSV được Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh khi bị rủi ro thương tích, đau ốm phải điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước. Trong đó, Quỹ BHYT đã chi trả cho nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính, như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo (khoảng 80 triệu đồng/năm); điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng...

Đồng thời, Quỹ khám, chữa bệnh BHYT còn trích 7% kinh phí để lại cho hoạt động y tế trường học (YTTH) phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Số liệu thống kê hằng năm cho thấy, nguồn kinh phí từ Quỹ BHYT dành cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại YTTH ngày càng tăng. Năm 2006, số chi cho công tác này trên cả nước mới khoảng 75 tỷ đồng, thì đến năm học 2013-2014 là hơn 441 tỷ đồng, và trong năm học 2015 - 2016 tăng lên khoảng 500 tỷ đồng. Nguồn Quỹ BHYT đang giữ vai trò chủ yếu trong nguồn kinh phí hoạt động của YTTH, khoảng 82%, trong khi phần chi từ ngân sách nhà nước khoảng 18%.

BHYT đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với công tác YTTH nói riêng và công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV nói chung, góp phần thực hiện chiến lược đào tạo con người toàn diện. Xét trên phương diện xã hội, HSSV tham gia BHYT sẽ tạo sự yên tâm cho bản thân HSSV và gia đình nếu không may xảy ra tai nạn, chấn thương hay bệnh tật. Nhà trường cũng yên tâm trong quản lý sức khỏe học sinh, có thêm cơ hội, điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học. Vì thế, thực hiện BHYT HSSV không chỉ là quyền lợi về sức khỏe đối với HSSV, mà còn là cách thức giáo dục về trách nhiệm xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xây dựng tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm và chia sẻ…

Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu của HSSV trong hoạt động YTTH, vừa qua liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2016/TTLB-BYT-BGDĐT quy định về công tác YTTH. Trong đó, quy định cụ thể về: việc sử dụng kinh phí từ nguồn BHYT HSSV; việc bảo đảm các điều kiện về phòng học, bàn ghế, bảng viết, chiếu sáng, đồ chơi trong trường học; bảo đảm các điều kiện về phòng y tế, nhân viên YTTH; việc tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường học…

Để mục tiêu thành hiện thực

Tỷ lệ 90,5% số HSSV tham gia BHYT trong năm học 2015 - 2016 còn khá xa so với mục tiêu 100% số HSSV có BHYT vào năm 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm học mới, các bộ, ngành cũng như các địa phương đang tích cực vào cuộc.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, những khó khăn phát sinh do những quy định mới trong thực hiện BHYT HSSV từ thời điểm ngày 1-1-2015 như: mức đóng nâng lên bằng 4,5% mức lương cơ sở, hay việc chuyển đổi từ thu và phát hành thẻ BHYT theo năm học sang thu và phát hành thẻ theo năm tài chính… đã được cơ quan BHXH Việt Nam chủ động tháo gỡ. Mới đây, BHXH Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp Sở GD và ĐT, Sở Y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục - đào tạo trên địa bàn tổ chức tuyên truyền thực hiện tốt BHYT HSSV, bảo đảm quyền lợi về KCB và công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phối hợp Sở GD và ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện thu BHYT HSSV theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, có thể thu và phát hành thẻ thành nhiều đợt (ba tháng và 12 tháng hoặc sáu tháng và chín tháng) để giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho phụ huynh HSSV vào đầu năm học mới…

Kinh nghiệm những năm học trước cho thấy, các địa phương có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT cao đều có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, nhất là ngành GD và ĐT. Theo TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Công tác HSSV (Bộ GD và ĐT), để hoàn thành mục tiêu 100% số HSSV tham gia BHYT, trách nhiệm của xã hội, nhà trường, gia đình có ý nghĩa quan trọng. Đây cũng chính là lý do để Bộ đề nghị các trường, cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công văn số 4296 ngày 24-8-2015 của Bộ GD và ĐT về tăng cường triển khai thực hiện BHYT cho HSSV. Trong đó, Sở GD và ĐT các tỉnh, thành phố, các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ phải xây dựng kế hoạch phát triển BHYT đối với HSSV của các trường; phải đưa kết quả thực hiện BHYT vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của các Sở GD và ĐT, tiêu chí xếp loại HSSV. Đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò tổ chức thực hiện của lãnh đạo các trường trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT với HSSV, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% số HSSV có BHYT trong năm học 2016-2017.

Đối với nhóm SV tham gia BHYT, Bộ GD và ĐT đang phối hợp Bộ Tài chính đề xuất nâng mức cho vay đối với SV, nhất là đối tượng SV có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện để các em có nguồn kinh phí trang trải học tập cũng như chăm sóc sức khỏe thông qua BHYT. Đồng thời, đề xuất, tham mưu Thủ tướng Chính phủ nâng mức hỗ trợ đóng BHYT của HSSV từ ngân sách nhà nước lên tối thiểu 50% mức đóng BHYT theo nhóm giải pháp phát triển BHYT HSSV đã đề ra.

Nguồn Báo Nhân dân