Bảo đảm quyền lợi người lao động
17/08/2016 01:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ ngày 1-7-2016, thực hiện Nghị định số 37/2016/NĐ-CP của Chính phủ, chủ sử dụng lao động bắt buộc phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Quy định này được áp dụng sẽ giúp bảo đảm hơn đời sống của những lao động rủi ro bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Tăng trách nhiệm của chủ sử dụng lao động
Trước đây, đã có nhiều trường hợp người lao động trong quá trình làm việc bị tai nạn lao động, hoặc suy giảm sức khỏe do bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc, đời sống gặp nhiều khó khăn, những trường hợp này khi được hỗ trợ hay trợ cấp một lần chỉ với số tiền ít ỏi.
Gần 15 năm nay, ông Phạm Văn Mai (ngụ phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) phải nằm liệt một chỗ sau vụ tai nạn lao động do xe nâng đổ hàng vào lưng, gây đứt tủy sống. Số tiền chủ doanh nghiệp bồi thường một lần chỉ giúp ông Mai thuốc thang được hơn một năm thì hết. Mất việc, nằm liệt một chỗ, vợ ông phải nghỉ buôn bán ở nhà chăm sóc ông do các con ông lúc ấy còn quá nhỏ. Từ đó, gia đình ông kiệt quệ đến nay.
Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động là một tiến bộ đáng kể trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Đặc biệt, phạm vi điều chỉnh của Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 đã mở rộng đối tượng hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phù hợp với đối tượng đóng bảo hiểm xã hội cho cả đối tượng người lao động làm việc theo mùa vụ, người lao động dưới 15 tuổi, kể cả lao động đã nghỉ hưu… Đây là một ưu điểm vượt trội của các chế độ, chính sách của Nhà nước.
Nhiều hoàn cảnh tương tự như ông Mai đã gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế sau khi không còn khả năng làm việc. May mắn hơn, có người bị tai nạn lao động được chi trả đầy đủ theo quy định, nhưng cũng có người do một phần lỗi của mình nên khó yêu cầu phía chủ doanh nghiệp bồi thường chi phí thuốc men và tiền mất sức lao động. Không ít trường hợp chỉ nhận được một khoản tiền hỗ trợ rồi bị cho nghỉ việc, cuộc sống của họ từ đó trở nên bế tắc.
Để bảo đảm đời sống của những lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp khi suy giảm hoặc mất sức lao động, căn cứ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động từ ngày 1-7, chủ doanh nghiệp sử dụng lao động phải đóng 1% trên quỹ tiền lương tháng của người lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, người lao động khi bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp sẽ được hỗ trợ khám bệnh nhằm phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp, kể cả khi đã nghỉ hưu.
Như vậy, trong khoảng thời gian kể từ ngày nghỉ hưu, chuyển việc khác hoặc thôi việc, người bị bệnh nghề nghiệp sẽ vẫn được hưởng các khoản hỗ trợ theo quy định mới.
Quyền lợi người lao động được bảo đảm
Theo Luật An toàn vệ sinh lao động, người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện theo quy định và mất ít nhất 5% khả năng lao động do bị tai nạn lúc đang làm việc thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động. Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 5-30% thì được hưởng trợ cấp một lần.
Cụ thể, người lao động bị suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng trợ cấp tương đương 5 tháng lương tối thiểu chung. Sau đó cứ suy giảm thêm 1% khả năng lao động thì được hưởng thêm 0,5% tháng lương tối thiểu chung. Với những trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng. Cụ thể, suy giảm 30% khả năng lao động được hưởng 30% mức lương tối thiểu chung. Sau đó, cứ mỗi 1% khả năng lao động bị suy giảm thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung.
Cả 2 diện trên ngoài khoản trợ cấp hàng tháng, người lao động được hưởng trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội. Nếu tham gia đóng từ 1 năm trở xuống, mức hưởng được tính bằng 50%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 30% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Nếu người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung. Ngoài ra, người lao động bị tai nạn lao động mà không phải do lỗi của người đó; bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì người sử dụng lao động phải bồi thường theo quy định.
Trong công văn số 655/BHXH-QLT của Bảo hiểm xã hội tỉnh gửi đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nêu rõ: mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là 32,5%, trong đó người lao động đóng 10,5%; người sử dụng lao động đóng 22%, gồm: 18% bảo hiểm xã hội, 3% bảo hiểm y tế, 1% bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, 18% bảo hiểm xã hội do chủ sử dụng lao động đóng được phân bổ như sau: 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 1% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất. Tuy nhiên, quy định này không bao gồm lao động là người giúp việc nhà.
Nguồn Báo Đồng Nai
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...