Giãn đóng BHXH mới: Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
15/08/2016 07:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp sản xuất thì việc giãn lộ trình đóng BHXH được ủng hộ.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Theo đó, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017 đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thể đánh giá được tỷ lệ doanh nghiệp đóng BHXH theo cách mới. Trước những khó khăn của doanh nghiệp, phương án giãn lộ trình đóng BHXH theo cách tính mới có thể kéo dài đến năm 2020.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, chính sách đóng BHXH theo luật mới sẽ tác động không nhỏ tới doanh nghiệp, các hiệp hội. Trước đây, doanh nghiệp đóng BHXH dựa trên mức lương tối thiểu. Nếu đóng BHXH cho người lao động trên mức thu nhập cộng với phụ cấp, chi phí doanh nghiệp sẽ tăng lên rất lớn. Trong khi Chính phủ khuyến khích tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, thì đây là điều đáng phải suy nghĩ.
Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu và tính toán để giãn lộ trình, giảm sức ép chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải tính toán để đổi mới cách tính thu nhập cá nhân cho mỗi người lao động, từ đó họ sẽ hiểu rõ hơn về việc đóng-hưởng.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói: “Vấn đề đóng BHXH, theo Luật BHXH, lộ trình là 3 năm. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đi khảo sát tác động của chính sách này. Qua khảo sát thì thấy rằng nếu tăng đóng BHXH lên quá đột ngột, quá nhanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí doanh nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi phải tiếp tục đánh giá, báo cáo tình hình với Quốc hội và cân nhắc xem có thể giãn lộ trình thêm không. Có thể thay vì áp dụng từ năm 2018 sẽ lùi lại đến năm 2020, như vậy sức chịu đựng của doanh nghiệp đỡ bị ảnh hưởng”.
Đại diện cho người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại cho rằng, việc giãn lộ trình đóng bảo hiểm xã hội sẽ không có lợi về lâu dài cho người lao động. Ông Chính giải thích, khi tiền lương tối thiểu vùng tăng sẽ làm tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, trong đó cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải đóng. Nhưng với mức lương tối thiểu hiện nay, sau 20-30 năm nữa, khi người lao động nghỉ hưu, mức lương sẽ thấp và nhà nước có thể phải trợ cấp thêm. Chính vì vậy, đóng BHXH dựa trên thu nhập sẽ cải thiện đời sống người lao động khi về già. Việc giãn lộ trình không thể kéo dài quá lâu.
Ông Mai Đức Chính nói: “Hiện nay, doanh nghiệp chỉ đóng BHXH cho người lao động trên nền lương tối thiểu. Đến 30 năm sau, tối đa người lao động chỉ được hưởng 75% lương. Vậy thì lúc đó mặt bằng tối thiểu chỉ được 75%. Chúng ta phải phân tích cho người lao động hiểu rằng lương tối thiểu tăng, người lao động phải đóng thêm tiền đóng BHXH nhưng về lâu dài người lao động sẽ được hưởng lương hưu và các chính sách khác nhiều hơn”.
Trong khi nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp sản xuất thì việc giãn lộ trình đóng BHXH theo cách tính mới được hầu hết các doanh nghiệp ủng hộ.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Công ty may Hưng Yên cho biết, hiện các doanh nghiệp vẫn đóng BHXH cho người lao động tính theo mức cũ. Trong đó doanh nghiệp phải đóng 20% và người lao động đóng 10% trên mức lương cơ bản.
Việc tăng lương hàng năm cũng đồng nghĩa với việc tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu. Do đó, đóng BHXH dựa trên thu nhập càng làm cho doanh nghiệp khó khăn nhiều hơn.
“Hiện có Thông tư, Nghị định hướng dẫn thực hiên đóng BHXH theo cách tính mới rồi nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải tranh cãi. Tới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần có những quy định cụ thể hơn nữa để doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất” - ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Như vậy, hiện tại, việc đóng bảo hiểm xã hội vẫn tính theo lương cơ bản, mức thu không thấp hơn mức lương tối thiểu./.
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...