Trách nhiệm thực hiện BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động trong pháp luật Việt Nam hiện hành

02/08/2016 01:24 AM




Tham gia BHXH, BHYT, BHTN là quyền quan trọng của người lao động trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, để được hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, người lao động phải đóng góp một phần hay toàn bộ phí, hoặc được chủ thể khác đóng phí tham gia bảo hiểm. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc đóng phí tham gia BHXH, BHYT, BHTN của người lao động không chỉ là nghĩa vụ của bản thân người lao động (NLĐ) mà còn thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ).


Quy định pháp luật về trách nhiệm đóng góp quỹ BHXH, BHYT, BHTN của NSDLĐ

Các quỹ BHXH, BHYT, BHTN đều được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Quỹ BHXH tập trung từ đóng góp của NSDLĐ, đóng góp của NLĐ, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ, hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác.

(1) Tương tự, Quỹ BHYT có nguồn thu từ tiền đóng phí BHYT của các đối tượng tham gia, NSDLĐ, tổ chức BHXH, nhà nước hỗ trợ từ ngân sách; tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư Quỹ BHYT; tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cùng với các nguồn thu hợp pháp khác

(2). Quỹ BHTN cũng được hình thành từ nhiều nhóm nguồn như các khoản đóng và hỗ trợ theo quy định pháp luật; tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHTN; nguồn thu hợp pháp khác

(3). Có thể thấy, các quỹ BHXH, BHYT, BHTN đều được hình thành trước hết và chủ yếu từ đóng góp của các chủ thể tham gia và đóng góp, hỗ trợ đóng góp quan trọng từ NSDLĐ.Pháp luật quy định nghĩa vụ đóng Quỹ BHXH có sự phân biệt giữa những nhóm người tham gia BHXH khác nhau về tổng mức đóng cũng như mức đóng của riêng NLĐ hay NSDLĐ.

Tổng mức đóng BHXH bằng 26% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm, trong đó, người lao động hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất, NSDLĐ hằng tháng đóng mức 18% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động (3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất) được áp dụng với những đối tượng người lao động gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; cán bộ, công chức, viên chức; công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương. Tổng mức đóng bằng 23% mức lương cơ sở của người lao động áp dụng đối với người lao động là hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; trong đó hoàn toàn do NSDLĐ đóng, cụ thể là NSDLĐ hằng tháng đóng 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tổng mức đóng BHXH bằng 22% mức tiền lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất, được áp dụng đối với người lao động là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; trong đó, hằng tháng người lao động đóng 8%, NSDLĐ đóng 14%…

(4)Tương tự BHXH, việc đóng Quỹ BHYT có những khác biệt theo từng nhóm đối tượng tham gia: nhóm do người lao động và NSDLĐ đóng, nhóm do tổ chức BHXH đóng, nhóm do NSNN đóng, nhóm được NSNN hỗ trợ mức đóng, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình. Liên quan tới nhóm đối tượng tham gia BHYT do người lao động và NSDLĐ cùng đóng góp phí BHYT, pháp luật quy định với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên; NLĐ là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức, mức đóng BHYT bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động, trong đó NSDLĐ đóng 2/3 và NLĐ đóng 1/3. Cùng tham gia BHYT theo nhóm do người lao động và NSDLĐ đóng, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn lại có mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở. Hằng tháng, NSDLĐ đóng BHYT cho người lao động và trích tiền đóng BHYT từ tiền lương của NLĐ để nộp cùng một lúc vào Quỹ BHYT. Riêng đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không trả lương theo tháng thì định kỳ 03 tháng hoặc 06 tháng một lần, NSDLĐ đóng BHYT cho NLĐ và trích tiền đóng BHYT từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào Quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, với tư cách là NSDLĐ trong một số quan hệ lao động, Nhà nước đồng thời đóng góp toàn bộ phí BHYT cho một số đối tượng là “người lao động” đặc biệt của mình. Với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ, sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; mức đóng bằng 4,5% tiền lương tháng. Với Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm, mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở. Hằng quý, ngân sách nhà nước chuyển số tiền đóng BHYT cho nhóm đối tượng trên vào Quỹ BHYT

(5).Nghĩa vụ đóng Quỹ BHTN được chia sẻ giữa NLĐ và NSDLĐ. Theo đó, NLĐ đóng bằng 1% tiền lương tháng; NSDLĐ đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BHTN

(6). Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013 xác định rõ mức tiền lương làm căn cứ đóng BHTN, cụ thể là: NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH; nếu mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn hai mươi tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng hai mươi tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng BHTN. Trong trường hợp khác, nếu NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH; nếu mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm đóng BHTN. Hằng tháng, NSDLĐ có nghĩa vụ đóng BHTN và trích tiền lương của từng NLĐ để đóng cùng một lúc vào Quỹ BHTN.Nhằm đảm bảo thực thi nghĩa vụ đóng phí BHXH, BHYT, BHTN của NSDLĐ, pháp luật cũng dự liệu những chế tài áp dụng đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, NSDLĐ có thể bị xử phạt hành chính với mức cảnh cáo, phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc truy nộp số tiền bảo hiểm chưa đóng, chậm đóng; buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm chưa đóng, chậm đóng…

(7) Mới đây, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được thông qua và tới đây sẽ được thực thi. Bộ luật quy định khi cá nhân, pháp nhân thương mại nếu phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thì tương ứng với các mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, hình phạt chính là: Cải tạo không giam giữ (đến 01 năm), phạt tiền (từ 50.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng), phạt tù (từ 03 tháng đến 07 năm), đồng thời, chủ thể có thể chịu hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm

(8). Như vậy, trong thời gian rất gần, hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của NSDLĐ sẽ có thêm cơ sở pháp lý để trừng phạt một cách nghiêm khắc hơn.

Thực trạng thực hiện trách nhiệm đóng góp quỹ BHXH, BHYT, BHTN của NSDLĐ và một số nguyên nhân cơ bảnNhững thành công, hạn chế trong thực tiễn thực hiện trách nhiệm đóng quỹ BHXH, BHYT, BHTN của NSDLĐ

Trong những năm qua, NSDLĐ đã thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm của mình trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; trong đó có trách nhiệm đóng quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Điều này trước hết thể hiện ở số NLĐ được tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày một gia tăng, cùng với đó là số thu quỹ tương ứng có xu hướng tăng đáng kể.

Đến ngày 31/12/2014, tổng số người tham gia BHXH là 11.647.784 người với tổng số tiền là 142.582 tỷ đồng, tăng 590.356 người tương ứng tăng 5,34% so với năm 2013, trong đó có 11.451.530 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5,16% so với năm 2013, tương ứng tăng 562.197 người, 9.213.302 người tham gia BHTN tăng 6,19%, tương ứng tăng 537.221 người so với năm 2013; tổng số người tham gia BHYT khoảng 64,6 triệu người với số tiền là 55.144,2 tỷ đồng, chiếm 70,7% dân số(9).

Đến 31/12/2015, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 70,2 triệu người, tăng 6,8% so với năm 2014; tổng số thu là 216.576,9 tỷ đồng, đạt 106,2% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 9,5% so với năm 2014(10).

Cùng với đó, tình trạng nợ BHXH, BHYT trong năm 2015 giảm hơn trước. Đến ngày 31/12/2015, nợ BHXH, BHYT, BHTN được kiểm soát ở mức trên 7.500 tỷ đồng, bằng hơn 3% so với tổng số phải thu, giảm hàng nghìn tỷ đồng so với năm 2014(11).

Bên cạnh những thành công đáng khích lệ, việc thực hiện trách nhiệm đóng phí tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của NSDLĐ cũng tồn tại một số hạn chế. Tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp. Nếu như năm 1997, số nợ, chậm đóng BHXH là 307 tỷ đồng, bằng 8% tổng số phải thu trong năm thì năm 2007, con số tương ứng là 1.734 tỷ đồng, bằng 6,8% tổng số phải thu trong năm(12).

Mặc dù trong năm qua, tình trạng này được kiểm soát tốt hơn, nợ BHXH, BHYT, BHTN có xu hướng giảm nhưng số đơn vị, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN vẫn khá lớn. Đến ngày 31/12/2014, tổng số nợ chậm đóng BHXH, BHYT là 7.278 tỷ đồng, chiếm 4,09% so với kế hoạch thu năm 2014: Nợ BHXH là 5.577 tỷ đồng, chiếm 76,63 tổng nợ, trong đó nợ dưới 01 tháng là 700 tỷ đồng; nợ BHTN là 336 tỷ đồng, chiếm 4,62% tổng nợ; số nợ của ngân sách địa phương hỗ trợ Quỹ BHTN là 151 tỷ đồng; nợ BHYT là 1.364 tỷ đồng, chiếm 18,75% số nợ; trong đó Ngân sách Nhà nước nợ gần 671 tỷ đồng(13). Số nợ BHXH năm 2015 là 7.567 tỷ đồng, trong đó có 103.000 doanh nghiệp nợ 5.300 tỷ đồng. Tính riêng số nợ BHXH là 5.692 tỷ đồng, BHYT là 1.560 tỷ đồng, BHTN là 315 tỷ đồng. So với năm 2014, số nợ BHXH năm 2015 đã giảm hơn 1.400 tỷ đồng nhưng rõ ràng vẫn ở mức cao(14).thủ đoạn trốn, tránh, chây ỳ đóng góp quỹ BHXH, BHYT, BHTN của NSDLĐ tương đối đa dạng. Một số đơn vị lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp khi nền kinh tế gặp khó khăn để nợ tiền BHXH, BHYT, BHYT nhằm chiếm dụng số tiền đó đem đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp khác thỏa thuận với NLĐ về việc chia thu nhập của NLĐ thành những phần nhỏ khác nhau, trong đó thu nhập được tính bảo hiểm chỉ chiếm một phần nhỏ trong đó để giảm số tiền BHXH, BHYT, BHTN phải đóng. Có doanh nghiệp lại chỉ kí hợp đồng lao động dưới 03 tháng với NLĐ để tránh việc nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN cho họ. Có doanh nghiệp đã trích tiền BHXH, BHYT, BHYT từ tiền lương của NLĐ, nhưng lại cố tình không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Hơn thế nữa, doanh nghiệp thậm chí có thái độ chây ì, không hợp tác khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhắc nhở, thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT, BHTN. Những vi phạm nghĩa vụ đóng quỹ BHXH, BHYT, BHTN của NSDLĐ trực tiếp gây thiệt hại cho các quỹ BHXH, BHYT, BHTN, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ được tham gia bảo hiểm, từ đó có thể gây nên mâu thuẫn giữa NSDLĐ và NLĐ mà nếu không điều hòa được, mâu thuẫn này có thể phát triển thành đình công, ngừng việc tập thể không những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động mà còn làm mất an ninh trật tự xã hội.

Những nguyên nhân cơ bản của thực trạng thực hiện trách nhiệm đóng góp quỹ BHXH, BHYT, BHTN của NSDLĐTình trạng NSDLĐ vi phạm nghĩa vụ đóng góp quỹ BHXH, BHYT, BHTN diễn ra phổ biến và phức tạp cùng với một số tồn tại khác trong việc thực hiện trách nhiệm của NSDLĐ liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả những tác động khách quan và lý do chủ quan từ chính NSDLĐ.Thứ nhất, tình hình kinh tế khó khăn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng hay nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta một cách sâu rộng, tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ kéo dài, doanh thu của các doanh nghiệp liên tục giảm sút. Mặt khác, lãi suất ngân hàng trong nhiều năm có xu hướng tăng cao khiến cho các doanh nghiệp chịu thêm áp lực tài chính nặng nề. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp tận dụng mọi nguồn lực, kể cả nguồn quỹ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ vào sản xuất, kinh doanh, nhằm nỗ lực duy trì hoạt động. Tuy vậy, trong cơn bão khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã phải giải thể hoặc phá sản trong khi vẫn còn nợ tiền đóng phí BHXH, BHYT, BHTN. Theo BHXH Việt Nam, trong 22.231 doanh nghiệp nợ BHXH, có khoảng 20.000 doanh nghiệp không còn giao dịch BHXH, dừng hoạt động, phá sản giải thể. Đặc biệt, gần 2.000 doanh nghiệp “mất tích” hoàn toàn, 106 doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn(15).Thứ hai, chế tài xử lý các vi phạm còn chưa nghiêm khắc cũng là nguyên nhân tạo ra tình trạng coi thường pháp luật của một số NSDLĐ. Các vi phạm về trách nhiệm của NSDLĐ trong BHXH, BHYT, BHTN mới chỉ được xử phạt bằng các chế tài hành chính với mức xử phạt khá nhẹ, tối đa là phạt tiền 75.000.000 đồng (75 triệu đồng) áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc đóng số tiền bảo hiểm chưa đóng, đóng thiếu. Có thể thấy những mức phạt này khá “nhẹ”, chưa thể hiện được tính răn đe. Trong trường hợp lợi ích vật chất mà NSDLĐ có thể “được” từ việc chây ỳ, trốn đóng phí BHXH, BHYT lớn hơn, thậm chí lớn hơn rất nhiều so với số tiền nộp phạt (nếu bị phát hiện và xử lý) thì nhiều NSDLĐ sẽ không ngần ngại trốn tránh hay tiếp tục trốn tránh nghĩa vụ đóng góp này. Vậy nên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã bất chấp việc vi phạm pháp luật để chiếm dụng số tiền quỹ BHXH, BHYT, BHTN.Thứ ba, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm của NSDLĐ về trách nhiệm đóng góp quỹ BHXH, BHYT, BHTN nói riêng, vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói chung còn có sự thiếu rõ ràng, đôi chỗ chồng chéo. Điều 36, Điều 37 Nghị định 93/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lao động, BHXH và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định những cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trách nhiệm của NSDLĐ trong BHXH, BHYT bao gồm: Chủ tịch UBND xã; Chủ tịch UBND huyện; Chủ tịch UBND tỉnh; Thanh tra viên lao động, người được giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ; Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Bộ; Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Tuy các quy định của pháp luật đã trao thẩm quyền cho nhiều tổ chức, cá nhân nhưng những quy định này lại chỉ xác định mức xử phạt tối đa, các hình thức xử phạt khác mà tổ chức, cá nhân đó có thể áp dụng đối với các vi phạm mà không có phân chia rõ phạm vi thẩm quyền của các chủ thể. Điều này có khả năng làm nảy sinh tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân cùng có thẩm quyền nên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, hay ngược lại là xử phạt nhiều lần đối với một hành vi; hiệu quả của công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm cũng do đó mà giảm sút.Thứ tư, ý thức thực hiện pháp luật của nhiều NSDLĐ còn hạn chế. Đây là nguyên rất căn bản dẫn đến những hạn chế khi NSDLĐ thực hiện trách nhiệm của mình trong BHXH, BHYT, BHTN. Nếu NSDLĐ có ý thức pháp luật tốt, họ sẽ không thực hiện các vi phạm dù chưa đủ chế tài mạnh, hay khi hệ thống pháp luật có những “lỗ hổng”, trình độ quản lý còn hạn chế. Ngược lại, nếu ý thức pháp luật kém thì bằng mọi cách, vì lợi ích kinh tế trước mắt, NSDLĐ vẫn thực hiện các vi phạm bất chấp các quy định pháp luật. Hiện nay, với tư cách NSDLĐ, nhiều doanh nghiệp chưa có tinh thần tự giác chấp hành pháp luật mà chỉ khi có chế tài đủ nghiêm minh; hoặc có cơ quan thẩm quyền nhắc nhở, cưỡng chế mới thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm đóng góp quỹ BHXH, BHYT của NSDLĐTừ việc đánh giá những thành công, hạn chế trong thực tiễn thực hiện trách nhiệm đóng góp quỹ BHXH, BHYT, BHTN của NSDLĐ và tìm hiểu những nguyên nhân của thực trạng đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm đóng góp quỹ BHXH, BHYT, BHTN của NSDLĐ như sau:Tăng cường tính nghiêm khắc trong các chế tài hành chính đối với các vi phạm pháp luật trong BHXH, BHYT, BHTN nói chung, hành vi trốn đóng, chậm đóng quỹ BHXH, BHYT, BHTN của NSDLĐ nói riêng.

Một hệ thống các chế tài hành chính khá “nhẹ” không thể hiện được tính răn đe rõ ràng đã không có nghiều ý nghĩa đảm bảo thực thi trách nhiệm của NSDLĐ trong thực tiễn. Do đó, nâng cao mức phạt cũng như các biện pháp xử lý hành chính khác là điều các chủ thể có thầm quyền quy định và tổ chức thực thi nên cân nhắc tới.Trên cơ sở những quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN nói chung, trong đó có vi phạm trách nhiệm đóng quỹ BHXH, BHYT, BHTN, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành.Ngày 31/3/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2016/NĐ-CP quy định về việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN của cơ quan BHXH. Việc khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định này cũng sẽ góp phần giám sát chặt chẽ hơn việc thực hiện trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của các đơn vị sử dụng lao động.

Cùng với hoàn thiện quy định pháp luật để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về trách nhiệm của NSDLĐ trong việc đóng góp quỹ BHXH, BHYT, BHTN, các cơ quan chức năng cũng như các cá nhân, tổ chức có liên quan cần thực hiện nhiều biện pháp như tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của NSDLĐ, hiểu biết pháp luật của NLĐ; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; nâng cao vai trò của Công đoàn trong việc giám sát, phối hợp thực hiện với NSDLĐ các trách nhiệm trong BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt đối với các đơn vị sử dụng có các hành vi vi phạm kéo dài;... Nếu thực hiện được một cách đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trên, trách nhiệm của NSDLĐ trong BHXH, BHYT, BHTN, trong đó có trách nhiệm đóng góp quỹ sẽ được nâng cao, qua đó đảm bảo tốt hơn quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ, góp phần nâng cao chất lượng An sinh xã hội./.

Nguồn Tạp chí BHXH