Sự cần thiết tham gia BHYT theo hộ gia đình

28/06/2016 07:41 AM




Được chính thức triển khai từ ngày 01/01/2015. Quy định về nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình được xem là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định.


Tham gia BHYT theo hộ gia đình lần đầu tiên được luật hóa tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Quy định về nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình được xem là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định. Được chính thức triển khai từ ngày 01/01/2015, trải qua hơn một năm, việc thực hiện BHYT đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình đã có được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy những vấn đề đặt ra, cần có sự nhìn nhận thấu đáo để có giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn.

Có thể hiểu, tham gia BHYT theo hộ gia đình là việc toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu (không bao gồm người đã khai báo tạm vắng) hoặc sổ tạm trú cùng tham gia BHYT, trừ những thành viên gia đình đã thuộc đối tượng đã tham gia BHYT thuộc nhóm do người lao động, chủ sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng; các nhóm được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT.  Như vậy, nếu người dân không thuộc các nhóm đối tượng tham gia BHYT có sự hỗ trợ trực tiếp một phần hoặc toàn bộ phí tham gia BHYT từ người sử dụng lao động, tổ chức BHXH hay Nhà nước thì sẽ tham gia BHYT hộ gia đình bằng cách tự đóng góp phí BHYT. BHYT theo hộ gia đình như là tấm “lưới đỡ” sau cùng cho những người dân chưa thuộc bất kỳ nhóm đối tượng tham gia BHYT nào khác, đảm bảo mọi người dân trong xã hội đều có cơ hội được bảo vệ bởi BHYT. Vậy, tham gia BHYT theo hộ gia đình nói riêng, người dân nhận được những lợi ích gì?

Đầu tiên, vấn đề này cần được luận giải từ sự cần thiết khách quan, tầm quan trọng của BHYT. Dù mới được triển khai tại Việt Nam hơn hai thập kỷ (Điều lệ BHYT được ban hành đầu tiên vào năm 1992 theo Nghị định 299-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 15/08/1992) nhưng BHYT đã xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX tại nước Đức với sự hình thành của mô hình BHYT Otto Von Bismack và sau đó được lan rộng, phát triển trên toàn thế giới. BHYT ra đời xuất phát từ nhu cầu tất yếu của con người về một cơ chế mang tính xã hội trên diện rộng với sự đảm bảo của Nhà nước để chia sẻ tổn thất khi ốm đau, bệnh tật. Cho tới nay, BHYT được xem như một công cụ tương trợ cộng đồng văn minh, phổ biến và hữu hiệu nhất để nhân loại phòng ngừa và chống chọi với những rủi ro sức khỏe – vốn là loại rủi ro thường xuyên của con người. BHYT góp phần quan trọng đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực sức khỏe, giúp người dân mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, chống lại bệnh tật, đói nghèo, qua đó thực hiện An sinh xã hội, phát triển kinh tế quốc gia.

Người tham gia BHYT theo hộ gia đình được hưởng đầy đủ những quyền lợi của BHYT. Người tham gia được cấp thẻ BHYT để sử dụng khi khám, chữa bệnh và hưởng các quyền lợi BHYT, được trợ cấp tài chính cho những dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con với mức hưởng tùy theo từng trường hợp: khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT hoặc theo quy định về chuyển tuyến điều trị, đảm bảo thủ tục khám, chữa bệnh BHYT; tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến; khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh giáp ranh của hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; khám chữa bệnh theo yêu cầu. Quyền lợi hưởng BHYT theo hộ gia đình cơ bản đầy đủ, tương đồng với những nhóm đối tượng khác tham gia BHYT, mặc dù mức phí tham gia BHYT theo hộ gia đình khá có lợi đối với các hộ gia đình. Ở mức cao nhất, Quỹ BHYT có thể chi trả tới 80% chi phí khám, chữa bệnh BHYT và bệnh nhân có thẻ BHYT chỉ cần thực hiện đồng chi trả 20% chi phí.  Do vậy, tham gia BHYT theo hộ gia đình chính là việc mỗi cá nhân, gia đình tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và tất cả các thành viên của gia đình mình.

Trong xu hướng tăng cao của chi phí y tế hiện nay, cá nhân, hộ gia đình hơn lúc nào hết cần tham gia BHYT nói chung, BHYT theo hộ gia đình nói riêng. Do tính chất đặc biệt của dịch vụ BHYT - chất lượng của loại dịch vụ này phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng dịch vụ y tế, cùng với xu thế phát triển, dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, nhưng mức chi phí y tế cũng ngày càng tăng mạnh. Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế là một tất yếu khách quan, đồng thời là yêu cầu trong công cuộc đổi mới căn bản cơ chế tài chính y tế và tạo động lực quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Trước đây, quy định giá dịch vụ y tế tính đủ bao gồm các yếu tố chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; Điện, nước, xử lý chất thải; Duy tu, bảo dưỡng tài sản; Tiền lương, phụ cấp; Sửa chữa lớn tài sản cố định; Khấu hao tài sản; Chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.  Gần hơn, cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp đã được đưa ra, và cùng với đó một lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công đã được thiết lập, đó là: Năm 2016, mức giá tính đủ tiền lương; năm 2018, mức giá tính đủ tiền lương và chi phí quản lý; năm 2020, mức giá tính đủ tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản.  Mới nhất, quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc đã được ban hành và phát huy hiệu lực, tạo cơ sở pháp lý cụ thể để xác định chi phí dịch vụ y tế.  Việc tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh chắc chắn gây sức ép kinh tế không nhỏ cho cá nhân, các gia đình, đặc biệt với trường hợp bệnh nặng, điều trị dài ngày, điều kiện kinh tế hạn hẹp. Do đó, tham gia BHYT nói chung, BHYT theo hộ gia đình nói riêng, chính là một giải pháp hiệu quả để hạn chế gánh nặng tài chính khi rủi ro ốm đau, bệnh tật.

Cùng với việc nhận thức rõ những trợ cấp tài chính quan trọng của BHYT đối với người tham gia BHYT theo hộ gia đình, một hiểu biết đầy đủ về quy định việc đóng phí BHYT mang tính “khuyến khích” từ Nhà nước sẽ là tạo thêm động lực thúc đẩy người dân quan tâm hơn tới việc tham gia BHYT theo hộ gia đình. Hiện nay, mức đóng BHYT tối đa cho thành viên hộ gia đình bằng 4,5% mức lương cơ sở, dần lũy thoái lần lượt theo thứ tự người cùng hộ tham gia BHYT, tới mức thấp nhất chỉ bằng 40% của 4,5% mức lương cơ sở. Cụ thể, người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất (Quy định mức giảm trừ chỉ loại trừ đối với với hộ gia đình được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng).  So sánh với việc tham gia BHYT cho từng cá nhân đơn lẻ, có thể thấy rõ lợi ích kinh tế của người đóng phí BHYT khi tham gia BHYT theo hộ gia đình. Nếu gia đình càng có nhiều người cùng tham gia BHYT theo hộ gia đình, chi phí mua thẻ càng giảm và mức giảm tương đối nhiều. Hơn nữa, dự liệu cho trường hợp điều chỉnh mức đóng để cân đối quỹ, cộng thêm yếu tố đặc thù của căn cứ đóng BHYT theo hộ gia đình có dựa trên mức tiền lương cơ sở - là một yếu tố động, có thể được điều chỉnh, pháp luật còn có quy định về việc xác định mức đóng BHYT khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, mức tiền lương cơ sở. Theo đó, khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở thì người tham gia không phải đóng bổ sung phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại đã đóng BHYT.  Điều này cũng rất có lợi cho người đóng BHYT khi mà xu hướng chung của việc điều chỉnh mức đóng BHYT, mức tiền lương cơ sở thường tăng lên. Về phương thức đóng, định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, đại diện hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng vào Quỹ BHYT. Đây chính là một giải pháp hỗ trợ những hộ gia đình còn khó khăn về kinh tế, khi họ không thể hoặc khó có điều kiện đóng phí BHYT cho cả năm thì có thể lựa chọn đóng làm nhiều đợt trong năm (03 tháng hoặc 06 tháng một lần). Không thể phủ nhận các quy định về việc đóng phí tham gia BHYT theo hộ gia đình hiện nay thể hiện sự chia sẻ tài chính rất lớn của Quỹ BHYT đối với người dân.

Bên cạnh những lợi ích thiết thực mà người tham gia BHYT theo hộ gia đình có thể được nhận, tham gia BHYT theo hộ gia đình đồng thời thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân và gia đình đối với xã hội, bảo đảm tính nhân văn, tương trợ cộng đồng, nguyên tắc chia sẻ rủi ro ngay từ trong gia đình. Trước khi Luật Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT có hiệu lực, BHYT tự nguyện vẫn còn được triển khai, hiện tượng “lựa chọn ngược” diễn ra khá phổ biến, nhiều người dân khi có nhu cầu sử dụng đến dịch vụ y tế mới mua thẻ BHYT, hay các gia đình thường chỉ mua thẻ BHYT cho những thành viên có nguy cơ ốm đau, bệnh tật cao nhất. Điều này một mặt đã làm “méo mó” bản chất nhân văn vốn có trong BHYT cũng như không phù hợp với mục đích tạo nên một kênh tích lũy cho sức khỏe (khi khỏe mua BHYT để dành cho lúc ốm đau, bệnh tật, người khỏe mạnh chia sẻ với người ốm yếu hơn) của chính sách BHYT. Mặt khác, đó chính là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm gánh nặng cho Quỹ BHYT, gây khó khăn cho việc cân đối tài chính, đảm bảo thu – chi. Do vậy, quy định nghĩa vụ tham gia BHYT đối với toàn bộ thành viên hộ gia đình sẽ là một đảm bảo pháp lý để mỗi người dân, mỗi hộ gia đình xác định được động cơ đúng đắn hơn khi tham gia BHYT, thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội, mà trước hết là trách nhiệm với chính những người thân trong cùng một hộ gia đình.

Tham gia BHYT theo hộ gia đình là nghĩa vụ, nhưng điều này mang lại rất nhiều quyền lợi cho người dân theo quy định của pháp luật. Hơn thế nữa, tham gia BHYT nói chung, tham gia theo nhóm hộ gia đình nói riêng thể hiện tinh thần tương thân tương ái tốt đẹp giữa các thành viên xã hội. Nói theo cách của nhà báo Thu Hương của Báo Quân đội nhân dân, “Tham gia BHYT hộ gia đình vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội được chia sẻ với cộng đồng”.  Với nhận thức đầy đủ về tính tất yếu, tầm quan trọng của BHYT nói chung, ý nghĩa của BHYT hộ gia đình nói riêng của người dân, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống chính trị, việc đa dạng hóa, linh hoạt hóa công tác tuyên truyền, triển khai trong thực tiễn, tin rằng BHYT theo hộ gia đình sẽ sớm đạt được những thành tựu to lớn, đáp ứng mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân./.

Nguồn Tạp chí BHXH