Tiếp tục cải tiến chính sách tiền lương: Tính lương theo giờ để thúc đẩy năng suất

23/06/2016 08:15 AM


Những năm qua, tiền lương tuy có tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP và tăng năng suất lao động, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Trong bối cảnh này, chính sách tiền lương cần điều chỉnh thế nào cho phù hợp? Phóng viên Báo Bảo hiểm xã hội đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

* PV: Thưa ông, Việt Nam đã nhiều lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu (LTT) theo hướng tăng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng mức tăng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ?

- Ông Bùi Sỹ Lợi:

LTT là công cụ hữu hiệu để bảo vệ NLĐ, đặc biệt là nhóm lao động yếu thế. Cơ chế để xác định mức tăng tiền LTT dựa trên cơ chế thương lượng 3 bên (tổ chức đại diện NLĐ, người SDLĐ và Nhà nước) để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Việt Nam đã xác lập cơ chế này thông qua Hội đồng tiền lương quốc gia, theo quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, LTT không phải là công cụ duy nhất để xác lập tiền lương trên thị trường, đặc biệt là tiền lương thực tế của NLĐ vì những NLĐ có kỹ năng, tay nghề sẽ nhận được mức tiền lương thực tế cao hơn tiền LTT.

Tiền lương thực tế tại Việt Nam tăng bình quân 8%/năm nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế và tiền lương khu vực làm công ăn lương tăng bình quân 12,2%/năm nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động (khoảng 4,2%/năm). Đặc biệt, trong 2 năm qua chúng ta đã tăng LTT liên tục và mức tăng đều trên 12%, nhưng thực chất mức LTT hiện nay vẫn chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, cần thấy rằng, tăng LTT có quan hệ trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế, LTT sẽ hiệu quả nhất nếu được xác định hài hòa giữa yếu tố đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của DN.

Do vậy, cần phải có sự thương lượng giữa tổ chức đại diện NLĐ (công đoàn), tổ chức đại diện người SDLĐ và Nhà nước để xác định mức tăng hợp lý nhằm bảo đảm cho DN tồn tại phát triển, tạo điều kiện và ổn định việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của NLĐ và phải coi đây là mối quan hệ tác động qua lại để cùng tồn tại và phát triển.

* Nhưng có DN lại phản ánh năng suất lao động hiện tăng rất chậm, trong khi tỉ lệ tăng LTT thì nhanh và sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Tiền LTT có quan hệ với mức sống tối thiểu, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của DN. Xử lý hài hòa vấn đề này là không dễ đối với tất cả các quốc gia. Tiền lương thực tế của nước ta tăng bình quân 8%/năm nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế và tiền lương khu vực làm công ăn lương tăng bình quân 12,2%/năm nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động (khoảng 4,2%/năm) là một nghịch lý.

Mục tiêu của chúng ta là bảo đảm an sinh xã hội nhưng tăng trưởng kinh tế lại chậm, thiếu bền vững là do chủ yếu dựa vào vốn và lao động (yếu tố vốn là 52- 53% và yếu tố lao động là 19%-20%). Điều này cho thấy, khả năng cạnh tranh của Việt Nam thấp vì chi phí nhân công chiếm khoảng 18,3% giá thành sản phẩm, cao hơn khu vực ASEAN (16,8%).

Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, tiền lương, tiền LTT có đủ đáp ứng nhu cầu sống cơ bản của NLĐ và gia đình họ hay không sẽ quyết định việc NLĐ có đủ nuôi sống gia đình mình và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai. Nếu mức LTT và mức tiền lương thực tế thấp thì NLĐ sẽ không đủ năng lực tài chính để đầu tư cho tái sản xuất sức lao động, giáo dục thế hệ tương lai.

* Theo ông, năm 2017 cũng như những năm tiếp theo, chúng ta cần điều chỉnh mức tăng LTT theo hướng nào để đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các bên?

- Chúng ta đang trong quá trình cổ phần hoá DN, chuyển đổi mô hình từ DNNN sang các DN cổ phần hoặc tư nhân thì vấn đề tiền lương phải đảm bảo công bằng giữa các thành phần kinh tế. Luật DN đã quy định, các thành phần kinh tế bình đẳng ngang nhau nên tiền lương của NLĐ ở DNNN, DN tư nhân và các thành phần kinh tế sẽ phải điều chỉnh như nhau.

Trong quy định tiền lương lần này có quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và các khoản khác đóng góp của chủ SDLĐ và NLĐ. Hiện NLĐ và chủ SDLĐ đóng các khoản lên tới 35,5% nên khó khăn khi giá thành tăng, DN không có lợi nhuận, NLĐ giảm thu nhập. Chúng ta phải cân đối để làm sao mức đóng góp hợp lý, tạo cơ hội cho DN phát triển có lợi nhuận, NLĐ cũng có lợi, nhất là tính tới khi họ nghỉ hưu.

Hiện nay chúng ta đang thực hiện cơ chế tiền lương theo mức tiền LTT vùng hằng năm do Chính phủ công bố. Trong khi, các nước ít dùng mức tiền lương tháng để giải quyết tiền lương cho khu vực sản xuất kinh doanh mà xác định tiền LTT nhưng tối thiểu theo giờ để NLĐ được làm việc với nhiều đơn vị. Chính tiền LTT theo giờ sẽ thúc đẩy năng suất lao động lên. Do vậy, tôi nghĩ, lần này chúng ta nên điều chỉnh lương theo hướng đó.

* Xin cảm ơn ông!

Vũ Thu (Thực hiện)

Nguồn Báo BHXH