Chính sách tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo quy định pháp luật hiện hành

13/05/2016 08:14 AM


Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) định nghĩa, tiền lương là sự trả công hoặc thu nhập mà có thể biểu hiện bằng tiền và được ấn định bằng thỏa thuận giữa người sử dụng lao động - người lao động hoặc bằng pháp luật, pháp quy Quốc gia, do người sử dụng lao động phải trả cho người lao động theo hợp đồng lao động cho một công việc đã thực hiện hay sẽ phải thực hiện, hoặc những dịch vụ đã làm hoặc sẽ phải làm. Theo pháp luật Việt Nam, Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định”.
Thực trạng quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo pháp luật hiện hành áp dụng từ ngày 01/01/2016Có thể nói, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thời gian vừa qua hầu hết chưa phải là thu nhập thực tế của đại đa số bộ phận người lao động, đặc biệt là đối tượng thực hiện chế độ tiền lương theo hợp đồng lao động, hay còn gọi là lương doanh nghiệp. Bộ Luật Lao động năm 2012 và Luật BHXH năm 2014 đã có sự điều chỉnh tích cực đối với chính sách tiền lương là căn cứ đóng BHXH theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo quy định hiện hành, đối tượng áp dụng tiền lương được chia làm 02 thành phần: tiền lương áp dụng cho đối tượng khu vực Nhà nước, được thể hiện trong hệ thống thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định; tiền lương áp dụng do người sử dụng lao động quyết định trên cơ sở sự thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, cụ thể:Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy địnhTiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc, quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Riêng đối với người lao động quy định là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng BHXH làm mức lương cơ sở. Như vậy, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của đối tượng này được xác định là tiền lương và phụ cấp. Mức lương được xác định là theo mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. Mức tiền lương tháng thấp nhất để tính đóng BHXH là mức lương cơ sở và mức tiền lương tối đa để tính đóng BHXH là 20 lần mức lương cơ sở. Về phụ cấp, phụ cấp của đối tượng này bao gồm:- Phụ cấp chức vụ: Hệ số phụ cấp theo mức lương cơ sở cho trách nhiệm công việc theo chức danh lãnh đạo được bổ nhiệm hoặc chức danh bầu cử.                                                                                              - Phụ cấp thâm niên vượt khung: Khoản tiền bổ sung ngoài tiền lương nhằm bù đắp hao phí lao động áp dụng cho đối tượng xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ (cán bộ công chức, viên chức) sau 03 năm đã hưởng bậc lương cuối cùng trong ngạch thì được hưởng phụ cấp bằng 5% mức lương của bậc cuối cùng, từ năm thứ tư trở đi mỗi năm được tăng thêm 1%.- Phụ cấp thâm niên nghề: Được áp dụng đối với cán bộ, công chức trong biên chế xếp lương theo ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm. Theo đó, cán bộ công chức theo quy định có thời gian làm việc được tính hưởng đủ 05 năm thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ, lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 06 trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại nội dung này bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định. Tính ưu việt của việc đóng BHXH đối với đối tượng này là hầu hết không xảy ra tình trạng trốn đóng BHXH, có chăng chỉ là việc chậm đóng, nợ đóng trong thời gian nhất định. Thực trạng của chính sách tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của đối tượng này là hầu hết định chỉ áp dụng 01 lần lương (trừ một số ngành đặc thù được quy định cụ thể như lực lượng vũ trang, tòa án, kiểm soát). Đối với một số lĩnh vực, ngành nghề được áp dụng hệ số lương hơn một lần nhưng hầu hết chỉ được áp dụng mức đóng BHXH cho hệ số một lần lương nên khi người lao động nghỉ hưởng chế độ hưu trí mức lương hưu sẽ thấp hơn rất nhiều so với tiền lương khi đang tại chức.Đối với người lao động hưởng tiền lương do người sử dụng lao động quyết định trên cơ sở hợp đồng lao độngNgười lao động hưởng tiền lương do người sử dụng lao động quuyết định thì căn cứ để tính BHXH, BHYT, BHTN là tiền lương tháng được ghi trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Mức tiền lương tháng thấp nhất để đóng BHXH là mức lương tối thiểu vùng và mức tiền lương tối đa để tính đóng BHXH là 20 lần mức lương cơ sở. Theo quy định, tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được thực hiện theo lộ trình:- Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2017, là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.- Từ ngày 01/01/2018 trở đi, là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.Quy định về mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động bao gồm:- Mức lương: Mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán. Người lao động đã qua học nghề, kể cả lao động do doanh nghiệp dạy nghề, tiền lương đóng BHXH bắt buộc phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng, nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì cộng thêm 5%, nếu làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì cộng thêm 7%.- Phụ cấp lương: Các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, gồm các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ; các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động, cụ thể:+ Bù đắp yếu tố điều kiện lao động, bao gồm công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.+ Bù đắp yếu tố tính chất phức tạp công việc như công việc đòi hỏi thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm cao, có ảnh hưởng đến các công việc khác, yêu cầu về thâm niên và kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, giao tiếp, sự phối hợp trong quá trình làm việc của người lao động.+ Bù đắp các yếu tố điều kiện sinh hoạt, như công việc thực hiện ở vùng xa xôi, hẻo lánh, có nhiều khó khăn và khí hậu khắc nghiệt, vùng có giá cả sinh hoạt đắt đỏ, khó khăn về nhà ở, công việc người lao động phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc, nơi ở và các yếu tố khác làm cho điều kiện sinh hoạt của người lao động không thuận lợi khi thực hiện công việc.+ Bù đắp các yếu tố để thu hút lao động, như khuyến khích người lao động đến làm việc ở vùng kinh tế mới, thị trường mới mở; nghề, công việc kém hấp dẫn, cung ứng của thị trường lao động còn hạn chế; khuyến khích người lao động làm việc có năng suất lao động, chất lượng công việc cao hơn hoặc đáp ứng tiến độ công việc được giao.- Các khoản bổ sung khác: Các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận. Các khoản bổ sung khác được hiểu là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, gồm:+ Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.+ Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.Các khoản bổ sung khác không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; tiền thưởng sáng kiến; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác được ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.So với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước, việc quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với đối tượng hưởng mức lương do người sử dụng lao động quyết định trên cơ sở thỏa thuận theo hợp đồng lao động được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật BHXH năm 2014 đã có sự tiến bộ vượt bậc nhằm hạn chế độ đa sự chênh lệnh giữa thu nhập thực tế và mức lương để đóng hưởng BHXH cho người lao động, đảm bảo tốt hơn quyền lợi người lao động khi hưởng các chế độ BHXH. Trước đây, đa phần chủ sử dụng lao động lựa chọn mức lương cơ bản để đóng BHXH cho người lao động nên xảy ra tình trạng khi về hưu người lao động cũng hưởng mức lương thấp hơn rất nhiều so với thu nhập lúc còn lao động, điều này cũng đồng nghĩa với việc mức sống của người lao động phụ thuộc vào tiền lương giảm sút rất nhiều khi nghỉ chế độ. Việc quy định lộ trình thời gian thực hiện để xác định những khoản ngoài mức lương (khoản bổ sung khác) làm căn cứ đóng BHXH cũng nhằm đảm bảo cho việc làm quen, thích nghi đối với người sử dụng lao động khi thực hiện tham gia BHXH cho lao động của họ theo chính sách này.Những vấn đề đặt ra khi thực hiện chính sách tiền lương đóng BHXH đối với người lao động theo hợp đồng lao độngCăn cứ các quy định nêu trên, tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác làm căn cứ đóng BHXH được ghi trong hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu như mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Như đã đề cập, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do chủ sử dụng lao động quyết định từ ngày 01/01/2016 là lương + phụ cấp; từ ngày 01/01/2018 là lương + phụ cấp + các khoản bổ sung khác. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định các khoản bổ sung khác không bao gồm các chế độ, phúc lợi và được ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động. Đây cũng chính là nội dung cơ bản để người sử dụng lao động lách luật với mong muốn giảm bớt phần phải đóng BHXH so với thu nhập thực tế phải trả cho người lao động. Người sử dụng lao động hoàn toàn có thể thỏa thuận với người lao động nội dung ghi trên hợp đồng lao động việc dịch chuyển mức tiền từ lương + phụ cấp + các khoản bổ sung lương sang bên các chế độ và phúc lợi khác được pháp luật xác định là không phải các khoản bổ sung phải đóng BHXH như: Tiền thưởng; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác được ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.Ngoài ra, một thực tế đang và có thể tiếp tục xảy ra là tình trạng người lao động và người sử dụng lao động thực hiện hai loại hợp đồng, một hợp đồng để làm căn cứ đóng BHXH chi ghi mức lương cơ bản và một hợp đồng khác (có thể bằng văn bản hoặc thỏa thuận miệng) xác lập mức lương chính thức trả cho người lao động để giảm bớt tỷ lệ tiền lương tham gia BHXH.Vấn đề đặt ra là mặc dù ý thức được quyền lợi hưởng BHXH của bản thân bị thiệt thòi nhưng vì nhu cầu việc làm, thu nhập đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, miếng cơm manh áo trước mắt mà đa phần người lao động sẽ chấp nhận thỏa thuận này. Có chăng mong muốn các nội dung được ghi trong hợp đồng lao động làm căn cứ xác định tiền lương đóng BHXH được thực hiện nghiên túc, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc thuộc đối tượng tiền lương do người sử dụng lao động quyết định theo thỏa thuận hợp đồng lao động phụ thuộc rất nhiều và ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần tự tôn pháp luật của các chủ thể tham gia hợp đồng lao động mà đặc biệt là chủ thể người sử dụng lao động./.
Nguồn  Tạp chí BHXH