BHXH tự nguyện: Mở thêm cơ hội bảo đảm An sinh xã hội cho người nghèo
21/04/2016 08:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong các chính sách An sinh xã hội đối với người nghèo thì tham gia BHXH tự nguyện có thể được coi là chính sách an sinh chủ động, bảo đảm An sinh cho người lao động khi hết tuổi lao động, không còn khả năng lao động được Quỹ BHXH chi trả lương hưu, đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống. BHXH tự nguyện thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta nhằm góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi về già, quỹ bảo hiểm được Nhà nước bảo trợ, đồng thời chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về tự an sinh cho chính bản thân mình, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội.
Giảm nghèo đạt nhiều thành tựu nhưng chưa thực sự bền vững
Đảng và Nhà nước luôn coi công tác xoá đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quốc gia trong mọi thời kỳ. Công cuộc giảm nghèo ở Việt Nam được thực hiện bằng sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, tăng cường đầu tư của Nhà nước nhằm hỗ trợ toàn diện về sản xuất và đời sống của người nghèo, nhất là với người nghèo ở những vùng nghèo nhất, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã ban hành hơn 70 văn bản quy phạm pháp luật về chính sách giảm nghèo, trong đó có 02 Nghị quyết lớn của Chính phủ là Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo sự liên kết trong các chính sách nhằm tăng cường năng lực cho người nghèo, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/06/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đã nhấn mạnh việc đưa ra các giải pháp quyết liệt nhằm tạo việc làm và giảm nghèo; tiếp tục ưu tiêu giảm nghèo đối với các huyện nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững.
Nhiều chính sách hỗ trợ gián tiếp và trực tiếp đã có tác động tích cực đối với hộ nghèo và cận nghèo, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và nguồn vốn nhân lực của hộ nghèo, như: Chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo(1),# bổ sung cho vay đối với hộ mới thoát nghèo#(2); tiếp tục hạ lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo xuống còn 0,55%/tháng; thí điểm cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở các địa phương có điều kiện; công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đặc biệt là việc hỗ trợ mua BHYT và tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ngày càng được quan tâm. Đến nay đã có hơn 55 triệu lượt người nghèo, dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT miễn phí; trên 15% người thuộc hộ cận nghèo tham gia mua thẻ BHYT được ngân sách hỗ trợ bằng 70% mệnh giá. Các chính sách hỗ trợ người nghèo về giáo dục, đào tạo và dạy nghề đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng tỷ lệ trẻ em nghèo đi học đúng tuổi, tăng tỷ lệ người nghèo được đào tạo nghề. Bình quân hàng năm, ngân sách Trung ương bố trí khoảng gần 8.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, trợ cấp học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh bán trú và trường dân tộc bán trú. Đã có hơn 08 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp tiền ăn(3)#. Các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, trợ cấp tiền điện, trợ giúp pháp lý, góp phần ổn định cuộc sống, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nghèo...
Kết quả là, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong giảm nghèo và bảo đảm An sinh xã hội. Xóa hoàn toàn tình trạng đói từ năm 2000 và chuyển trọng tâm sang thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 4,5% vào cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8 - 2%/năm; riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm, xuống còn dưới 28% năm 2015. Đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, An sinh xã hội được bảo đảm; hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn được tăng cường. Về đích trước thời hạn mục tiêu Thiên niên kỷ “giảm một nửa số người nghèo đói cùng cực trên toàn thế giới vào năm 2015” và được cộng đồng Quốc tế ghi nhận như là một tấm gương sáng trong cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới.
Song bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo ở nước ta hiện nay cũng đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Hộ nghèo hiện nay tập trung chủ yếu là khu vực miền núi phía Bắc, các huyện cao của Duyên hải miền trung và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh, từ trên 50% năm 2011 xuống còn khoảng 28% cuối năm 2015 ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi hiện tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có huyện còn trên 60-70%; hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo cả nước; thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Các lưới an sinh cho người nghèo còn bị động, chưa thực sự vững chắc.
BHXH tự nguyện – góp phần giảm nghèo bền vững
Trong các chính sách An sinh xã hội đối với người nghèo, tham gia BHXH tự nguyện có thể được coi là chính sách an sinh chủ động, đảm bảo an sinh cho người lao động khi hết tuổi lao động, không còn khả năng lao động được Quỹ BHXH chi trả lương hưu, đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống. BHXH tự nguyện thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta nhằm góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi về già, quỹ bảo hiểm được Nhà nước bảo trợ, đồng thời chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về tự an sinh cho chính bản thân mình, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội.
Hiện thực những quan điểm đó, Điều 87 của Luật BHXH (năm 2014) quy định: Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện đã khẳng định: Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện: Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này, cụ thể: a) Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; b) Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp(4).
Với mức hỗ trợ 25-30% mức đóng BHXH theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn hy vọng sẽ tạo cho người nghèo, cận nghèo có cơ hội tham gia BHXH và dự kiến vào năm 2018 (năm bắt đầu thực hiện hỗ trợ) thu hút khoảng hơn 11.000 người nghèo, cận nghèo tham gia và đến năm 2025 có khoảng hơn 80.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Đây sẽ là cơ hội cho người nghèo tự bảo đảm An sinh xã hội, tăng thêm cơ hội thoát nghèo.
Một số giải pháp để phát triển BHXH tự nguyện đối với người nghèo, cận nghèo
Để chính sách BHXH sẽ thực sự đến được với người nghèo, cận nghèo thì trước mắt chúng ta cần tập trung một số giải pháp sau:
(1) Tăng cường tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp của các cấp, ngành, đoàn thể, đặc biệt là vai trò các hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ.. Đặc biệt, đối với khu vực nông thôn, những địa bàn khó khăn, vùng núi, vùng xa càng phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết được chính sách BHXH tự nguyện, qua đó thấy được tính ưu việt của BHXH tự nguyện, chủ động tham gia, nâng cao ý thức tự an sinh khi còn khả năng lao động để đảm bảo cuộc sống khi về già, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng người nghèo, cận nghèo. Các cấp chính quyền, cần tuyên truyền sâu rộng đến tận cơ sở để chính sách đến được với người dân.
(2) Tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo chủ động thông qua việc hỗ trợ tín dụng, vay vốn, dạy nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, gắn giảm nghèo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo cải thiện thu nhập cho người nghèo, cận nghèo; trong đó có các chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không sang tăng dần cho vay, hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả nhằm nâng cao tính tự chủ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, có cơ chế khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; mô hình liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ giữa hộ nghèo, vùng nghèo với nhà khoa học và doanh nghiệp.
(3) Tiếp tục đơn giản các thủ tục hành chính trong ngành BHXH. Cần đảm bảo việc giao dịch “một cửa”, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giao dịch hành chính, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện của người lao động nói chung và người nghèo, cận nghèo nói riêng.
(4) Các ngành có liên quan gồm: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, BHXH… cần nghiên cứu đề án hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, trong đó cần tập trung vào các nội dung về tuyên truyền, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, có lộ trình cụ thể để phát triển chính sách BHXH tự nguyện đến hộ nghèo, người nghèo.
(5) Tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu nhu cầu tham gia, đánh giá khả năng tham gia của người dân nói chung và người nghèo nói riêng để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách có liên quan ngày một phù hợp hơn và hấp dẫn người nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện./.
Chú thích:
1. Bao gồm các chương trình tín dụng ưu đãi sau cho hộ nghèo:
- Chương trình cho vay hỗ trợ làm nhà theo Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung;
- Chương trình cho vay theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo;
- Chương trình cho vay theo Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phất triển sản xuất quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;
- Chương trình cho vay theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung của Thủ tướng Chính phủ;
- Chương trình cho vay theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
2. Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo.
3. Theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 74/2013/NĐ-CP).
4. Trích Điều 13 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật BHXH về BHXH tự nguyện.
Nguồn Tạp chí BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Nguyên Đán Ất Tỵ
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước