Người lao động tự đánh mất quyền lợi vì hồ sơ bất nhất

20/04/2016 01:58 AM


Vì rất nhiều lý do, một số công nhân lao động tại các doanh nghiệp ở Hà Nội đã dùng tên, bằng cấp của người khác để hoàn thiện hồ sơ xin việc. Làm việc trong vỏ bọc của bộ hồ sơ giả có thể không ảnh hưởng đến thu nhập hằng tháng, nhưng khi người lao động (NLĐ) nghỉ việc, chuyển công tác hoặc ốm đau, thai sản thì họ có nguy cơ bị mất trắng toàn bộ quyền lợi…

 

Đủ lý do để biện hộ

17 tuổi, Nguyễn Thị Tuyến theo anh, chị rời quê Đoan Hùng (Phú Thọ) lên Hà Nội kiếm việc làm. Mới tốt nghiệp hết cấp 2, chưa đáp ứng đủ yêu cầu về độ tuổi (từ đủ 18 tuổi trở lên) lẫn trình độ (tốt nghiệp PTTH) của các doanh nghiệp tuyển dụng, nên Tuyến có nguy cơ phải quay lại quê nhà.

Trong lúc bí bách, Tuyến được một công nhân ở cùng phòng trọ “mách nước” mượn tên và bằng tốt nghiệp cấp 3 của chị gái để làm hồ sơ xin việc. Thực hiện theo hướng dẫn của “quân sư”, Tuyến nhanh chóng được nhận vào làm việc tại một doanh nghiệp lắp ráp phụ tùng ôtô, xe máy tại KCN Quang Minh.

Sẽ không có phiền toái gì phát sinh, nếu Tuyến không may bị tai nạn dẫn đến gẫy chân trên đường về thăm gia đình. Do tên bệnh nhân nhập viện và tên trên thẻ BHYT không khớp nhau, nên Tuyến không được BHYT cùng chi trả viện phí. Cô phải tự bỏ tiền túi thanh toán hết hơn 10 triệu đồng chi phí điều trị, trong khi lẽ ra, Tuyến chỉ mất khoảng 2 triệu đồng, còn BHYT thanh toán hơn 8 triệu đồng.

nguoi lao dong tu danh mat quyen loi
Ảnh minh họa.

Khác với Tuyến, Hoàng Hồng Lệ (quê ở Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đáp ứng đủ yêu cầu tuyển dụng của một doanh nghiệp may tại KCN Sài Đồng (quận Long Biên - HN). Tuy nhiên, Lệ vẫn “làm đẹp” thêm cho bộ hồ sơ tư pháp của mình bằng cách mượn tạm Bằng tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế của người chị với một lý do rất… đặc biệt và riêng tư. Tấm bằng cao đẳng là cách để giúp Lệ trở thành một nữ công nhân không chỉ có tay nghề cao mà còn có trình độ và kiến thức.

Phó Chủ tịch CĐ các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng:

CĐ các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội chưa nhận được phản ánh nào về trường hợp công nhân mượn tên, mượn bằng cấp. Tuy nhiên, nếu thực tế có những trường hợp như vậy, công đoàn hoàn toàn không ủng hộ, vì như vậy là hành vi gian lận đáng lên án. CNLĐ mượn tên hay bằng cấp của người khác là vừa vi phạm pháp luật, vừa thiệt thòi vì mất trắng quyền lợi. Chúng tôi cũng sẽ chú ý đến việc tuyên truyền cho CNLĐ hiểu về vấn đề này…

Do nhu cầu tuyển dụng gấp, nên đa phần doanh nghiệp thường qua loa, đại khái trong khâu kiểm tra hồ sơ tư pháp. Trong khi ở thực tế, thường sơ yếu lý lịch của phần lớn NLĐ chỉ cần dấu đỏ xác nhận của địa phương là xong, không cần ảnh của NLĐ được đóng giáp lai để đối chiếu với người thực khi phỏng vấn, nên các doanh nghiệp gần như không phát hiện được tình trạng NLĐ mượn tên, mượn bằng cấp của người khác ngay trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng để loại hồ sơ. Sự việc chỉ bị vỡ lở khi NLĐ chuyển công tác, bị buộc thôi việc hoặc không may bị ốm đau, bệnh tật… Hồ sơ của họ được chuyển đến cơ quan BHXH để làm thủ tục chi trả quyền lợi, nhưng do tên trên giấy chứng minh nhân dân không khớp với tên trong hồ sơ tư pháp nên bị trả lại cho công ty. Trong trường hợp này, NLĐ chỉ có 2 lựa chọn: Hoặc mất trắng quyền lợi liên quan đến BHXH, hoặc là thừa nhận sai sót của mình để cơ quan quản lý nhà nước về lao động tiến hành thanh tra giải quyết.

Vừa mất thời gian vừa chịu thiệt thòi

Bà Nguyễn Thị Mai Hương – Trưởng phòng Chế độ BHXH, cơ quan BHXH Hà Nội - cho biết, thời gian qua BHXH Hà Nội tiếp nhận và giải quyết nhiều trường hợp NLĐ mượn hồ sơ tư pháp của người khác, đa phần là lao động trong các doanh nghiệp may hoặc lao động phổ thông. Trong cuộc tiếp xúc với công nhân lao động tại các KCN trên địa bàn TP, một số doanh nghiệp yêu cầu đơn vị này đẩy nhanh tiến độ giải quyết các hồ sơ một đằng, tên NLĐ một nẻo theo hướng hoàn trả hoặc thanh toán tiền BHXH cho những người đã trích lương hằng tháng của mình để tham gia BHXH. Tuy nhiên, theo quy trình giải quyết theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam, để làm được điều này, cơ quan BHXH phải dựa trên những ý kiến, kiến nghị cụ thể của Thanh tra lao động sau khi đơn vị này đã vào cuộc kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp xem có đúng là người thật việc thật hay không, quá trình đóng BHXH cho NLĐ, điều kiện làm việc có phù hợp với trình độ, độ tuổi NLĐ không.

Luật gia Đặng Quang Thắng (Hội Luật gia Việt Nam): Khoản 2 Điều 19 Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trước khi giao kết hợp đồng lao động: “NLĐ phải cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động về họ tên, tuổi, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, tình trạng sức khoẻ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu”. Như vậy, xét về mặt quan hệ lao động thì NLĐ đã vi phạm nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin, cụ thể là gian dối, không trung thực, do họ làm việc dưới “vỏ bọc”, hồ sơ tên người khác. Mặc dù mọi chế độ lương hằng tháng họ vẫn được đảm bảo, nhưng khi có bất kỳ một biến cố gì xảy ra, thì họ sẽ không được hưởng các chế độ ốm đau, trợ cấp thất nghiệp, thai sản.. là đương nhiên, vì đây là do lỗi của NLĐ.

Với quy trình kiểm tra nghiêm ngặt và chặt chẽ, trong quá trình giải quyết, cơ quan có chức năng còn phát hiện nhiều vấn đề rất phức tạp nảy sinh mà bản thân NLĐ khi đi mượn tên hoặc người cho mượn tên không thể lường trước được. Bên cạnh những chủ sử dụng lao động có thiện chí, sẵn sàng hỗ trợ NLĐ hoàn thành các thủ tục để hưởng các chế độ, quyền lợi liên quan, thì cũng có một số chủ sử dụng lợi dụng những bất lợi này của NLĐ để “phủi” trách nhiệm, không chi trả trợ cấp, nhất là trợ cấp thôi việc khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chuyển công tác. Đã có những tranh chấp xảy ra, NLĐ có đơn kiến nghị gửi các cấp công đoàn, có trường hợp phải đưa nhau ra tòa.

Một rắc rối khác phát sinh là, do không lường trước được hậu quả, không ít NLĐ mượn bừa tên của đồng nghiệp trong khu nhà trọ, khi người cho mượn tên chuyển đi nơi khác, không có địa chỉ hoặc điện thoại để liên lạc, NLĐ không xác minh được nhân thân người cho mượn tên thì Thanh tra lao động cũng “bó tay” vì đủ yêu cầu hồ sơ để được tiếp tục giải quyết. Tương tự như vậy, nếu người cho mượn tên làm việc cùng TP với người mượn tên sẽ có 2 quyển sổ BHXH cùng tên, tuổi, số giấy chứng minh nhân dân. Khi cả 2 cùng làm việc bình thường thì không sao, nếu một trong 2, nhất là người cho mượn tên chuyển công tác hoặc thôi việc, thì sẽ không được cơ quan BHXH chốt sổ. Để được giải quyết, người cho mượn tên phải tìm được người đã mượn hồ sơ của mình và cùng làm cam kết có xác nhận của địa phương.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Chị Trần Lệ Nhung (ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh - HN) đã từng khóc dở, mếu dở khi cho bạn cùng phòng trọ mượn tên của mình xây dựng gia đình rồi theo chồng về Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Lần mò tìm mãi đến có được địa chỉ, Nhung còn mất công, bỏ việc về tận quê của người bạn mới xong thủ tục. “Mất gần một tháng, vừa mất thời gian vừa mệt mỏi, đúng là ôm họa vào thân, chẳng cái dại nào như cái dại nào” – Nhung cho biết.

Nguồn Lao động thủ đô