KHI NHẬN NGƯỜI VÀO LÀM VIỆC: PHẢI KÝ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG HAY KHÔNG?

07/03/2016 09:54 AM


Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật Lao động (BLLĐ) thì trước khi nhận người lao động (NLĐ) vào làm việc, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ phải ký hợp đồng lao động (HĐLĐ). Công ty (Cty) không ký HĐLĐ với NLĐ là vi phạm pháp luật lao động (PLLĐ).

 

KHI NHẬN NGƯỜI VÀO LÀM VIỆC: Phải ký hợp đồng lao động hay không?Trước khi nhận NLĐ vào làm việc, NSDLĐ và NLĐ phải ký HĐLĐ.

Bạn Vũ Thị Kiều Oanh (Hà Nội) có Email: misskieuoanh66@gmail.com trình bày, hiện bạn đang làm việc tại một Cty TNHH có quy mô từ 300 - 400 nhân viên (NV), muốn được giải đáp thắc mắc các nội dung: Bạn và NV của Cty đang làm việc không có HĐLĐ; Cty giữ bằng gốc của NLĐ; Cty sẽ phạt NLĐ nghỉ không lý do: 1.000.000đ/ngày, biên bản phạt chỉ có chữ ký của trưởng ban kiểm soát và người làm chế độ chính sách, Cty sẽ trừ vào lương khoản phạt này và không thông báo cho NLĐ; Cty không đóng bảo hiểm với những NLĐ làm việc trên 2 tháng; 3 năm Cty không quyết toán thuế TNDN (2012-2015).

Bạn hỏi, bạn và NLĐ tại Cty có thể kiện việc này ra Sở LĐTBXH TP.Hà Nội để đòi quyền lợi được hay không? Thủ tục như thế nào? Cần những hồ sơ giấy tờ gì? Nếu bạn đến thẳng Sở LĐTBXH TP.Hà Nội mà không qua Phòng LĐTBXH quận có bị coi là vượt cấp?

LS Lại Xuân Cường - Văn phòng luật sư Quốc Thái, Đoàn luật sư TP.Hà Nội trả lời: Theo quy định tại Điều 18 BLLĐ thì trước khi nhận NLĐ vào làm việc, NSDLĐ và NLĐ phải ký HĐLĐ. Việc Cty bạn không ký HĐLĐ với NLĐ là vi phạm PLLĐ; Điều 20 BLLĐ quy định những hành vi NSDLĐ không được làm khi giao kết, thực hiện HĐLĐ: “Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ”. Cty bạn giữ bằng gốc của NLĐ là vi phạm pháp luật về lao động; Việc Cty phạt nhân viên 1000.000 đồng/ngày mà không có tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động là chưa đúng nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, Điều 123 BLLĐ; căn cứ quy định Điều 186 BLLĐ và Điều 21 Luật BHXH năm 2016 thì NSDLĐ phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm cho NLĐ khi ký HĐLĐ; theo quy định pháp luật thì hằng tháng/hằng quý Cty phải kê khai thuế và hằng năm phải báo cáo tài chính.

Để đảm bảo quyền lợi, bạn và các NV khác có thể thông qua đại diện công đoàn Cty kiến nghị đến ban giám đốc Cty giải quyết các chế độ cho các bạn. Nếu không được các bạn có thể đề nghị hòa giải viên lao động cấp quận huyện hoặc TAND có thẩm quyền giải quyết.

Bạn đọc có Email: thuyhanh18687@gmail.com và số điện thoại 09331868xx gọi đến đường dây nóng của Văn phòng TVPL Báo Lao Động trình bày: Bạn hiện công tác tại chi nhánh Cty TNHH tư vấn và xây dựng Đại học GTVT. Hiện tại toàn thể NV Cty làm việc theo hình thức hợp đồng, lương hưởng theo lương cố định. Các chế độ BHXH, phép năm... từ năm 2015 trở về trước thì áp dụng bình thường (nghỉ phép vẫn được hưởng nguyên lương). Nhưng đầu năm 2016 chế độ nghỉ phép có sự thay đổi về cách tính lương, theo phòng kế toán thì: Năm 2016 nghỉ phép năm chỉ hưởng theo lương cơ bản của lương đóng BHXH, vì vậy NV chúng tôi cũng bị trừ lương khi nghỉ phép năm. Bạn hỏi, Cty bạn thực hiện như vậy có đúng quy định của pháp luật?

LS Tăng Quốc Thừa, Đoàn luật sư TPHCM trả lời: Khoản 2, Điều 26, Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định: Tiền lương làm căn cứ để trả cho NLĐ trong ngày nghỉ hằng năm tại Điều 111; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Điều 112; ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương tại khoản 1, Điều 116 của BLLĐ là tiền lương ghi trong HĐLĐ của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của NSDLĐ, nhân với số ngày NLĐ nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương. Điều 21 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định: Tiền lương theo khoản 1 và khoản 2 Điều 90 của BLLĐ được quy định: Tiền lương ghi trong HĐLĐ do NLĐ thỏa thuận với NSDLĐ để thực hiện công việc nhất định, bao gồm:

a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do NSDLĐ xây dựng theo quy định tại Điều 93 của BLLĐ. Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

b) Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh;

c) Các khoản bổ sung khác là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong HĐLĐ, trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của NSDLĐ không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong HĐLĐ.

Như vậy, nếu tiền lương đóng BHXH của NLĐ ở Cty bạn có đủ các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung khác... thì việc tính lương nghỉ phép của Cty bạn là đúng. Trường hợp, tiền lương đóng BHXH mà không có đủ các khoản phụ cấp như trên thì Cty bạn tính chưa đúng.

Nguồn: Theo Báo Lao động