Tăng giá dịch vụ y tế: “Cú hích” đẩy nhanh BHYT toàn dân
07/03/2016 01:32 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bắt đầu từ ngày 1/3/2016, giá của 1.887 dịch vụ KCB BHYT đã được điều chỉnh tăng bình quân khoảng 30%. Dự kiến, từ tháng 7 tới, khi tính tiền lương vào chi phí, giá dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay. Việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng thế nào đến người dân? Phóng viên Báo BHXH đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lương Sơn- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) xung quanh vấn đề này.
* PV: Điều khiến người dân băn khoăn nhất trước mỗi đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT) là khoản phí người dân phải cùng chi trả sẽ tăng theo. Ông có thể cho biết, việc tăng giá DVYT lần này sẽ tác động như thế nào tới “tiền túi” của người dân?
- Ông Phạm Lương Sơn:
Chúng ta phải hết sức thẳng thắn rằng, việc điều chỉnh giá DVYT sẽ dẫn tới phần cùng chi trả của người sử dụng thẻ BHYT tăng lên, vì giá tăng nhưng tỷ lệ đồng chi trả không đổi. Nhưng điều đó không có nghĩa là khoản chi từ “tiền túi” của người dân tăng lên, mà ngược lại. Vì sao? Phân tích một cách cụ thể, trước đây cơ cấu chi phí không đủ, thuốc, VTYT chưa đủ, tiền công, tiền trực, tiền phụ cấp thủ thuật chưa có… Có một sự thật mà người ta ít đề cập đến là để cung cấp một DVYT cần phải 10 đồng thì dứt khoát đại đa số phải có 10 đồng thì các cơ sở y tế mới có thể cung cấp được, nếu không thì không lấy đâu ra nguồn kinh phí bù đắp. Vậy nên có một thực tế là cái gì nguồn chi từ quỹ BHYT chưa đủ thì người ta sẽ thu của người bệnh. Và họ cũng rõ ràng, sòng phẳng với người bệnh là cần phải đi mua mấy cái kim, bao nhiêu bông, thuốc nọ, thuốc kia và người bệnh sẵn sàng mua vì mục tiêu của người ta khi đó là chữa khỏi bệnh…
Bây giờ thì hầu hết những chi phí trực tiếp đó đã được đưa vào giá của dịch vụ rồi thì người bệnh về nguyên tắc là không phải trả khoản đó nữa. Đó là con số rất lớn. Theo thống kê, trước đây khoản chi từ tiền túi người dân lên tới 70%, tới năm 2013 là hơn 49%, và hiện nay chúng ta đang phấn đấu còn khoảng 45%. Nếu giảm được theo kỳ vọng từ đợt điều chỉnh giá này, tỷ lệ này đạt được mục tiêu 45%, đó là một con số rất ý nghĩa, lợi hơn rất nhiều cho người bệnh. Nhưng cũng phải nói rõ rằng, muốn đạt được lợi ích đó, phải cần có sự phối hợp của cả 3 bên, một mình cơ quan BHXH không làm được hết. Trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người bệnh là cơ quan BHXH, nhưng bên cạnh đó, người sử dụng thẻ BHYT cũng phải cùng với cơ quan BHXH bảo vệ quyền lợi của mình. Các BV phải thực hiện nghiêm túc quy định không thu thêm, nhưng điều đó cần phải có sự cùng kiểm soát của chính người bệnh.
* Vậy theo ông, việc thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc sẽ mang lại những thuận lợi như thế nào?
- Thực hiện Thông tư 37, chắc chắn những phiền toái từ TTHC cho người sử dụng thẻ BHYT sẽ giảm rất nhiều. Cùng với việc thông tuyến, giá dịch vụ được thực hiện đồng hạng trên toàn quốc, người bệnh sẽ không còn phải lo lắng mức giá cao hơn ở các cơ sở y tế tuyến trên khi một dịch vụ dù thực hiện ở BV huyện hay tỉnh, trung ương cũng như nhau.
Người dân chỉ tham gia BHYT một cách ổn định, bền vững khi thấy BHYT thực sự cần thiết cho mình
Cái lợi thứ hai là, đây cũng là một tác động gián tiếp để nâng cao chất lượng dịch vụ. Giá dịch vụ đồng hạng rồi thì nơi có uy tín, làm tốt sẽ thu hút được nhiều bệnh nhân. Còn nếu đã được trả giá đó rồi mà vẫn không tạo được tín nhiệm cho người bệnh thì không có bệnh nhân, đồng nghĩa với không có nguồn thu. Chất lượng DVYT có thể chưa tăng ngay sau ngày 1/3, nhưng xu thế muốn giữ bệnh nhân, muốn có bệnh nhân, nâng tầm thương hiệu của BV thì buộc phải tăng chất lượng chứ không phải chỉ hô hào khẩu hiệu.
Thứ ba, việc điều chỉnh giá sẽ là một cú hích, một động lực để người ta thấy được quỹ BHYT là rất thiết thực, tránh những rủi ro về mặt tài chính; khuyến khích được người dân tự giác, đồng thuận tham gia BHYT. Có vậy mới đảm bảo tính cộng đồng của Quỹ, khi càng nhiều người tham gia sẽ đảm bảo nguồn lực, chi trả tốt hơn, từ đó có điều kiện để mở rộng quyền lợi hơn… Nguồn NSNN từ trước đến nay vẫn cấp cho BV sẽ chuyển sang hỗ trợ cho người bệnh, hỗ trợ cho tham gia BHYT; hỗ trợ để chia sẻ thêm những gánh nặng như quỹ hỗ trợ cho người nghèo trong trường hợp chi phí y tế cao không nằm trong phạm vi thanh toán…
Một vấn đề khác nữa, trước đây người bệnh thường lên tuyến trên bởi vì tuyến trên được trả cao hơn, thu hút nhân lực chất lượng cao, trang thiết bị tốt hơn nên có thực tế là cũng kỹ thuật đó tuyến trên làm tốt hơn tuyến dưới. Nhưng với cơ cấu giá công bằng, khi tuyến dưới cũng có điều kiện để đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật để thực hiện, đồng thời quy định mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cũng hạn chế mức chi từ quỹ BHYT cho các trường hợp tự vượt tuyến, trái tuyến, thì tâm lý người dân cũng yên tâm KCB đúng tuyến, đây sẽ là cơ sở để không tạo nên quá tải ảo ở tuyến trên.
* Việc tăng giá DVYT trước mắt mới chỉ áp dụng cho bệnh nhân BHYT. Theo ông, điều này có ảnh hưởng đến mục tiêu BHYT toàn dân?
- Đối với bệnh nhân chưa có BHYT đang áp dụng giá cũ, về mặt lý thuyết thì giá cũ thấp hơn giá của Thông tư 37, nhưng vẫn nguyên những hệ lụy từ trước đó là tiền túi bỏ ra và bệnh nhân phải tiệm cận tới giá đầy đủ. Mặc dù chúng ta vẫn có cơ chế kiểm soát giá, nhưng muốn hay không muốn thì vẫn đến lộ trình phải áp dụng giá đầy đủ cho thống nhất để đảm bảo sự công bằng.
Theo lộ trình, đến năm 2018 tính đầy đủ cơ cấu chi phí giá thì mới đúng nghĩa là tính đúng, tính đủ giá DVYT. Giá DVYT sẽ không còn 2 mức giá như hiện nay. Lúc đó, người bệnh không có thẻ BHYT sẽ phải chi trả ở mức rất cao. Đây là vấn đề mà người dân cần hiểu, quan tâm và rất nên tham gia BHYT. Mặc dù BHYT là bắt buộc nhưng người dân chỉ tham gia BHYT một cách ổn định, bền vững khi thấy BHYT thực sự cần thiết cho mình.
* Một băn khoăn khác trong đợt tăng giá DVYT lần này là khả năng cân đối quỹ BHYT. Nhiều người lo ngại về việc tới đây sẽ lại phải tính đến phương án tăng phí BHYT, thưa ông?
- Theo dự báo ban đầu của BHXH Việt Nam, nếu thực hiện điều chỉnh giá từ 1/1/2016, sẽ làm gia tăng chi phí từ quỹ BHYT khoảng 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với lộ trình như thế này, cộng với việc phân đoạn chỉ những cơ sở y tế đã tự hạch toán rồi mới được thực hiện giá DVYT mới bao gồm cả cơ cấu tiền lương, những cơ sở y tế chưa tự chủ tài chính thì chỉ áp dụng giá có phụ cấp trực, phụ cấp thủ thuật thì dự kiến nguồn lực bổ sung thêm ngoài quỹ BHYT đã thu trong năm là khoảng trên 12.000 tỷ đồng. Nguồn lực này đã được BHXH Việt Nam chuẩn bị sẵn từ quỹ dự phòng do có nguồn kết dư trong mấy năm qua. Theo tính toán, ít nhất quỹ BHYT có thể duy trì cân đối hết năm 2017 với mức tăng khoảng 16.000- 18.000 tỷ đồng.
Để thực hiện Thông tư 37, BHXH Việt Nam đã sẵn sàng từ cách đây nửa năm. Ngay trong hội nghị tập huấn nghiệp vụ 2015 cũng đã lồng ghép phổ biến những nội dung dự thảo của Thông tư 37; đồng thời, đặt ra các vấn đề cần chuẩn bị như: Yêu cầu, phương pháp làm việc để chủ động phối hợp với các cơ sở KCB khi triển khai. Cùng với hướng dẫn của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, hướng dẫn BHXH các địa phương chủ động tháo gỡ các khó khăn phát sinh.
* Xin cảm ơn ông!.
Nguồn baobaohiemxahoi.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Nguyên Đán Ất Tỵ
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước