Tăng giá DVYT từ ngày 1/3/2016: Không thu hút được người bệnh, BV sẽ phải tự đóng cửa

01/03/2016 09:28 AM


Bắt đầu từ hôm nay (1/3), gần 1.900 dịch vụ y tế (DVYT) được quỹ KCB BHYT chi trả sẽ đồng loạt tăng giá. Theo ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế), khi giá dịch vụ y tế tính cả tiền lương của cán bộ, nhân viên y tế, nếu BV không đầu tư, không nâng cao chất lượng để thu hút người bệnh thì nhân viên sẽ không có lương, BV khi đó sẽ tự phải đóng cửa!

 

Nhiều BV đã chủ động đổi mới phong cách phục vụ và đơn giản TTHC đăng ký KCB BHYT

Người bệnh BHYT giảm chi phí

Ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, do giá DVYT mới chỉ cộng thêm phụ cấp ngày trực và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật nên một số dịch vụ mới chỉ tăng khoảng 30%. Mức giá này cũng mới chỉ áp dụng cho người có thẻ BHYT, còn người chưa có thẻ BHYT, người khám dịch vụ vẫn áp dụng mức giá cũ. Do người khám BHYT đúng tuyến chỉ phải chi trả tối đa 20% chi phí KCB nên chưa biến động nhiều. Thậm chí, vì được tính đúng, tính đủ, nâng cao giá, nên số tiền mà người dân phải chi trả ngoài giá DVYT (tự chi từ tiền túi) giảm đi nhiều. “Trước kia DVYT thấp, kết cấu giá không tính đủ vật tư cho một ca điều trị, do đó người dân phải mua ngoài. Còn hiện nay, các ca bệnh đã được tính đủ các chi phí, vật tư nên người bệnh không phải mua ngoài nữa”- ông Liên khẳng định.

Đáng chú ý, theo quy định mới, người bệnh đi khám được chỉ định khám các chuyên khoa khác nhau thì từ lần 2 chỉ tính bằng 30% giá khám bệnh lần đầu. Nhưng nếu phải đi khám 4 đến 5 chuyên khoa thì tiền khám cũng không được thu quá 2 lần giá khám bệnh lần 1. Hoặc nếu cùng một lần mổ mà thực hiện nhiều can thiệp thì tiền giá DVYT chỉ thu 100% đối với dịch vụ có giá cao nhất, còn các kỹ thuật khác chỉ lấy giá 50% nếu kỹ thuật đó vẫn do 1 kíp mổ thực hiện, còn nếu phải dùng đến kíp khác thì lấy giá bằng 80% so với mức giá quy định của Bộ Y tế.

Ngoài ra, nếu như trước đây một số DVYT theo yêu cầu hoặc dịch vụ kỹ thuật được cung cấp bởi máy móc đầu tư bằng nguồn xã hội hoá được quy định mức giá do BHYT chi trả thấp, nên người bệnh phải đóng mức chênh lệch cao. Nay giá dịch vụ tăng lên thì mức đóng chênh lệch giảm. Ví dụ, giá kỹ thuật chụp CT Scanner 64 dãy được thực hiện bằng máy xã hội hoá ở BV hạng 1 hiện là 2,5 triệu đồng, giá phê duyệt BHYT trước ngày 1/3 là 1,7 triệu đồng (người có thẻ BHYT phải trả chênh lệch 800.000 đồng), nhưng từ ngày 1/3, khi giá dịch vụ này được điều chỉnh lên 2.167.000 đồng, thì người bệnh có thẻ BHYT ngoài phần đồng chi trả theo quy định chỉ phải nộp phần chênh lệch 333.000 đồng; từ ngày 1/7 khi giá được thanh toán nâng lên 2.266.000 đồng thì người bệnh chỉ còn phải trả chênh lệch 234.000 đồng, giảm 2/3 so với hiện nay.

Ông Liên cho biết thêm, đến 1/7/2016, giá DVYT sẽ lại tăng khoảng 50% so với hiện nay do tính thêm cả tiền lương vào cơ cấu giá. Tuy nhiên, đối với 9 BV Trung ương đã được phép tự chủ tài chính (gồm các BV: Phụ sản Trung ương, Việt Đức, Nội tiết Trung ương, Bạch Mai, Mắt Trung ương, Chợ Rẫy, Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM, Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, Tai mũi họng Trung ương), Bộ Y tế sẽ cho phép đưa cả tiền lương và các loại phụ cấp vào giá DVYT (tăng 50%) ngay từ ngày 1/3/2016.

Theo ông Liên, cùng với việc điều chỉnh giá, Bộ Y tế đã yêu cầu trích một phần tiền khám bệnh để đầu tư nâng cao cơ sở vật chất cũng như chất lượng KCB để phục vụ người bệnh. Trước đó, năm 2012, khi giá DVYT tăng, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các BV trích 15% tiền khám bệnh đầu tư nâng cấp phòng khám. “Khi giá DVYT tính cả tiền lương của cán bộ, nhân viên y tế, nếu BV không đầu tư, không nâng cao chất lượng thu hút người bệnh thì nhân viên sẽ không có lương, BV khi đó sẽ tự phải đóng cửa”- ông Liên nhấn mạnh.

Về phương án trợ giúp người nghèo và các đối tượng chính sách, ông Liên cho biết: Hiện có khoảng 23,7 triệu dân là người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được cấp miễn phí thẻ BHYT, đồng thời được thanh toán 100% chi phí KCB. Còn người cận nghèo chỉ phải thanh toán 95% chi phí KCB, được NSNN hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ BHYT. Nhiều tỉnh cũng đã trích ngân sách để lo nốt 30% mệnh giá thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đề xuất các phương án để giúp các đối tượng có thu nhập trung bình được hỗ trợ mệnh giá thẻ BHYT cao hơn để tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT.

Sẽ đổi mới phương thức chi trả DVYT

Theo đánh giá, phương thức chi trả có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình cung cấp các dịch vụ KCB. Hiện nay, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã và đang triển khai một số phương thức thanh toán như theo định suất, theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRG) và chuẩn bị các điều kiện để xây dựng gói DVYT cơ bản.

Đổi mới phương thức thanh toán BHYT cũng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh

Về phương thức thanh toán theo định suất, sau khi có Luật BHYT, phương thức này đã được triển khai rộng rãi tại các địa phương và bước đầu đã thu được những kết quả nhất định, tạo sự chủ động cho các BV trong điều hành kinh phí, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí BHYT.

Tuy nhiên, phương thức này cũng có một số điểm bất cập cả về thiết kế cũng như triển khai thực hiện và tác động. Theo ông Liên, việc quỹ định suất giao cho BV bao gồm cả chi phí KCB đa tuyến và chi phí KCB bệnh nhân thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH đã khiến BV chịu “rủi ro” bội chi rất lớn do tình trạng bệnh nhân tự đi KCB vượt tuyến với tỉ lệ tương đối cao, có địa phương lên tới 75%.

Hạn chế này đã được Bộ Y tế thống nhất với BHXH Việt Nam khắc phục. Cụ thể, theo Quyết định số 5380/QĐ-BYT ngày 30/12/2013, phương thức này được thí điểm theo 2 phương án: Khoán định suất chi phí KCB ngoại trú tại chỗ; chi phí dịch vụ KCB nội trú và ngoại trú tại chỗ. Kết quả thực hiện trong 2 năm 2014- 2015 cho thấy bước đầu, Đề án đã khuyến khích các đơn vị tham gia, chủ động kiểm soát chi phí được giao, đồng thời nâng cao chất lượng KCB .

Bên cạnh đó, Đề án thanh toán chi phí KCB theo DRC đã được Bộ Y tế phê duyệt và bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2015, kết thúc vào năm 2019 tại 5 tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Bình, Bình Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu. Từ năm 2020, sau giai đoạn thí điểm, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện phương thức này để triển khai trên diện rộng và tiến tới áp dụng trên toàn quốc, đưa phương thức này trở thành phương thức áp dụng rộng rãi, chiếm tỷ trọng thanh toán cao trong hệ thống chi trả, thanh quyết toán BHYT.

Theo ông Liên, DRG là một lựa chọn phù hợp đối với bệnh nhân điều trị nội trú. DRG sẽ hỗ trợ tính đúng, tính đủ chi phí DVYT theo toàn bộ 7 yếu tố chi phí của từng nhóm bệnh, đảm bảo KCB BHYT công bằng hơn, tăng tính minh bạch và khuyến khích các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đơn vị nào cung cấp nhiều dịch vụ, bệnh nhân đông sẽ được chi trả đúng, đủ và phù hợp với kết quả đạt được.

Riêng với yêu cầu về xây dựng gói DVYT cơ bản do quỹ BHYT chi trả trước năm 2018 theo Nghị quyết số 68/2-13/QH13 của Quốc hội, Bộ Y tế đang xúc tiến nhiều hoạt động chuẩn bị. Đến nay, đã triển khai các hoạt động như thành lập các Ban soạn thảo và xây dựng gói DVYT cơ bản từ Trung ương và các tỉnh, điều tra thống kê BHYT tại 6 tỉnh được lựa chọn đại diện cho 6 vùng địa lý khác nhau gồm: Hà Nội, Hòa Bình, Bình Định, Gia Lai, TP.HCM và Đồng Tháp. Thời gian tới, sẽ thống nhất các tiêu chí lựa chọn dịch vụ đưa vào các gói DVYT cơ bản; triển khai phân tích thống kê số liệu BHYT; đề xuất các lựa chọn cho gói dịch vụ; xây dựng mô hình thí điểm gói DV do Quỹ BHYT chi trả được lựa chọn. Đây sẽ là nền tảng và cơ sở để áp dụng các phương thức chi trả hợp lý, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT...

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng- Giám đốc BV Sản nhi Quảng Ninh, việc tăng giá DVYT là điều cần thiết để BV có điều kiện đầu tư nâng cao chất lượng KCB phục vụ người bệnh.

Ông Hùng cho biết: Đối với nhóm bệnh nhân có BHYT khám đúng tuyến ở BV Sản nhi Quảng Ninh, dù tăng 30% hay 50% cũng sẽ tác động không nhiều. Bệnh nhi đa phần dưới 6 tuổi thì đã được BHYT chi trả 100% nên giá DVYT cao tính đúng, tính đủ thì bệnh nhân được lợi nhiều hơn. Còn các ca đẻ thường chỉ phải đồng chi trả khoảng 100.000 đồng, đẻ mổ chỉ 200.000 đồng/ca nên tăng 50% cũng chỉ vài chục nghìn đồng.

Tuy nhiên, ngành Y tế cần tiếp tục tuyên truyền để người dân tham gia BHYT, đồng thời nâng cao chất lượng KCB tuyến dưới để họ yên tâm khám đúng tuyến, không vượt tuyến, chịu chi phí KCB cao.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn