Cần tháo gỡ vướng mắc trong việc cho thuê lại lao động
01/03/2016 02:19 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Quy định về cho thuê lại lao động đã được quy định khá cụ thể trong Bộ Luật lao động (BLLĐ). Đây được đánh giá là bước đi đúng hướng trong con đường mở cửa và hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước. Mặc dù vậy, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.
Cho thuê lại lao động diễn ra thông qua việc một số doanh nghiệp (đã có giấy phép về hoạt động giới thiệu việc làm) ký hợp đồng lao động với người lao động, sau đó cho các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lao động thuê lại trên cơ sở “hợp đồng cung ứng lao động” hay “hợp đồng dịch vụ lao động”. Trước yêu cầu của hội nhập, nhằm cụ thể hóa về hoạt động này tại Điều 53 Bộ luật Lao động quy định: “Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động”. Do có tính chất đặc thù và khác biệt với quan hệ lao động thông thường nên Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 hướng dẫn Bộ luật Lao động về cho thuê lại lao động để điều chỉnh quan hệ lao động đặc biệt này, nhằm tạo điều kiện cho việc thành lập các doanh nghiệp cho thuê lại lao động đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế và thị trường lao động.
Tuy nhiên, từ khi Bộ luật Lao động có hiệu lực và văn bản hướng dẫn về lĩnh vực này thì trong thực tiễn việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp cho thuê lại lao động cũng gặp không ít khó khăn bởi những vướng mắc từ chính những quy định của pháp luật. Một trong những vướng mắc được các doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất là thời hạn cho thuê lao động. Theo Khoản 2, Điều 54 BLLĐ thì thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng. Đứng ở góc độ bên thuê lại lao động, quy định doanh nghiệp cho thuê không được tiếp tục cho thuê lại người lao động (người lao động thuê lại mà hợp đồng thuê vừa hết thời hạn) là không hợp lý. Bởi lẽ dù đi thuê lại lao động nhưng tâm lý người sử dụng lao động thuê lại cũng mong muốn có lực lượng lao động ổn định, dài hạn để có thể xử lý tốt nhất công việc tại doanh nghiệp thuê lại.
Bên cạnh đó, theo quy định để được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Đã thực hiện ký quỹ 2 tỉ đồng; bảo đảm mức vốn pháp định là 2 tỉ đồng trong suốt quá trình hoạt động; có trụ sở ổn định trong thời hạn ít nhất từ hai năm trở lên; và người đứng đầu doanh nghiệp phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 3 năm trở lên (Điều 5-NĐ55/CP). Như vậy, ngoài điều kiện về tiền ký quỹ và vốn pháp định được xem là một gánh nặng tài chính đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì điều kiện về người đứng đầu doanh nghiệp phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 3 năm trở lên cũng khiến cho các doanh nghiệp lúng túng. Thực tế cho thuê lại lao động là hoạt động phổ biến trên thế giới, được pháp luật nhiều nước ghi nhận. Việc ghi nhận chính thức hoạt động cho thuê lại lao động trong Bộ luật Lao động đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho các bên trong quan hệ cho thuê lại lao động, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động cũng như góp phần vào sự phát triển ổn định của thị trường lao động. Chính vì vậy, theo các chuyên gia pháp lý nếu không giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên sẽ dẫn tới những nguy cơ quyền lợi của người lao động bị xâm phạm do các doanh nghiệp lách luật cho thuê lao động “chui”.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng, nếu không nhanh chóng được giải quyết những bất cập trên thì không những kìm hãm sự phát triển của hoạt động cho thuê lại lao động mà còn khiến người lao động gặp nhiều rủi ro. Chẳng hạn, những khó khăn về điều kiện cấp giấy phép lao động và bị cấm đoán sẽ dẫn đến hoạt động cho thuê lao động “chui” hay như giới hạn không hợp lý về thời hạn thuê lại lao động sẽ dẫn đến tình trạng người lao động bị “đẩy” từ doanh nghiệp cho thuê lao động này sang doanh nghiệp cho thuê lao động khác, để đáp ứng nhu cầu của bên thuê lại lao động theo thỏa thuận ngầm của các bên... Tại hội thảo về những cơ hội và thách thức của thị trường lao động Việt Nam khi Cộng đồng kinh tế Asean chính thức được thành lập do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cũng cho rằng, một số vướng mắc trong quy định của pháp luật về cho thuê lại lao động nếu được tháo gỡ kịp thời sẽ góp phần giải quyết việc làm, kết nối cung - cầu lao động hiệu quả, điều tiết thị trường lao động, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Do đó Nhà nước cần nhanh chóng có những hướng dẫn cụ thể và sửa đổi, bổ sung phù hợp giúp các bên có liên quan, từ bên thuê lao động, bên thuê lại lao động và người lao động thuê lại yên tâm tham gia vào hoạt động này.
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Nguyên Đán Ất Tỵ
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước