Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đi vào cuộc sống
18/09/2023 01:47 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại Lâm Đồng, qua gần 7 năm triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đã tạo cơ sở pháp lý, quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành giám sát. Hoạt động giải trình, giải quyết kịp thời những vấn đề mà cử tri, dư luận xã hội quan tâm, phản ánh, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Theo đó, từ năm 2016 đến nay, các ĐBQH trong Đoàn đã thực hiện hơn 200 câu hỏi chất vấn trực tiếp tại hội trường và gửi câu hỏi chất vấn bằng văn bản đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương liên quan đến các lĩnh vực: Giao thông vận tải; Kế hoạch và đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Công thương; Xây dựng;... Nội dung chất vấn liên quan đến những vấn đề bức xúc của xã hội, về việc giao đất, cho thuê đất, khoán sản phẩm tại các nông, lâm trường; về chế độ chính sách đối với người có công, cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn, buôn, tổ dân phố chậm được điều chỉnh bổ sung phù hợp; việc quản lý chất lượng các công trình giao thông; trách nhiệm của cá nhân và tổ chức trong việc quản lý sử dụng các nguồn vốn nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; một số khó khăn của dân di cư tự do vào sinh sống trên địa bàn tỉnh cũng đã từng bước được tháo gỡ khi Quốc hội xem xét, thông qua Luật Cư trú (sửa đổi)…
Việc trả lời chất vấn, giải trình tại các phiên họp được triển khai nghiêm túc, hiệu quả, dân chủ, công khai. Nhìn chung, các bộ trưởng, trưởng ngành khi trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề ĐBQH chất vấn; trả lời thẳng thắn, xác định rõ trách nhiệm, lộ trình, hướng khắc phục trong thời gian tới.
Hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương được Đoàn ĐBQH, ĐBQH tích cực, trách nhiệm gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thực hiện việc theo đến cùng sự việc.
Liên quan hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, qua công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, Đoàn ĐBQH đã tổ chức giám sát, đôn đốc, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết các vụ việc khiếu nại kéo dài tại địa phương như vụ việc thi hành án dân sự tại số 357 Phan Đình Phùng, Phường 2, TP Đà Lạt; vụ án hành chính giữa ông Nguyễn Cự Quyền, bà Nguyễn Thị Thái và UBND tỉnh Lâm Đồng; vụ các hộ dân khiếu nại về đền bù giải tỏa ở Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt…
Trong hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương, từ năm 2016 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã chủ động, chủ trì phối hợp với Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan hữu quan tổ chức được 21 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề tại địa phương và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, kịp thời kiến nghị Trung ương nhiều vấn đề khó khăn, bất cập tại địa phương như: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018; việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19…
Xuất phát từ tình hình thực tiễn, Đoàn ĐBQH đã tổ chức các đoàn khảo sát để giải quyết những vấn đề mà cử tri, ĐBQH quan tâm như tình hình di cư tự do tại huyện Đam Rông; tình hình quản lý di sản văn hóa tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và ga Đà Lạt; công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà; khảo sát về việc xử lý chất thải công nghiệp của Tổ hợp Bauxit - nhôm Lâm Đồng tại Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng…
Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã có những đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giám sát, khảo sát. Phối hợp với Đoàn ĐBQH các tỉnh Đắk Nông và Bình Thuận tổ chức khảo sát tuyến Quốc lộ 28 và 28B. Qua khảo sát cho thấy, thực trạng nhiều đoạn trên tuyến Quốc lộ 28 và 28B đi qua 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng và Đắk Nông đã xuống cấp trầm trọng, cử tri các địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng các tuyến đường này vẫn chưa được xem xét đầu tư nâng cấp, Đoàn ĐBQH 3 tỉnh đã có báo cáo và kiến nghị về việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa các tuyến Quốc lộ 28 và 28B.
Đây là cách thức phối hợp tổ chức giám sát, khảo sát mới được Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề xuất có tác động tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực hơn với những kiến nghị có tính chất liên tỉnh, liên vùng. Kiến nghị của Đoàn ĐBQH 3 tỉnh đã được Bộ Giao thông Vận tải kịp thời xem xét, trả lời và Chính phủ dự kiến trình Quốc hội đưa vào các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…
Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Để tổ chức giám sát có chất lượng, hiệu lực và hiệu quả, Đoàn ĐBQH tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện tốt các khâu, giai đoạn của quá trình tổ chức hoạt động giám sát, đặc biệt là công tác chuẩn bị, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát. Trước khi quyết định thành lập Đoàn giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh cân nhắc, dự kiến thành phần Đoàn giám sát cho phù hợp và mời các chuyên gia có kinh nghiệm giúp Đoàn. Các ĐBQH trong Đoàn đã dành nhiều thời gian để giám sát văn bản quy phạm pháp luật và có kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ trong quá trình góp ý, xây dựng pháp luật; thực hiện tốt trách nhiệm và vai trò giám sát tại các kỳ họp của Quốc hội...
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Tăng cường công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...
Lạc Dương: Mở rộng hệ thống đại lý thu cơ sở
Đam Rông tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT xã ...