Tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão 2023

27/12/2022 08:07 AM


Tích cực chuẩn bị tổ chức tốt phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ nhân dịp Xuân Quý Mão, gắn với triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm 2023.

 

Thực hiện phong trào Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, trong những năm qua, các Bộ, ngành, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và nhân dân cả nước đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thiết thực góp phần phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh.

Trồng được 245 nghìn ha rừng trồng tập trung, 122 triệu cây xanh phân tán

Năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, biến động phức tạp của thị trường thế giới đến sản xuất nông lâm nghiệp, đời sống của người dân và xuất khẩu lâm sản, nhưng các địa phương trong cả nước đã trồng được 245 nghìn ha rừng trồng tập trung và 122 triệu cây xanh phân tán, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng 31,5 triệu m3 gỗ, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 16,5 tỷ USD, đạt 102% so với kế hoạch năm và tăng 5% so với năm 2021; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, nâng cao chất lượng rừng; công tác bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và diện tích rừng bị thiệt hại giảm đáng kể; thu dịch vụ môi trường rừng đạt trên 3.600 tỷ đồng.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Đạt được kết quả này là sự chỉ đạo sát sao, tháo gỡ khó khăn kịp thời của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm vào cuộc của các bộ, ngành cùng với sự nỗ lực của các địa phương, tinh thần sáng tạo, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn của hàng triệu bà con nông dân, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội,… trên cả nước. Tuy vậy, ngành lâm nghiệp vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như nguồn vốn và chính sách đầu tư cho lâm nghiệp còn hạn chế; lạm phát cao ở các nước nhập khẩu gỗ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu; đời sống, thu nhập của người dân làm nghề rừng còn thấp, các nguồn thu từ lâm sản và dịch vụ môi trường rừng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và động vật hoang dã vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.

Tích cực chuẩn bị tổ chức tốt phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ nhân dịp Xuân Quý Mão

Nhằm phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế, chủ động tích cực chuẩn bị tổ chức tốt phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ nhân dịp Xuân Quý Mão gắn với triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng; động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp; nội dung, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 về bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây phân tán, phát triển lâm sản ngoài gỗ,… theo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững tại Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022; Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, đề án trọng điểm khác của ngành lâm nghiệp.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Việc tổ chức phát động Tết trồng cây cần thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Thời điểm tổ chức phát động Tết trồng cây đối với các tỉnh phía Bắc tiến hành vào đầu Xuân năm mới, đối với các tỉnh phía Nam tiến hành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (ngày 19/5) hoặc các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn, phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể. Sau khi thực hiện “Tết trồng cây”, các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình có cách làm hay, mô hình tốt, sáng tạo...

Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng đảm bảo hiệu quả. Đẩy mạnh quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ môi trường rừng theo đúng quy định của pháp luật, nhằm phát huy giá trị đa dụng của rừng, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định. Chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh thu đủ tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2022 và tổ chức giải ngân cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ rừng trước dịp Tết Nguyên Đán, góp phần khuyến khích, nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng, phát huy hiệu quả và lợi ích của dịch vụ môi trường rừng.

 

PV

https://baohiemxahoi.gov.vn