Ban hành danh mục nghề phải sử dụng lao động đã qua đào tạo

15/07/2020 07:50 AM


Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành dự thảo Thông tư về Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo.Việc ban hành thông tư này có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển lực lượng lao động có kỹ năng và sẽ tạo hành lang pháp lý quy định các ngành nghề mà người sử dụng lao động phải sử dụng lao động đã qua đào tạo.

 

Theo đó, việc xây dựng danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo là rất cần thiết nhằm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ do những nghề, công việc này cung cấp, từ đó nâng cao giá trị, hiệu suất kinh tế cho cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Việc này có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động. Người lao động sẽ có ý thức hơn trong nâng cao nghề nghiệp, còn doanh nghiệp cũng có trách nhiệm hơn với quyền lợi của người lao động.

Các danh mục ngành nghề này được nghiên cứu, xem xét trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành và được xác định theo tính chất, mức độ của ngành nghề đó ở 3 tiêu chí: Đối với sự nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của người lao động (sự an toàn của người lao động); đối với việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng (sự an toàn của người tiêu dùng và xã hội); tiến tới việc nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia của nền kinh tế.

Danh mục ngành nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo gồm: danh mục 1, bao gồm 68 ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 1/1/2022. Đây là những ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động ở nhóm V và nhóm VI) theo danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Danh mục 2, bao gồm 90 ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 1/1/2023. Đây là những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động ở nhóm IV).

Dự thảo Thông tư cũng xác định lộ trình thực hiện danh mục ngành nghề sử dụng lao động qua đào tạo bao gồm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ ngày 1/1/2022, áp dụng cho danh mục 1, bao gồm 117 ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Giai đoạn 2, từ ngày 1/1/2023, áp dụng cho danh mục 2, bao gồm 59 ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và những ngành, nghề phổ biến, quan trọng.

Giai đoạn 3, từ ngày 1/1/2024,  áp dụng cho các ngành nghề còn lại trong danh mục ngành, nghề đào tạo.

Việc xác định lộ trình nêu trên để các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân người sử dụng lao động chủ động trong việc tự đào tạo, đào tạo chuyên môn, nghề nghiệp cho người lao động theo các trình độ phù hợp./.

 

PV