Hoàn thiện Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

18/04/2020 11:00 PM


Năm 2006, Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật số 72/2006/QH11 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và có hiệu lực kể từ 01/7/2007. Sau hơn 12 năm thi hành, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn áp dụng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 đã bộc lộ một số tồn tại hạn chế, khó khăn trong hướng dẫn thi hành luật.

 

Theo đó, một số quy định phát sinh vướng mắc như: Điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với hoạt động thực tiễn.

Một số quy định của luật chưa bảo đảm đồng bộ với các luật mới được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Việc làm năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014…

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mục tiêu tổng quát của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Văn kiện Đại hội Đảng cũng như các Chỉ thị của Bộ Chính trị. Theo đó, hoạt động người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc là một chủ trương nhất quán và quan trọng, lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đồng thời, tiếp tục cải cách TTHC, mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh; loại bỏ, sửa đổi những quy định không còn phù hợp hoặc gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp; bổ sung các quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đi làm việc ở nước ngoài.

Ảnh minh họa

Căn cứ vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã trình và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 11/6/2019, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có những sửa đổi, bổ sung cơ bản sau đây: Nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung về minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung liên quan đến chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động; Nhóm nội dung liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Nhóm nội dung liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cho ý kiến về Dự án Luật, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nêu rõ, Hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ thành phần theo quy định và thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, về nội dung và chất lượng của Hồ sơ cần được quan tâm, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan; thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban và tiếp tục lấy ý kiến của các doanh nghiệp, người lao động để bảo đảm đầy đủ thông tin, cơ sở để đánh giá toàn diện.

 

PV

https://baohiemxahoi.gov.vn