Phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT

24/06/2019 05:00 PM


Đây là chủ đề buổi Tọa đàm được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 25/6, với sự tham gia trao đổi, bình luận của TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và TS. Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

 

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 05/2019 cả nước có 84,5 triệu người dân tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89%. Trong đó, có trên 17 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình…

Bình luận về con số này, TS. Bùi Sỹ Lợi đánh giá: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày càng cao, điều này khẳng định tính đúng đắn của chủ trương, quan điểm thực hiện BHYT toàn dân. Người dân thấy đây là chính sách đem lại lợi ích thiết thực nhất trong công tác chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, việc mở rộng diện bao phủ BHYT cũng còn gặp không ít khó khăn, nhất là với nhóm học sinh, sinh viên. Theo thống kê, hiện còn khoảng 1,3 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT trong khi đây là nhóm thuộc diện được hỗ trợ đóng. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhận định, cần nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về BHYT cũng như việc tham gia BHYT là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cộng đồng. Nhấn mạnh số chưa tham gia BHYT chủ yếu là thuộc nhóm học sinh trung học, sinh viên đại học, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông giữa cơ quan BHXH với các cơ sở giáo dục về BHYT. Bên cạnh đó cần nâng mức hỗ trợ tham gia BHYT với học sinh, sinh viên.

Tương tự, công tác truyền thông cũng cần phải được tăng cường với nhóm thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức thu nhập trung bình. Có thể nâng mức hỗ trợ tham gia đối với nhóm này nhưng quan trọng hơn là công tác truyền thông cần được tăng cường, hạn chế tình trạng ỷ lại, trông chờ hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các ý kiến trao đổi tại buổi Tọa đàm cũng nêu vấn đề mở rộng BHYT với nhóm lao động phi chính thức. Hiện còn khoảng 09 triệu người thuộc nhóm này; và để thu hút sự tham gia của nhóm này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng cần đa dạng hình thức truyền thông và cần sự tham gia mãnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền.

Một yếu tố đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy người dân tham gia BHYT chính là chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, nhất là ở tuyến y tế cơ sở. TS. Bùi Sỹ Lợi đánh giá, từ khi thực hiện chính sách BHYT, chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần trách nhiệm đối với bệnh nhân đã nâng cao lên rất nhiều, nhưng so với nhu cầu của xã hội, nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân thì ở chừng mực nào đó chưa đáp ứng như mong muốn. Với các cơ sở y tế tuyến huyện, xã do chưa được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nên chưa đáp ứng được nhu cầu, tạo được niềm tin nơi người dân. Một mặt cần tăng cường đầu tư cả về nhân lực và vật lực cho y tế cơ sở, mặt khác cần điều chỉnh chính sách; chẳng hạn như nâng cao hiệu quả điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính ngay từ trạm y tế; hoặc có cơ chế phân luồng khám, chữa bệnh tích cực hơn, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên./.

Lan Anh