Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2016 Ngành BHXH

07/03/2016 09:22 AM


Vừa qua, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 663/KH-BHXH ngày 03/03/2016 về Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2016 của Ngành.

 

Thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/07/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/05/2014 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2016 Ngành BHXH như sau:

Mục đích và yêu cầu nhằm theo dõi tình hình thi hành pháp luật Ngành BHXH; xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật BHXH, BHYT và các luật liên quan của các đơn vị trong Ngành, các tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT qua đó kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế trong việc thi hành pháp luật BHXH, BHYT, đề xuất giải pháp cụ thể góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật BHXH, BHYT và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về theo dõi tình hình thi hành pháp luật…

Bảo đảm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan BHXH. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác thi hành pháp luật với công tác kiểm tra, rà soát văn bản và công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Nội dung triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Xây dựng các văn bản chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ phù hợp với Luật BHXH, Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng quy chế phối hợp giữa BHXH Việt Nam với các bộ, ngành liên quan.

Tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật về tập huấn nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của Ngành. Trong đó, chú trọng đến phổ biến Luật BHXH, Luật BHYT (sửa đổi) các văn bản hướng dẫn thi hành quyết định giao dịch điện tử về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn của Ngành đảm bảo kịp thời, đầy đủ; củng cố, kiện toàn cán bộ làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật…

Theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo ngành, lĩnh vực được giao quản lý

Đối với lĩnh vực trọng tâm: Công tác thu BHXH, BHYT, BHTN trong đó tập trung vào việc phát triển đối tượng tham gia; phát triển mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT; việc xứ lý những đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động; tình hình cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, quản lý đầu tư quỹ; giải quyết chính sách BHXH, chi BHXH, BHTN; thành toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Tình hình thực hiện các quy định về kiểm soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT; thực hiện cải cách thủ tục hành chính và tình hình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính; thực hiện rà soát văn bản do BHXH Việt Nam ban hành; thẩm định các dự thảo văn bản hướng dẫn nghiệp vụ toàn Ngành. Tình hình thực hiện Luật phòng chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các nội dụng theo dõi thi hành pháp luật: Đánh giá tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT và pháp luật có liên quan. Trong đó, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ của các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật; tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật. Tính thống nhất, đồng bộ của việc ban hành văn bản hướng dẫn với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tính khả thi của văn bản hướng dẫn…

Đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho việc thi hành pháp luật như, tính phù hợp về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế và các đơn vị khác trong bộ máy tổ chức của cơ quan BHXH; mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực đối với công tác pháp chế ở Trung ương và địa phương; mức độ đáp ứng kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác thi hành pháp luật.

Đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật như, tình hình thực hiện pháp luật của các đơn vị trong Ngành và công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ; tính chính xác, thống nhất trong việc soạn thảo, xây dựng các văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam và triển khai áp dụng vào thực tiễn; mức độ tuân thủ pháp luật, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định của thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật và của Ngành.

Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật: Tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Ngành. Qua đó, thu thập thông tin đánh giá thực trạng việc thi hành pháp luật và tình hình xử lý vi phạm pháp luật; kịp thời phát hiện những khó khăn, vứng mắc, mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành để kiến nghị với cơ quan, người có thầm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản cho phù hợp với thực tiễn. Các đơn vị, cá nhân là đối tượng kiểm tra có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của cơ quan tiến hành kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Thu thập, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật: Căn cứ kết quả thu thập thông tin, kết quả kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật nêu trên, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố xứ lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo các nội dung sau đây:Thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật; sửa đổi, bổ dung ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực.

Thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, phổ biến pháp luật; bảo đảm về tổ chức, biên chế, kinh phí và các điều kiện khác cho thi hành pháp luật. Thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.../.

Nguồn TC BHXH