Hà Nội: Đẩy mạnh lộ trình bao phủ BHYT toàn dân

22/10/2015 08:58 AM


Sáng 22/10/2015, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 14/10/2015 của UBND thành phố thực hiện Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 14/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu BHYT giai đoạn 2015 – 2020. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tới dự và chủ trì hội nghị; tham dự có đại diện các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã…

Thực hiện Quyết định 1584/QĐ-TTg ngày 14/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2015-2020. Cụ thể, chỉ tiêu bao phủ BHYT đối với Hà Nội giai đoạn 2015 – 2020 là: Năm 2015 là 77,2%, năm 2016 là 79,7%; năm 2017 là 81,6%; năm 2018 là 82,9%; năm 2019 là 83,9% và năm 2020 là 85%.

Báo cáo công tác BHYT tại hội nghị, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa nêu bật những kết quả đã đạt được: Trong 09 tháng đầu năm 2015, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội; sự phối hợp có hiệu quả của các Sở, ban, ngành… BHXH thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được BHXH Việt Nam giao. Tính đến 30/09/2015, toàn thành phố có 5.170.959 đối tượng có thẻ BHYT, tăng 284.545 đối tượng tham gia BHYT (tương ứng 5,82%) so với cùng kỳ năm 2014. Tỷ lệ bao phủ đạt 72,8% dân số.

BHXH thành phố Hà Nội chủ động phối hợp với Sở Y tế đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người có thẻ BHYT và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính. Năm 2015, BHXH thành phố đã tổ chức ký Hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 198 cơ sở y tế; Thực hiện giám định theo tỷ lệ, thông báo kịp thời những sai sót hàng tháng để cơ sở khám, chữa bệnh BHYT rút kinh nghiệm và thực hiện đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh, thanh quyết toán đúng quy định của Luật BHYT. Trong 09 tháng đầu năm 2015, ước chi phí khám, chữa bệnh  BHYT là 2.135 tỷ đồng với trên 04 triệu lượt khám, chữa bệnh, đảm bảo cân đối quỹ BHYT. Nhiều bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đồng trong 01 đợt điều trị. Cụ thể, 1.351 lượt bệnh nhân được chi trả chi phí khám, chữa bệnh lớn với tổng số tiền 105 tỷ đồng; Trong đó, nhóm tham gia BHYT hộ gia đình có 60 bệnh nhân với chi phí 11,6 tỷ đồng, bình quân mỗi bệnh nhân là 193 triệu. Toàn Thành phố có 340.996 người tham gia BHYT hộ gia đình, bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có 584 người tham gia. Trong đó, một số quận, huyện thực hiện tốt, có số người tham gia bình quân theo xã, phường cao như Quận Hoàng Mai là 1.244 người, Quận Thanh Xuân là 1.064 người, Quận Đống Đa là 1.032 người…BHXH Thành phố thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách về BHYT. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về tính ưu việt, nhân văn, chia sẻ cộng đồng cao của chính sách BHYT và quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia BHYT để người lao động và nhân dân Thủ đô nâng cao ý thức chấp hành chính sách pháp luật và tự nguyện tham gia BHYT; Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông nhằm tuyên truyền chính sách pháp luật BHXH, BHYT. Đáng chú ý, sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, BHXH Thành phố chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan như: Lao động, Thương binh và xã hội, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Ban Tuyên giáo, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức trên 100 Hội nghị, đối thoại phổ biến pháp luật về BHYT trực tiếp đến người lao động, nhân dân trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh việc biên soạn, in và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền như tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về BHXH, BHYT. Đến nay, đã biên soạn, phát hành 370.000 tờ rơi và 1.373 bảng thủ tục hành chính về những điều cần biết khi đi khám, chữa bệnh BHYT và gần 3.000 cuốn sách Luật BHYT sửa đổi, bổ sung; phát hành đĩa CD tuyên truyền cũng như một số ấn phẩm báo chí của Trung ương, Ngành BHXH và Thành phố Hà Nội.

Thực hiện Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 14/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2015 – 2020. UBND thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch 185/KH-UBND ngày 14/10/2015 về triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Theo đó, chỉ tiêu bao phủ BHYT của UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 – 2020 là: Năm 2015: 77,2%; Năm 2016: 79,7%; Năm 2017: 81,6%; Năm 2018: 82,9%; Năm 2019: 83,6%; Năm 2020: 85,0%. Để thực hiện các chỉ tiêu được giao, UBND Thành phố cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yêu: Cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định việc thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT giai đoạn 2015 – 2020 là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chính sách An sinh xã hội, đảm bảo sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội; tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT. Tập trung tăng tỷ lệ bao phủ BHYT ở một số nhóm đối tượng: Nhóm lao động trong các doanh nghiệp, nhóm tham gia theo hộ gia đình và nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng (học sinh, sinh viên, hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình…); nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Tiếp tục nâng cao tinh thần, thái độ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên ngành y tế để đảm bảo chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người bệnh. Xử lý nghiêm những trường hợp thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người bệnh. Tăng cường và thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các biểu hiện lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những vướng mắc, tồn tại trong việc triển khai BHYT trên địa bàn, đồng thời gợi mở những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn để đề ra những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả chỉ tiêu bao phủ BHYT của Chính phủ giao. Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Phương Mai cho biết: Chính phủ đã phê duyệt Đề án thực hiện chính sách BHYT toàn dân; giao chỉ tiêu bao phủ BHYT cụ thể cho các địa phương trong đó có Hà Nội. Để đạt được chỉ tiêu BHYT của Chính phủ giao, năm 2015 là 77,2% và đến năm 2020 là 85% dân số tham gia BHYT, rất cần sự vào cuộc của các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn Thành phố. BHXH thành phố Hà Nội đang triển khai đồng bộ các giải pháp như phối hợp với cơ quan tuyền thông, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật BHYT, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, mở rộng mạng lưới đại lý thu, quản lý chặt chẽ quỹ BHYT… Phối hợp với Sở Y tế năng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đảm bảo quyền và lợi ích của người tham gia BHYT.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh tầm quan trọng chính sách BHXH, BHYT, là trụ cột chính của hệ thống An sinh xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng quan tâm. Để đạt được chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao năm 2015 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn cần tập trung tăng tỷ lệ tham gia BHYT. Đặc biệt là các nhóm đối tượng (học sinh, sinh viên, hộ gia đình, doanh nghiệp); Đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền người dân tham gia BHYT…  Đồng thời, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu giao BHXH thành phố Hà Nội là cơ quan tham mưu, chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT, thường xuyên báo cáo tiến độ với UBND Thành phố để kịp thời chỉ đạo. Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm tốt quyền lợi của người tham gia BHYT; UBND các quận, huyện, thị xã có văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu đến từng xã, phường, thị trấn… Toàn Thành phố đẩy mạnh triển khai động bộ các giải pháp, phấn đấu đạt mục tiêu BHYT toàn dân…/.

Nguồn TC BHXH