Góp ý Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi): Tăng cường trách nhiệm trong thực hiện BHXH, BHYT

01/10/2015 07:47 AM


Đa số CBCC BHXH tỉnh Bình Thuận cho rằng, những nội dung trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của Ngành sẽ tạo chế tài pháp lý, giúp tăng cường trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân cũng như đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia BHXH, BHYT.

Tuy nhiên, về các hành vi phạm tội liên quan đến BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đa số ý kiến cho rằng, mức vi phạm và khung hình phạt cho các tội chưa phù hợp, còn quá nhẹ, khiến cho các đơn vị, cá nhân tìm cách lách luật, dễ dẫn tới vi phạm nhiều mà không xử phạt được.

Đơn cử, tại Khoản 1, Điều 218 quy định người nào có hành vi lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BH thất nghiệp hoặc dùng những hồ sơ này lừa dối cơ quan BHXH chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nghiệp từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 2 lần đến 3 lần số tiền chiếm đoạt hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Tuy không kiến nghị tăng mức xử phạt, song các ý kiến đều kiến nghị giảm mức tiền chiếm đoạt xuống “từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng” nhằm đảm bảo tính răn đe cũng như hạn chế tình trạng lách luật bằng cách “chiếm dụng ít” để không bị phạt.

Tương tự, tại Khoản 1, Điều 219, BHXH tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị điều chỉnh theo hướng giữ nguyên mức phạt và giảm mức tiền chiếm đoạt thành: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền BHYT từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 2 lần đến 5 lần số tiền đã chiếm đoạt hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.

Tại Mục a, Mục b, Khoản 1, Điều 220 cũng nên điều chỉnh theo hướng: “Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ mà không đóng, không đóng đầy đủ số người hoặc số tiền phải đóng theo quy định hoặc cố tình chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để nợ lớn từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì bị phạt tiền từ 2 đến 3 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm”.

Tại Mục c, Mục d, Khoản 2, Điều 220 thì điều chỉnh theo hướng: “Nếu trốn đóng bảo hiểm với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.0000 đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 30 người đến dưới 100 người” thì sẽ bị phạt tiền từ 3 lần đến 5 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Còn tại Mục b, Khoản 3, Điều 220, BHXH tỉnh kiến nghị nếu đơn vị, cá nhân nào chỉ cần trốn đóng cho từ 100 người trở lên thì sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 7 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm…

Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, theo BHXH tỉnh Bình Thuận, có 83 ý kiến tán thành (trên tổng số 86 ý kiến) trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Bởi vì trong thực tế, có những hành vi phạm tội mà cả cá nhân và pháp nhân đều xâm phạm như tội cạnh tranh không lành mạnh, tội buôn lậu, tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tội rửa tiền, tội khủng bố, tội buôn bán người… Đồng thời, cũng có tội phạm chỉ do pháp nhân thực hiện như tội phạm về môi trường. Vì lẽ đó, Bộ luật Hình sự chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là một thiếu sót lớn, bỏ lọt đối tượng phạm tội. Bên cạnh đó, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với pháp nhân còn bất cập, bởi phạt vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe, nên các pháp nhân có xu hướng tiếp tục vi phạm trật tự quản lý. Hơn nữa, việc xử phạt hành chính được thực hiện bởi cơ quan hành chính, vì thế không thể so sánh được với việc xử lý bằng một thủ tục tố tụng tư pháp có tính chuyên nghiệp, chặt chẽ, dân chủ.

Về loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự cũng nhận được 82 ý kiến tán thành, bởi nó đủ bao quát xử lý các hành vi vi phạm. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước cũng đã phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Một số tổ chức kinh tế vì lợi nhuận, lợi ích riêng mà có những hành vi vi phạm pháp luật, phổ biến trong các lĩnh vực như: Môi trường, ngân hàng, kinh doanh (buôn lậu, trốn thuế, trốn đóng BHXH...).

Đặc biệt, hành vi hoặc lỗi của người lãnh đạo, chỉ huy, người đại diện cũng được coi là hành vi, lỗi của pháp nhân. Bởi, nếu người lãnh đạo, người đại diện của pháp nhân đã thực hiện một tội phạm (dù là cố ý hoặc vô ý) thì cả pháp nhân và người lãnh đạo, người đại diện đó phải chịu trách nhiệm hình sự về cùng tội phạm đó. Vì thế, ngoài quy định về cá nhân, cần bổ sung pháp nhân cũng là chủ thể của tội phạm; đồng thời cần phải truy tố hình sự đối với những pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể như: Phạt tiền, rút giấy phép kinh doanh hoặc buộc phải giải thể DN…

(Trích ý kiến góp ý của BHXH tỉnh Bình Thuận)

Nguồn baobaohiemxahoi.vn