BHXH các tỉnh, thành phố: Dồn lực cho công tác cải cách TTHC

08/09/2015 09:34 AM


Thực hiện Nghị quyết 49/2010/NQ-CP về thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) ngành BHXH, đến nay, các TTHC đã được đơn giản hóa theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, người dân được nhận kết quả giải quyết công việc trong thời gian ngắn nhất. Trong những tháng cuối năm, BHXH các tỉnh, thành phố đang dồn lực đạt mục tiêu trọng tâm trong công tác cải cách TTHC.

1 cua 080915 02.jpg
Tra cứu thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Công bố và niêm yết công khai thủ tục hành chính

Hiện nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành là 115 thủ tục. BHXH Việt Nam đã hoàn thành phương án đơn giản hóa các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam theo Nghị quyết số 49/2010/NQ-CP của Chính phủ.

BHXH Việt Nam đang thực hiện Kế hoạch rà soát TTHC năm 2015, trong  đó, trọng tâm là việc rà soát văn bản của BHXH Việt Nam để đánh giá toàn diện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, các quy định của ngành có liên quan đến TTHC. Từ đó, kịp thời phát hiện để loại bỏ hoặc sửa đổi thủ tục không phù hợp, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của cá nhân, tổ chức.

Các TTHC của ngành BHXH đều được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định và công bố công khai trên Trang tin điện tử BHXH Việt Nam. BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện việc niêm yết công khai bộ TTHC tại trụ sở cơ quan BHXH cấp tỉnh, huyện, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch. Đến nay, bộ TTHC đã được niêm yết đầy đủ tại trụ sở của 63 BHXH tỉnh, thành phố và BHXH huyện trên toàn quốc.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn chỉ đạo các địa phương công bố công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam để mọi cá nhân, tổ chức được biết.

Tại cơ quan BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận ý kiến từ các tổ chức, công dân phản ánh về các hành vi tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức của BHXH Việt Nam để chuyển cho bộ phận có thẩm quyền có giải quyết.

1 cua 080915 03.jpg
Cổng giao dịch điện tử BHXH Hà Nội

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Cùng với việc công bố và niêm yết công khai thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), triển khai giao dịch BHXH điện tử, nhằm giảm thời gian dành cho việc thực hiện các TTHC liên quan đến thu, nộp BHXH.

Tại BHXH TP Hà Nội, kể từ khi thực hiện phần mềm “Một cửa điện tử” vào tháng 6/2012, đặc biệt từ năm 2013 đến nay, BHXH Thành phố đã có chuyển biến rõ rệt trong việc giải quyết các hồ sơ về BHXH, BHYT, giảm thiểu được tỷ lệ hồ sơ giải quyết trả chậm kết quả (từ gần 20% đến nay giảm xuống chỉ còn 5%, phấn đấu đến cuối năm 2015 giảm xuống dưới 3%), không còn tình trạng thất lạc hồ sơ đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng công chức viên chức trong từng khâu nghiệp vụ.

Tại Hà Tĩnh, từ khi đưa phần mềm "Kiểm soát đầu vào thẻ BHYT" nhằm hạn chế sai sót thông tin cá nhân của bệnh nhân khi đi KCB bằng thẻ BHYT. Phần mềm "Kiểm soát đầu vào thẻ BHYT" đã được triển khai rộng rãi tại 15 cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh. Tại các bệnh viện có số lượng bệnh nhân đông như bệnh viện Thành phố, bệnh viện Thạch Hà đã xây dựng thêm các ứng dụng về kết nối dữ liệu và sử dụng công nghệ mã vạch để giải mã thông tin thẻ BHYT, các ứng dụng trên đã giúp công tác tiếp đón bệnh nhân được nhanh chóng, giảm từ 2 đến 5 phút xuống còn 2 đến 5 giây.

Việc triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH đã được BHXH Việt nam và BHXH các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt. Khi tham gia giao dịch điện tử, các doanh nghiệp sẽ có được công cụ lập thủ tục BHXH đúng quy định của BHXH Việt Nam, hỗ trợ nhiều chức năng tự động giảm thiểu sai sót khi kê khai, giảm thời gian đi lại giao dịch với cơ quan BHXH và thời gian chờ đợi; đặc biệt là giám sát được quá trình thực hiện của cơ quan BHXH, xem được ngay kết quả giao dịch và nhận kết quả kịp thời. Riêng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, tính đến 15/6/2015 đã có 14.146 đơn vị đăng ký tài khoản giao dịch điện tử, trong đó: Cơ quan nhà nước: 1.164, Doanh nghiệp: 10.317; Trường học: 2.665; Tổng số lượt giao dịch thành công đã trả kết quả là: 21.199 lượt. Còn tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, toàn Thành phố đã có trên 45.000 đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch qua email và 12.286 đơn vị giao dịch điện tử có dùng chữ ký số.

Đặc biệt, việc áp dụng phương thức giao dịch hồ sơ điện tử tại thành phố Hồ Chí Minh được phát triển để xây dựng hệ thống thông tin điện tử áp dụng toàn Ngành và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thực hiện chính thức từ tháng 5/2015.

Ngoài ra, trên Website của hầu hết BHXH các tỉnh, thành phố đã cho phép các tổ chức và công dân tìm kiếm, tra cứu kết quả đóng hàng năm của người lao động (mẫu C13) và tra cứu kết quả đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (mẫu C12) hàng tháng của đơn vị sử dụng lao động.

Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng được yêu cầu giải quyết công việc của các tổ chức, cá nhân; rút ngắn được thời gian giải quyết, hạn chế sự chồng chéo trong quá trình giải quyết công việc; việc giải quyết hồ sơ được thực hiện công khai, khoa học; tạo cơ chế kiểm tra, giám sát nội bộ, ngăn chặn tiêu cực xảy ra.

1 cua 080915 01.jpg
Giao dịch tại bộ phận "Một cửa" của cơ quan BHXH

Phấn đấu còn 49,5 giờ thực hiện thủ tục BHXH chặng "nước rút"

Để thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam tập trung củng cố, nâng cao chất lượng cán bộ làm việc tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa các cấp như nâng cấp trang thiết bị cơ sở vật chất; chỉ đạo công tác phối hợp giữa bộ phận một cửa và bộ phận chuyên môn trong việc giải quyết các TTHC đảm bảo thời gian quy định.

BHXH Việt Nam đang tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc, đảm bảo phù hợp, đúng quy định. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức trong ngành, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo BHXH địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình nội bộ và giao dịch với tổ chức, cá nhân. Việc áp dụng giao dịch điện tử là một trong những biện pháp đạt hiệu quả cao để đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ trong việc cắt giảm thời gian kê khai thủ tục nộp BHXH, BHYT xuống còn 49,5 giờ vào cuối năm 2015, tương đương với mức bình quân của các nước ASEAN 6, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngành đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác BHXH của đơn vị để thực hiện tốt khâu chuẩn bị hồ sơ trước khi gửi đi. BHXH đặt ra mục tiêu tiếp tục hỗ trợ, đào tạo tập huấn cho các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng phần mềm kê khai tham gia BHXH, BHYT phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt trên 90% doanh nghiệp tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH.

Để đơn giản hóa các TTHC, BHXH Việt Nam còn tổ chức cuộc thi “Sáng kiến cải cách TTHC và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận để toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội chung tay tham gia cải cách TTHC và thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tranh thủ những sáng kiến, giải pháp có giá trị để áp dụng cho việc hoàn thiện, cắt giảm, đơn giản, tiêu chuẩn hóa thủ tục cũng như giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn