Cần thiết phải hình sự hóa các hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN

07/09/2015 01:10 AM


Vừa qua, tại Phú Quốc (Kiên Giang), BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Bộ luật Hình sự sửa đổi, trọng tâm là các tội danh về BHXH, BHYT, BHTN dưới sự đồng chủ trì của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh và Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Trần Văn Dũng. Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Văn Phòng Chính phủ, Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, BHXH Việt Nam và các chuyên gia tư vấn Dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Thời gian qua, tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN xảy ra ở hầu hết các địa phương, doanh nghiệp với mức độ ngày càng tăng, hình thức tinh vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động và lợi ích của Nhà nước. Theo thống kê, năm 2007, nợ BHXH, BHYT là 1.734 tỷ đồng; năm 2014, đã lên tới 7.200 tỷ đồng (gấp 04 lần) và tính đến ngày 31/07/2015, tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN là gần 12.000 tỷ đồng, chiếm 6,37% số phải thu (trong đó, nợ BHXH hơn 8.000 tỷ đồng, nợ BHTN là 533.382 tỷ đồng và nợ BHYT là 2.898 tỷ đồng). Có khoảng 50% doanh nghiệp trên toàn quốc trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN với trên 05 triệu lao động chưa được đơn vị sử dụng lao động tham gia BHYT theo quy định. Các hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN có tính chất tương đối phổ biến và lặp đi lặp lại ở hầu hết các địa phương trong cả nước với mức độ ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội, đi ngược lại mục đích An sinh xã hội.

Các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Ý thức tuân thủ pháp luật của người dân chưa cao; pháp luật quy định về BHXH, BHYT còn một số kẽ hở; hoạt động kiểm tra của cơ quan BHXH chỉ dừng lại ở việc phát hiện, đề nghị, kiến nghị xử lý, không có thẩm quyền xử phạt các vi phạm, chưa đủ sức răn đe khiến việc lợi dụng pháp luật để trục lợi ngày càng trở nên phổ biến và nghiêm trọng. Trong đó, nguyên nhân thiếu các chế tài hình sự để áp dụng xử lý các vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN là nguyên nhân cơ bản. Ngành BHXH đã đề ra nhiều biện pháp như tăng cường công tác quản lý thu, xử lý thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; thành lập các tổ thu hồi nợ liên ngành; phân công cán bộ chuyên quản theo dõi, đôn đốc việc đóng và trả nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động; tăng cường phối hợp Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Sở Y tế kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động và các cơ sở KCB; công khai thông tin các đơn vị nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo với các đơn vị quản lý, đơn vị chức năng; khởi kiện ra Tòa án… Biện pháp cao nhất là khởi kiện nhưng vẫn chưa hiệu quả với các đơn vị cố tình vi phạm, không thực hiện nghiêm quyết định của Tòa án, cơ quan Thi hành án; sau khi có bản án của Tòa án, cơ quan BHXH khó thu hồi lại được số nợ từ các đơn vị do đơn vị giải thể, phá sản…

Trước tình hình đó, BHXH Việt Nam đã kiến nghị giao chức năng thanh tra việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH (đã được quy định trong Luật BHXH sửa đổi); đề xuất việc hình sự hóa các hành vi trốn đóng BHXH, BHYT để bổ sung thêm chế tài nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo thực hiện nghiêm Luật theo quy định; bảo vệ quyền con người, lợi ích người lao động và nhân dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Do vậy Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã bổ sung thêm 03 tội danh về BHXH, BHYT, BHTN gồm: Điều 218 - Tội gian lận BHXH, BHYT, BHTN; Điều 219 - Tội gian lận BHYT; Điều 20 - Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Trong Hội thảo, các đại biểu tham dự tập trung làm rõ cấu thành của các tội danh về BHXH, BHYT, BHTN vào Bộ luật Hình sự sửa đổi như tên tội danh, chủ thể phạm tội, dấu hiệu hành vi phạm tội, các tình tiết định khung tăng nặng, giảm nhẹ, hình phạt áp dụng… Đồng thời, các đại biểu thống nhất cao việc cần thiết phải hình sự hóa các hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Bởi trên thực tế, các hành vi trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động đã được quy định trong Hiến pháp 2013; họ không được tham gia BHXH, BHYT, BHTN hoặc tham gia không đầy đủ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT như quyền hưởng BHXH, BHYT khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quyền hưởng chế độ BHTN; quyền được lãnh lương hưu khi hết tuổi lao động; làm thất thoát quỹ BHXH, BHYT, ảnh hưởng đến an toàn, cân đối các quỹ BHXH, BHYT, BHTN.

Nguồn TC BHXH