BHXH thành phố Hà Nội: Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin

23/08/2015 09:39 AM


Hà Nội là một trong những địa phương có số đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đứng đầu cả nước. Đối tượng phục vụ rất lớn và thường xuyên biến động hết sức phức tạp, lượng khách giao dịch nhiều, thường xuyên quá tải. Hàng tháng, BHXH Thành phố và BHXH các quận, huyện, thị xã tổ chức công tác tiếp nhận - giải quyết - trả kết quả tại bộ phận “một cửa” cho trên 110.000 lượt tổ chức, cá nhân đến giao dịch với số lượng trên 550.000 thủ tục hồ sơ hành chính về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phải giải quyết.

Ha Noi 210815 04.jpg
Người dân, doanh nghiệp giao dịch tại bộ phận "một của" của BHXH TP Hà Nội(Ảnh Minh Ngọc - TTXVN)

"Một cửa điện tử" - chìa khóa thành công

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ được giao, BHXH Thành phố luôn chú trọng đến công tác ứng dụng CNTT vào các khâu nghiệp vụ. BHXH Thành phố đã triển khai xây dựng phần mềm “Một cửa điện tử”,  phần mềm “Quản lý văn bản và điều hành”, nâng cấp trang WEB của BHXH Thành phố lên thành “Cổng thông tin điện tử”. Triển khai xây dựng và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của BHXH Thành phố và BHXH quận, huyện, thị xã, trang bị cho mỗi quận huyện, thị xã 01 máy chủ, hệ thống xếp hàng tự động, ki-ốt tra cứu thông tin, thiết bị đọc mã vạch, camera giám sát bộ phận một cửa và giám sát an ninh trong cơ quan với sự hỗ trợ kinh phí của BHXH Việt Nam và UBND Thành phố nhằm phục vụ tích cực và hiệu quả cho công tác quản lý và thực thi nhiệm vụ.

Trước đây, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo quy trình một cửa được thực hiện thủ công là chính, thường có tình trạng khiếu nại về việc thất lạc hồ sơ, giải quyết và trả hồ sơ chậm, muộn, không xác định được trách nhiệm giải quyết hồ sơ của từng viên chức, tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ của viên chức làm công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ chưa tốt.

Kể từ khi thực hiện phần mềm “Một cửa điện tử” vào tháng 6/2012, đặc biệt từ năm 2013 đến nay, BHXH Thành phố đã có chuyển biến rõ rệt trong việc giải quyết các hồ sơ về BHXH, BHYT, giảm thiểu được tỷ lệ hồ sơ giải quyết trả chậm kết quả (từ gần 20% đến nay giảm xuống chỉ còn 5%, phấn đấu đến cuối năm 2015 giảm xuống dưới 3%), không còn tình trạng thất lạc hồ sơ đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng công chức viên chức trong từng khâu nghiệp vụ. Phần mềm “Một cửa điện tử” đã thực hiện được việc “Tiếp nhận - thụ lý - trình ký - trả kết quả” các hồ sơ thủ tục hành chính, luân chuyển hồ sơ giữa các phòng, bộ phận nghiệp vụ và giữa BHXH Thành phố với BHXH các quận, huyện theo một quy trình khép kín, theo dõi được đường đi của từng hồ sơ, tiến độ giải quyết hồ sơ của từng viên chức thụ lý hồ sơ của các phòng nghiệp vụ và BHXH quận, huyện. Phần mềm “Một cửa điện tử” không chỉ là kênh cung cấp thông tin cần thiết để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo BHXH Thành phố và lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các quận, huyện mà còn góp phần công khai, minh bạch hóa quy trình giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nâng cao tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ của đội ngũ viên chức trong toàn hệ thống.

Việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính theo quy trình ”một cửa” kể từ khi có phần mềm ”Một cửa điện tử” tại BHXH Thành phố đã mang lại sự thuận tiện cho người dân, ngăn chặn tình trạng sách nhiễu của viên chức khi thực thi công vụ. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chỉ phải nộp hồ sơ và nhận lại kết quả tại một đầu mối. Mặt khác, việc áp dụng cơ chế một cửa cũng giúp các đơn vị, bộ phận nghiệp vụ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống BHXH Hà Nội có điều kiện tập trung và chủ động giải quyết công việc thuộc thẩm quyền chuyên môn đạt hiệu quả cao hơn.

Ha Noi 210815 03.jpg
Ki-ốt tra cứu thông tin về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại BHXH TP Hà Nội (Ảnh Minh Ngọc - TTXVN)

Ngoài phần mềm "Một của điện tử", BHXH Thành phố đã triển khai phần mềm "quản lý văn bản và điều hành" tại BHXH Thành phố và 30 BHXH quận, huyện. Phần mềm đã đáp ứng được việc quản lý và số hoá toàn bộ văn bản đi, đến của BHXH Thành phố và BHXH quận huyện; theo dõi trực tuyến về tình hình xử lý văn bản của các phòng nghiệp vụ và BHXH quận huyện và các cá nhân liên quan; thực hiện giao việc qua mạng, gửi nhận văn bản điện tử từ BHXH Thành phố đến BHXH quận, huyện và theo chiều ngược lại, kết hợp tính năng nhắn tin qua phần mềm đảm bảo nhanh chóng, tiện lợi. Qua thực hiện tác nghiệp trên phần mềm đã giải quyết được tình trạng thất lạc văn bản, quên việc, sót việc, đồng thời cũng tiết kiệm chi phí in ấn, sao lưu, gửi văn bản.

Cổng thông tin điện tử - kênh thông tin hữu hiệu

Website của BHXH Thành phố được triển khai kể từ năm 2008 và đến năm 2013 được nâng cấp thành Cổng thông tin điện tử, đây là kênh thông tin cho phép khai thác thông tin hiệu quả nhất, nhanh nhất những hoạt động của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, các thông tin về tin tức sự kiện, kinh tế - xã hội, định hướng phát triển, pháp luật, văn hóa,…; Đăng tải đầy đủ các quy trình giải quyết, thủ tục hành chính  cho tất cả các thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố, đảm bảo công khai, minh bạch, đầy đủ, đúng pháp luật.  Trên ”Cổng thông tin điện tử” của BHXH Thành phố cho phép các tổ chức và công dân tìm kiếm, tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ đã giao dịch với bộ phận một cửa tại 31 điểm giao dịch trên toàn thành phố. Từ máy tính và các thiết bị cầm tay như iPad, iPhone và các điện thoại thông minh khác... có kết nối Internet, người dân có thể trực tiếp theo dõi được tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ của cơ quan BHXH; Có thể tra cứu kết quả đóng hàng năm của người lao động (mẫu C13) và tra cứu kết quả đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (mẫu C12) hàng tháng của đơn vị sử dụng lao động trên cổng thông tin điện tử của BHXH Thành phố.

Ha Noi 210815 02.jpg
Tra cứu tình hình giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử BHXH TP Hà Nội

Thực hiện Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 09/3/2015 của Thủ tướng chính phủ về triển khai thí điểm giao dịch hồ sơ BHXH, BHYT qua mạng internet. Để đổi mới phương thức cung cấp một số dịch vụ công cơ bản trực tuyến ở mức độ 3, người dân và đơn vị sử dụng lao động có thể trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ qua mạng. BHXH Thành phố chỉ đạo các phòng nghiệp vụ xây dựng văn bản hướng dẫn, quy trình giao dịch hồ sơ điện tử. BHXH Thành phố đã phối hợp với Công ty TS24, Công ty EFY Việt Nam triển khai tập huấn về giao dịch điện tử cho cán bộ các phòng nghiệp vụ và 30 quận, huyện, thị xã. Tính đến 15/6/2015 đã có 14.146 đơn vị đăng ký tài khoản giao dịch điện tử, trong đó: CQNN: 1164, Doanh nghiệp: 10.317; Trường học: 2.665; Số đơn vị đã giao dịch là: 7.945 đơn vị (chiếm 56% số đơn vị đăng ký), Đơn vị đã đăng ký nhưng chưa có giao dịch phát sinh: 6.201 đơn vị; Tổng số lượt giao dịch thành công đã trả kết quả là: 21.199 lượt.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

Với những kết quả ban đầu đáng khích lệ, thời gian tới, BHXH Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính mà trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện có hiệu quả hệ thống “Một cửa điện tử” và triển khai giao dịch hồ sơ điện tử đến các đơn vị sử dụng lao động nhằm rút ngắn thời gian giao dịch tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Cùng với đó là không ngừng tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm thực thi công vụ tới tất cả công chức, viên chức của BHXH Thành phố, chuyển mạnh từ tác phong làm việc hành chính sang tác phong phục vụ, lấy việc phục vụ tốt đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT làm mục tiêu phấn đấu của ngành. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu tất cả các nghiệp vụ tới toàn thể viên chức của các bộ phận, các đơn vị để mỗi công chức, viên chức BHXH Thành phố thực sự “Giỏi một việc, biết nhiều việc”. Chú trọng việc bồi dưỡng nâng cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức nghề nghiệp, ý thức văn hóa công sở trong giao tiếp, ứng xử với các tổ chức, cá nhân đến làm việc, giao dịch. Nâng cao chất lượng phục vụ, cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các thủ tục phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Duy trì công tác kiểm tra, giám sát nội bộ trong toàn hệ thống BHXH Thành phố, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ. Kịp thời chỉ đạo uốn nắn, bố trí sắp xếp công chức, viên chức đảm bảo yêu cầu xử lý giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc của tổ chức, công dân liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời công chức, viên chức vi phạm.

Với những nỗ lực và quyết tâm của đội ngũ công chức, viên chức BHXH Thành phố, đặc biệt với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam và UBND Thành phố, BHXH Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu phục vụ ngày càng tốt hơn người lao động và nhân dân Thủ đô./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn