BHXH Việt Nam: Thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống tham nhũng

24/08/2015 09:31 AM


Chiều ngày 21/8/2015, tại Hà Nội, Đoàn công tác số 3 của Ban Nội chính Trung ương do Phó Trưởng Ban Phạm Anh Tuấn dẫn đầu đã có buổi làm việc với BHXH Việt Nam về các nội dung: kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo PCTN); khảo sát, nắm tình hình phục vụ sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN. Tiếp và làm việc với đoàn có Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh; các Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh và Nguyễn Đình Khương.

BHXH-BanNC 240815 03.JPG

Quyết liệt trong công tác PCTN

Thay mặt Lãnh đạo BHXH Việt Nam, Phó TGĐ Đỗ Văn Sinh báo cáo với Đoàn công tác về tình hình, kết quả thực hiện kiến nghị của Đoàn công tác số 2 (Năm 2014) của Ban Chỉ đạo  PCTN đối với công tác PCTN của BHXH Việt Nam.

Theo đó, hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH mang tính chất đặc thù tương đối phức tạp trên địa bàn cả nước, có quan hệ làm việc với nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân để thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho hơn 12 triệu người tham gia BHXH, hơn 65 triệu người tham gia BHYT; gắn liền với công tác quản lý tài chính thu, chi, quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp,… với số lượng rất lớn, vì vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện PCTN, tiêu cực, phòng chống lạm dụng, trục lợi chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong ngành có vai trò hết sức quan trọng.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCTN, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã chỉ đạo, đôn đốc BHXH các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến và quán triệt sâu rộng đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, pháp luật PCTN của Đảng, Nhà nước và của Ngành với các biện pháp cụ thể. Trên cơ sở các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Ngành, các cấp ủy Đảng, đơn vị trực thuộc đã triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của đơn vị.

BHXH Việt Nam đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, Luật PCTN, Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN (Kế hoạch giai đoạn 1 và Kế hoạch giai đoạn 2), trong đó chỉ đạo các cấp ủy đảng, đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từng bước cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp PCTN, lãng phí mà Nghị quyết Trung ương 3, Luật PCTN đề ra. Trên cơ sở Kế hoạch được ban hành, các đơn vị trong toàn ngành BHXH theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã khẩn trương triển khai các nội dung nhiệm vụ. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát để sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản, quy chế nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách của Ngành, hạn chế những bất cập, sơ hở dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với việc rà soát, chuẩn hóa thủ tục hành chính, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, BHXH Việt Nam đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc ở Trung ương và BHXH các cấp ở địa phương với việc ban hành các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị trực thuộc. Các quy định mới đã sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, đồng thời hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ hoặc bỏ sót nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc, BHXH địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành.

Đồng thời, nhằm tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng và phát hiện, làm rõ các sai phạm, tiêu cực, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1279/QĐ-BHXH ngày 26/11/2014 về kế hoạch kiểm tra toàn Ngành năm 2015 trên các lĩnh vực và ban hành Công văn số 2028/BHXH-TCCB ngày 03/6/2015 về kế hoạch kiểm tra công tác tổ chức, cán bộ năm 2015, Quyết định số 742/QĐ-BHXH ngày 29/6/2015 ban hành Quy chế hoạt động kiểm toán nội bộ trong hệ thống BHXH Việt Nam… Nhằm tạo bước đột phá quan trọng trong phòng, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm trong các lĩnh vực công tác của Ngành, ngày 12/6/2015, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ký Quyết định số 680/QĐ-BHXH về việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015.

Bên cạnh việc ban hành các văn bản mới, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo ngành BHXH đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý chi trả các chế độ BHXH các theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc nhận và thanh toán các chế độ BHXH; quy định về công tác kiểm tra và quy định về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân nhằm tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra…

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh, hoạt động của Ngành BHXH vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách an sinh xã hội.

Số đối tượng tham gia BHXH, BHYT tăng hàng năm nhưng tỷ lệ tăng chưa cao nên việc thực hiện mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị gặp khó khăn; Tình trạng nợ đọng, trốn đóng tiền BHXH, BHYT do các nguyên nhân khách quan và chủ quan ngày một phổ biến ở tất cả các địa phương nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Trong khi đó, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên do các nguyên nhân khách quan dẫn đến số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành còn ít; việc xử lý trốn đóng và nợ BHXH, BHYT còn có những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và các đối tượng thụ hưởng; Việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn thiếu chặt chẽ.

Hệ thống công nghệ thông tin của ngành BHXH mới đang dần được đầu tư, nâng cấp, chưa quản lý được dữ liệu tập trung, thống nhất trong toàn Ngành và chưa kết nối, liên thông với các đơn vị có liên quan làm cho công tác giám định BHYT, kiểm tra, giám sát chi BHXH, BHYT, kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách BH thất nghiệp gặp nhiều khó khăn; Tình trạng lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở y tế cũng tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của Ngành.

Lực lượng công chức, viên chức mỏng, chưa đủ theo cơ cấu vị trí việc làm, trình độ chuyên môn còn bất cập trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, nghiệp vụ chuyên môn phức tạp; ..

Phòng chống tham nhũng – Nhiệm vụ trọng tâm

Để hoàn thành các mục tiêu mà Ngành đã đề ra và thực hiện triệt để chương trình PCTN nói riêng và nhiệm vụ chính trị của Ngành nói chung, Phó TGĐ Đỗ Văn Sinh đề nghị, Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa tham nhũng theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.

Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong công tác PCTN. Các cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PCTN. Cần xác định PCTN là công tác trọng tâm và là một trong các tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên, chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN, trong đó chú trọng những văn bản mới ban hành như Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020, Công ước của Liên Hiệp quốc về chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước của Chính phủ, Đề án “Đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức”, việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, quy trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo,….

Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh đề nghị, các cơ quan chức năng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chế độ, chính sách về các mặt hoạt động của ngành BHXH: đề nghị bổ sung các tội danh về trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và gian lận BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự; xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi một số điều của Luật BHYT, Luật BHXH (sửa đổi) với mục tiêu triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT nhằm phục vụ người dân và các đối tượng thụ hưởng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn xử lý nợ khó thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc chủ bỏ trốn; Nghiên cứu, sử dụng quỹ sắp xếp giải quyết việc làm ở Trung ương để hỗ trợ người lao động tại các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; Tăng cường các biện pháp và chế tài xử lý, xử phạt các hành vi trốn đóng, nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh BHYT….

Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách hành chính với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện cơ chế “một cửa” tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tăng cường nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý và chuyên môn…

BHXH-BanNC 240815 02.JPG
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, Ngành BHXH luôn thực hiện đầy đủ các kết luận của Đoàn công tác số 2 năm 2014. Công tác thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Ngành ở mọi mặt đã được quản lý tốt hơn, chặt chẽ hơn, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động.

Tổng Giám đốc chia sẻ, hiện nay, Ngành BHXH đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức; cán bộ trong toàn Ngành đang phải chịu áp lực công việc quá lớn. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc đề nghị, Ban Nội chính Trung ương tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ BHXH Việt Nam để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân và người lao động, ổn định kinh tế -xã hội của đất nước.

Tại buổi làm việc, các đại biểu của Ban Nội chính Trung ương đánh giá: BHXH Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các quy định về PCTN, kết luận của Đoàn công tác số 2 năm 2014, đồng thời chia sẻ với những khó khăn mà Ngành đang gặp phải như nợ BHXH, thiếu biên chế, công việc phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong xã hội,.... Ngành BHXH đã có nhiều giải pháp, cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức bộ máy chuyên nghiệp hơn, cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành không ngừng nỗ lực cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

BHXH-BanNC 240815 01.JPG
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng đoàn công tác số 3 Phạm Anh Tuấn hoan nghênh Ban cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã nghiêm túc, nỗ lực trong PCTN; Trong đó, ghi nhận việc thực hiện 6 kiến nghị của Đoàn công tác số 2, đồng thời, chia sẻ với BHXH Việt Nam về những khó khăn, vướng mắc của Ngành BHXH.

Phó Trưởng Ban nhấn mạnh: Các hoạt động nghiệp vụ của Ngành BHXH mang tính chất đặc thù cao và phức tạp, phạm vi tác động rộng, đan xen nhiều mối quan hệ trong lĩnh vực quản lý lớn. Điều này, chứa nhiều tiềm năng xảy ra những vi phạm trong công tác PCTN, nhất là trong giai đoạn hiện nay, các thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp.

Phó Trưởng Ban Phạm Anh Tuấn đề nghị, trong thời gian tới, Ban cán sự Đảng BHXH Việt Nam, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải luôn luôn quan tâm đúng mức đến công tác PCTN; Xác định công tác PCTN là công việc thường xuyên, công việc trọng tâm. BHXH Việt Nam cần chủ động đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, cơ chế, chính sách của ngành BHXH; Tham mưu cho cấp có thẩm quyền hướng dẫn xử lý nợ khó đòi cũng như giải quyết sắp sếp việc làm cho NLĐ khi có chủ bỏ trốn. Quan tâm, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát,..việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, ngành BHXH cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ./.

Nguồn TC BHXH