BHYT - chỗ dựa cho bệnh nhân có HIV

20/08/2015 03:53 AM


Ngày 18/8, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2011- 2015 và đề xuất chính sách giai đoạn 2016- 2020.

Không còn viện trợ thuốc điều trị HIV vào năm 2017

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến tháng 6/2015, toàn quốc có 227.114 trường hợp nhiễm HIV (trong đó số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 71.115 người). Tính từ đầu vụ dịch đến nay đã có 74.442 trường hợp nhiễm HIV/AIDS tử vong. Số người nhiễm HIV phát hiện mới có xu hướng giảm trong 8 năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao. Dịch HIV/AIDS đã xảy ra ở tất cả các tỉnh, thành phố với 99,8 số quận/huyện và trên 80,3 số xã/phường. Số người nhiễm HIV chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc, vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Khu vực có số người nhiễm HIV cao là các tỉnh miền núi tây bắc với các huyện miền núi Nghệ An và Thanh Hóa. Riêng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cố số lượng người nhiễm HIV lớn và diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Theo TS.Nguyễn Hoàng Long- Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), thời gian qua, kinh phí trong phòng chống HIV/AIDS được sử dụng hiệu quả. Giai đoạn 2011- 2015 đã có 400.000 ca nhiễm HIV được dự phòng. Việc can thiệp, phòng chống HIV/AIDS làm giảm số ca nhiễm ở tất cả các quần thể có nguy cơ cao. Riêng việc mở rộng dịch vụ xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng góp phần làm giảm số ca nhiễm mới ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Ước tính năm 2013 đã can thiệp bảo vệ được 1.850 trẻ sơ sinh khỏi bị nhiễm HIV.

Tuy nhiên, nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang bị cắt giảm và khả năng đến 2017 sẽ bị cắt hoàn toàn. Vì vậy nếu không tham gia BHYT thì sắp tới người bệnh sẽ phải tự chi trả toàn bộ tiền thuốc cũng như các dịch vụ điều trị HIV.

Hiện ARV là loại thuốc điều trị HIV được cấp phát miễn phí, làm giảm lượng virus HIV xuống, giúp người bệnh khỏe mạnh và quan trọng là làm giảm 95% nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Khi bỏ điều trị không chỉ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, kéo theo việc điều trị tốn kém gấp cả chục lần mà lo ngại nhất do nồng độ virus trong máu tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Mới đây, ARV và một số dịch vụ khám, chữa bệnh khác đối với bệnh nhân HIV/AIDS đã được đưa vào diện chi trả của BHYT.

Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, hiện cả nước có hơn 98.000 người có HIV đang được điều trị miễn phí thuốc ARV (tương đương 420 tỉ đồng/năm), phần lớn đều do các tổ chức quốc tế viện trợ miễn phí. Từ năm 2015, Nhà nước đã phải tăng kinh phí mua thuốc ARV lên 85 tỉ đồng. Mỗi tháng, Việt Nam có khoảng 800-1.000 bệnh nhân HIV mới cần được điều trị ARV. Tuy nhiên, từ ngày 1/4, các tổ chức quốc tế đã chấm dứt chi tiền cho các bệnh nhân mới. Theo kế hoạch, đến hết năm 2017, tiền viện trợ chi cho thuốc ARV sẽ chấm dứt hoàn toàn. Đây sẽ là khó khăn lớn cho công tác phòng chống HIV/AIDS…

Giải pháp BHYT

Hệ thống phòng chống HIV/AIDS dựa nhiều vào nguồn viện trợ, còn một số bộ phận chưa lồng ghép vào hệ thống y tế như công tác điều trị ARV, Methadone, gây khó khăn cho việc triển khai và thanh toán BHYT. Bên cạnh đó về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phòng xét  nghiệm còn thiếu. Cán bộ ở mọi cấp trong hệ thống phòng chống HIV/AIDS đều còn thiếu và yếu. Các tổ chức cộng đồng đã được hỗ trợ và củng cố, hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách và thực hiện chương trình, tuy nhiên, các tổ chức này vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực và tài chính, là những cản trở họ phát huy hết tiềm năng của mình.

Mặc dù đã có những cam kết của Chính phủ trong việc đầu tư kinh phí cho chương trình phòng chống HIV/AIDS, tuy nhiên vấn đề đầu tư bền vững vẫn là thách thức lớn.

Để đảm bảo tính bền vững trong công tác phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2016- 2020, TS.Nguyễn Hoàng Long cho rằng, cần tăng cường đầu tư từ NSNN cho các hoạt động thiết yếu, có hiệu quả. Cùng với đó, phát huy vai trò chủ động và trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS ở địa phương; huy động sự tham gia đóng góp kinh phí của các DN cho hoạt động phòng chống HIV; tăng cường chi trả các dịch vụ phòng chống HIV bằng nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Đồng thời, xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS theo hướng đẩy mạnh tham gia BHYT đối với các dịch vụ được cung cấp.

Thông tư số 15/2015/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện KCB BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS vừa ban hành có hiệu lực từ 15/8 với nhiều dịch vụ mà người bị HIV/AIDS có tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả. Các dịch vụ đó bao gồm: hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của Quỹ; phí xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai có HIV; khám bệnh; xét nghiệm HIV; thuốc ARV và các dịch vụ KCB HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ bụng mẹ có HIV.

Điều 40 Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định: Người đang tham gia BHYT bị nhiễm HIV được Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh; Bộ Y tế cũng đã có văn bản quy định danh mục thuốc kháng HIV do BHYT chi trả. Như vậy, Luật BHYT không phân biệt người nhiễm HIV/AIDS với người mắc bệnh khác và người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT sẽ được hưởng chế độ và được chi trả giống như các bệnh khác. Điều đó có nghĩa là, khi tham gia BHYT người nhiễm HIV sẽ giảm được chi phí trong điều trị HIV.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho biết: Từ khi có Luật BHYT, các cơ quan đã thẩm định kế hoạch đảm bảo nguồn tài chính cho người nhiễm HIV/AIDS và hiện đã chi một số dịch vụ cho nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, hiện mới có 30% số người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT. Bên cạnh đó, việc cung ứng thuốc ARV về tận xã, các cơ quan liên quan phải có văn bản chỉ đạo thì cơ quan BHXH sẽ thực hiện thanh toán. Nếu Quỹ BHYT được cho phép chi trả 100% chi phí điều trị người nhiễm HIV/AIDS thì năm 2016 kinh phí sẽ ở mức khoảng 47 tỉ đồng.

Còn theo ông Đặng Thuần Phong- Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, để giảm thiểu người mắc HIV/AIDS và đạt mục tiêu đề ra cần phải có nguồn lực kinh tế cũng như công tác tuyên truyền phòng bệnh tích cực. Cần xem xét cơ chế cấp thẻ BHYT miễn phí cho người nhiễm HIV và có những hướng dẫn cụ thể để quỹ BHYT thanh toán cho đối tượng này./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn