Bảo hiểm thất nghiệp: Đồng bộ chín giải pháp

01/06/2015 01:53 AM


Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đang ngày càng tăng cao, điều đó chứng tỏ rằng, tính ưu việt của loại hình BH này đang được phát huy. Tuy nhiên, để phát huy cao hơn nữa tính hiệu quả của loại hình BH này thì rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng.

Số lượt người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng hàng năm, tính đến 20/3/2015 có 1.921.819 lượt người, bằng 98,2% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Chia sẻ với DĐDN, đại diện BHXH VN cho biết, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng cho thấy, người lao động đang dần nhận thức tầm quan trọng của chính sách này. Tuy nhiên, để tăng số lượng người lao động tham gia loại hình BH này hơn nữa, thì trách nhiệm không chỉ của ngành BH mà lá trách nhiệm chung của tất cả các ban ngành, cơ quan đơn vị…- vị đại diện này chia sẻ.

Theo ông Đỗ Văn Sinh - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã chứng tỏ tính đúng đắn và ưu việt của nó, nhưng khi thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, đặc biệt là từ góc độ người lao động, những người trực tiếp đóng góp và kỳ vọng vào chỗ dựa này khi họ gặp hoàn cảnh khó khăn. Thực tế điều tra, khảo sát cho thấy, cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chính sách bảo hiểm thất nghiệp để nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực hiện, bảo đảm tối đa người lao động làm công ăn lương đều có quyền tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, để giải quyết những khó khăn và vướng mắc tồn đọng, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ hai, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền: về các chế độ, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp với nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về bảo hiểm thất nghiệp, nhất là người lao động ở vùng sâu vùng xa, ở các DN VVN, viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục tổ chức các hội nghị tập huấn cho cán bộ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cán bộ nhân sự tại các DN.

Thứ ba, xây dựng và thực hiện các biện pháp để quản lý lao động: Làm cơ sở cho việc xác định và nắm chắc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ tư, phát hiện, ngăn chặng và xử lý vi phạm: Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, hành vi lạm dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ năm, chuyển nhiệm vụ quản lý lao động thất nghiệp, chi trả trợ cấp thất nghiệp cho cơ quan lao động và BHXH quận, huyện thực hiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thất nghiệp khi đăng ký và hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thứ sáu, tăng cường các điều kiện để thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm và của DN. Có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với các bên liên quan có sai phạm trong thực hiện BHXH, những DN chây ỳ, nợ đọng và trốn tránh trách nhiệm BHXH; nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động tham bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ tám, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan: trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người lao động khi tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trước hết là ngành LLD- TBXH, BHXH VN, Tài chính, Nội vụ, Công đoàn.

Thứ chín, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Báo Diễn đàn DN