Thúc đẩy các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT

27/05/2015 09:24 AM


Chiều ngày 26/5/2015, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo một số Ban nghiệp vụ của BHXH Việt Nam về giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT.

Hop 270515.jpg

Theo báo cáo của Ban Thu, tính đến hết tháng 4 năm 2015, số người tham gia BHYT đạt 64,021 triệu người, bằng 69,9% so với dân số năm 2015. Trong đó, một số nhóm có tỷ lệ bao phủ thấp. Nhóm tham gia theo hộ gia đình có tỷ lệ thấp nhất, chỉ chiếm 30,89%. Nhóm do ngân sách Nhà nước hỗ trợ (76%), trong đó đối tượng cận nghèo chỉ tham gia khoảng 2,6 triệu người/6,5 triệu người, bằng 40,6%. Theo báo cáo của BHXH các tỉnh thì hầu hết các địa phương đã thực hiện hỗ trợ mua BHYT cho đối tượng cận nghèo tối thiểu bằng 70% mức đóng BHYT, một số tỉnh thuộc khu vực bắc Bộ được dự án WB hỗ trợ 80%, một số tỉnh đã hỗ trợ 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia của nhóm này vẫn thấp. Nhóm do người sử dụng lao động và người lao động đóng (64,53); Ở nhóm này, số đối tượng chưa tham gia tập trung ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước (tư nhân, sử dụng dưới 10 lao động).

Một số tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp nhất là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tỷ lệ bao phủ chưa đến 62% dân số.

Các đại biểu tham gia đã cùng phân tích, đánh giá các tồn tại và vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT ở từng nhóm đối tượng, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển số người tham gia BHYT.

Đẩy mạnh rà soát lao động tham gia

Nhóm người sử dụng lao động và người lao động đóng: Tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, tập trung ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Trong đó tập trung kiểm tra, rà soát lại lao động tham gia BHXH, BHYT với số lao động thực tế của doanh nghiệp để yêu cầu thực hiện đóng BHXH, BHYT theo quy định; Kiểm tra yêu cầu đơn vị thực hiện đăng ký đóng BHXH, BHYT cho đầy đủ NLĐ ngay khi đơn vị đăng ký tham gia lần đầu; Báo cáo kịp thời về tình hình quản lý, biến động lao động của doanh nghiệp để có biện pháp xử lý; Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trình UBND cấp tỉnh, huyện quyết định để phối hợp với Ngành tổ chức thực hiện; Xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, gắn trách nhiệm kiểm tra đơn vị đến từng cán bộ thu, kiểm tra.

Thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ.

Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Kế hoạch Đầu tư để cung cấp thông tin, xác định đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Hiện nay đã có cơ chế phối hợp với cơ quan Thuế nhưng về mặt công nghệ thông tin vẫn chưa tiếp cận được hồ sơ của cơ quan Thuế chuyển sang nên không xác định được thực chất đơn vị đang đóng BHXH, BHYT có lao động sử dụng để làm cơ sở cho BHXH tỉnh phối hợp với thanh tra, quyết toán doanh nghiệp theo đúng Luật Thuế và BHXH. Do vậy, yêu cầu đặt ra là Trung tâm CNTT của BHXH Việt Nam phải có phần mềm cung cấp, tiếp nhận cơ sở dữ liệu từ cơ quan Thuế chuyển sang cơ quan BHXH và ngược lại.

Phối hợp với UBND xã, phường, Công an rà soát các doanh nghiệp để đưa vào quản lý và khai thác đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Nhóm do Ngân sách Nhà nước đóng: Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, cần tổ chức nghiêm quy trình liên thông cấp giấy khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT; Rà soát, thống kê việc cấp thẻ BHYT trên địa bàn để cấp thẻ theo quy định.

Đối với người thoát nghèo, không thuộc vùng đặc biệt khó khăn… cần tổng hợp, phân loại để xác định từng trường hợp cụ thể đề xuất hỗ trợ tiếp cho các đối tượng này hoặc vận động họ tiếp tục tham gia BHYT.

Đôn đốc, phối hợp với cơ quan quản lý đối tượng như Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc, Sở Tài chính xác định vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn để báo cáo UBND tỉnh phê duyệt để có căn cứ cho UBND xã lập danh sách tham gia BHYT.

Đối với người sống trên xã đảo, huyện đảo báo cáo cấp có thẩm quyền công nhận xã đảo, huyện đảo và lập danh sách cấp thẻ BHYT theo quy định.

Nhóm do Ngân sách Nhà nước hỗ trợ: Đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo: Tổng hợp, phân loại đối tượng đã tham gia, chưa tham gia để xác định nguyên nhân, kế hoạch và đề xuất giải pháp phù hợp; Phối hợp với các ngành tham mưu HĐND, UBND hỗ trợ phần kinh phí thuộc trách nhiệm người tham gia đóng; Tăng mức hỗ trợ ít nhất bằng ½ số tiền chi thù lao cho đại lý thu của đối tượng tham gia theo hộ gia đình để vận động đối tượng này tham gia BHYT.

Đối với học sinh, sinh viên cần xây dựng kế hoạch phát triển BHYT của nhà trường, đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua của các Sở Giáo dục và Đào tạo, của các nhà trường; Xác định trách nhiệm của Nhà trường trong phối hợp thực hiện pháp luật về BHYT; Thông tin kết quả thực hiện trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn để tạo sự thi đua giữa các trường; Thường xuyên báo cáo, tranh thủ sự chỉ đạo của Bí thư, Chủ tịch tỉnh, huyện để chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Đối với hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình: khẩn trương phối hợp với các ngành lập xong danh sách hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình để làn căn cứ đề xuất hỗ trợ mức đóng; Giao chỉ tiêu hàng năm về vận động các hộ gia đình này tham gia BHYT.

Đối với Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình: Tổ chức hướng dẫn về mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT, quyền lợi về khám chữa bệnh và cách thức đăng ký tham gia BHYT; Nghiên cứu đề xuất có cơ chế hỗ trợ mức đóng BHYT cho người tham gia theo hình thức hộ gia đình.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và mọi người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT và nghĩa vụ của mỗi người dân trong tham gia và thực hiện chính sách BHYT.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động rộng rãi trong nhân dân về chính sách BHYT, pháp luật về BHYT trên các phương diện: Cấp phát tờ rơi đến từng hộ gia đình, trong đó nêu rõ quyền lợi trách nhiệm của người tham gia và chỉ rõ địa điểm tham gia BHXH, BHYT; Treo băng rôn, khẩu hiệu tại những vị trí đông người qua lại, khẩu hiệu cần phải đơn giản, dễ hiểu, ấn tượng đi sâu vào tiềm thức người dân.

Công tác truyền thông, tuyên truyền cần được tiến hành với tất cả các nhóm đối tượng và thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm các đối tượng cần truyền thông tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách BHYT và cách thức tham gia.

Giải pháp phát triển đại lý thu

Tiếp tục củng cố đại lý thu trên địa bàn xã để tổ chức thực hiện tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT. Tổ chức nhiều đại lý thu trên địa bàn để tạo tính cạnh tranh khi phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Giao chỉ tiêu, gắn quyền lợi, trách nhiệm khi nhân viên đại lý thu thực hiện tốt việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Xây dựng, bố trí kinh phí hợp lý để đảm bảo các đại lý thu hoạt động có hiệu quả.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh: Để đạt mục tiêu 75% dân số tham gia BHYT trong năm 2015 là vô cùng khó khăn. Thời gian qua, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc nhưng đôi lúc còn chưa mang lại hiệu quả rõ nét.

Phó Tổng Giám đốc chỉ đạo, Ban Thu phối hợp với các đơn vị có liên quan tập hợp những vướng mắc, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm phát triển đối tượng tham gia BHYT. Ban Tuyên truyền đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến tận đối tượng cụ thể để người dân biết, hiểu và tích cực tham gia.  Các đơn vị chuẩn bị nội dung để làm việc với các Bộ, ngành có liên quan: Bộ Y tế, Giáo dục Đào tạo, Lao động- Thương binh và Xã hội,… để đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT, phát triển đối tượng tham gia BHYT./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn