Thí điểm giao dịch BHXH điện tử: biện pháp tối ưu trong cải cách TTHC

12/03/2015 09:11 AM


Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định thí điểm về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT.

iBHXH 270215.jpg

Ảnh minh họa

Thực hiện giao dịch BHXH điện tử theo lộ trình

Việc thí điểm được thực hiện trong thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT.

Đối tượng thực hiện thí điểm gồm các DN, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật (gọi chung là người SDLĐ) lựa chọn phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH; tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH (Tổ chức I-VAN); cơ quan BHXH.

Theo lộ trình, các DN sẽ thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH từ ngày 01/4/2015. Còn các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và các tổ chức khác thực hiện kể từ ngày 01/10/2015.

Quyết định nêu rõ, người SDLĐ thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH phải có chứng thư số theo quy định; có khả năng truy cập, sử dụng mạng internet; có địa chỉ thư điện tử liên lạc ổn định và đăng ký với BHXH Việt Nam; và được lựa chọn giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc thông qua Cổng giao dịch điện tử của Tổ chức I-VAN.

Người SDLĐ không thực hiện giao dịch bằng hồ sơ giấy đối với các thủ tục đã đăng ký bằng hình thức giao dịch điện tử trong thời gian đang thực hiện giao dịch điện tử. Trong trường hợp đến hạn nộp hồ sơ BHXH điện tử mà hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử, hạ tầng kỹ thuật chưa khắc phục được sự cố thì người SDLĐ được lập hồ sơ BHXH bằng giấy nộp cho cơ quan BHXH trực tiếp quản lý chậm nhất 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ BHXH.

Biện pháp tối ưu trong cải cách TTHC

Theo quy định, hồ sơ BHXH điện tử bao gồm tờ khai và các tài liệu theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ở dạng điện tử. Các tài liệu kèm theo ở dạng giấy phải được chuyển đổi sang dạng điện tử. Khi tài liệu giấy không còn giá trị pháp lý thì những nội dung liên quan tại thông điệp dữ liệu giao dịch điện tử cũng không còn giá trị pháp lý.

Sau khi hoàn thành hồ sơ, người nộp hồ sơ BHXH điện tử được thực hiện các giao dịch điện tử qua Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc Cổng giao dịch điện tử của Tổ chức I-VAN 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết). BHXH Việt Nam hoặc Tổ chức I-VAN gửi thông báo xác nhận đã nhận được hồ sơ BHXH điện tử đến địa chỉ thư điện tử của người nộp hồ sơ BHXH chậm nhất 15 phút sau khi nhận được hồ sơ BHXH điện tử của người nộp gửi đến.

Trước đó, để đơn giản hóa TTHC, BHXH Việt Nam đã triển khai thí điểm giao dịch bằng phần mềm hỗ trợ kê khai thủ tục BHXH, BHYT tại 36 tỉnh, thành phố với hơn 30.000 DN đã thực hiện. Với hình thức kê khai này, thời gian thực hiện các TTHC trong lĩnh vực BHXH giảm thêm 45 giờ.

Đánh giá ban đầu cho thấy, nếu thực hiện giao dịch điện tử thì lượng thời gian mà người SDLĐ cần bỏ ra để thực hiện thủ tục BHXH sẽ giảm nhiều và đặc biệt là giảm được các chi phí phát sinh cho các bên tham gia; giúp người SDLĐ có được công cụ lập thủ tục tham gia đúng quy định; hỗ trợ nhiều chức năng tự động giúp giảm thiểu sai sót khi kê khai; xem được kết quả giao dịch ngay qua mạng; giảm phiền hà cho NLĐ cũng như người SDLĐ…

Việc triển khai giao dịch điện tử BHXH là biện pháp tối ưu để tiếp tục cải cách TTHC, giảm thời gian giao dịch trong lĩnh vực này. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2015, BHXH Việt Nam phải cắt giảm thời gian kê khai, thủ tục BHXH xuống còn 49,5 giờ/năm (bằng mức bình quân các nước trong khu vực)./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn