Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Ngành BHXH

30/01/2015 07:02 AM


Ngày 29/01/2015, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Ngành BHXH (16/02/1995 -16/02/2015). Đến dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền; các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Hội đồng quản lý; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Ngành qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo UBND của 22 tỉnh, thành phố đại diện các vùng, miền trong cả nước; các tổng công ty, ngân hàng, Bệnh viện Trung ương tại Hà Nội; lãnh đạo và trưởng, phó các phòng của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách công tác giám định BHYT, trưởng 02 phòng nghiệp vụ và 01 giám đốc huyện của BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Bộ Quốc phòng, Bộ Công an...

 

Diễn văn kỷ niệm do Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh trình bày khái quát quá trình hình thành và phát triển Ngành BHXH với những dấu mốc và kết quả quan trọng.

Ngày 16/02/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP về việc thành lập BHXH Việt Nam, giúp Chính phủ thống nhất quản lý việc thu, chi, quản lý Quỹ BHXH theo quy định của Bộ Luật Lao động. Theo tinh thần Nghị quyết TW7 (khoá VIII) và Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, ngày 24/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg chuyển giao bộ máy tổ chức và nhiệm vụ thực hiện chính sách BHYT, quản lý Quỹ BHYT từ BHYT Việt Nam về BHXH Việt Nam.

Trong suốt 20 năm qua, BHXH Việt Nam luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, tham mưu, đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời ban hành các chủ trương, nghị quyết, quy định phù hợp với tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT qua từng thời kỳ. Đặc biệt, trong năm 2013, 2014 với nhiều nỗ lực, cố gắng, BHXH Việt Nam cùng các Bộ, ngành đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật BHXH (sửa đổi). Đây được xem là bước phát triển vượt bậc của trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo đảm các quyền an sinh cơ bản cho người dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; vị trí, vai trò của cơ quan BHXH được nâng cao, BHXH Việt Nam được xác định là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chính sách BHXH, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, BHTN; thanh tra việc đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Ngành BHXH từng bước lớn mạnh. Đến nay, BHXH Việt Nam có 16 tổ chức giúp việc, 08 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, 63 BHXH tỉnh, thành phố, 703 BHXH cấp huyện. Đội ngũ cán bộ, công chức viên chức tăng cả về số lượng và chất lượng. Đến hết năm 2014, toàn Ngành có gần 20.300 người, với 82% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 01 Phó Giáo sư, 10 Tiến sĩ, gần 500 Thạc sĩ.

Công tác phát triển, mở rộng đối tượng, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tăng nhanh qua từng năm. Đến hết năm 2014 đã có 11,37 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng hơn 09 triệu người so với năm 1995 và tăng hơn 4,67 triệu người so với năm 2006 (năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH); 64,8 triệu người người tham gia BHYT (chiếm gần 71% dân số), tăng 48,4 triệu so với năm 2009 (năm đầu tiên thực hiện Luật BHYT); trên 9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng hơn 3,6 triệu người so với năm 2009 (năm đầu tiên thực hiện chế độ BH thất nghiệp).

Hàng năm, toàn Ngành luôn hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thu BHXH, BHYT được Chính phủ giao. Từ năm 1995 đến nay, số thu BHXH, BHYT, BHTN lũy kế toàn Ngành đạt gần 904 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2014, số thu đạt trên 197 nghìn tỷ đồng, bằng 102,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, thu BHXH bắt buộc đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, tăng 164 lần so với năm 1995 và tăng 3,8 lần so với năm 2006 (năm đầu thực hiện Luật BHXH); thu BHTN đạt 11.872 tỷ đồng, tăng 8.278 tỷ đồng (tăng 2,3 lần) so với năm 2009 (năm đầu tiên thực hiện chế độ BHTN); thu BHXH tự nguyện đạt 711,6 tỷ đồng, tăng 700,8 tỷ đồng (tăng 65 lần) so với năm 2008 (năm đầu tiên thực hiện chế độ BHXH tự nguyện); thu BHYT đạt trên 55,1 nghìn tỷ đồng, tăng 29 lần so với năm 2003 và tăng gần 4,3 lần so với năm 2009 (năm đầu tiên thực hiện Luật BHYT).

Từ năm 1995 đến năm 2014, toàn ngành đã giải quyết chế độ chính sách cho trên 1,6 triệu người hưởng BHXH thường xuyên, gần 70 triệu lượt người giải quyết chế độ trợ cấp một lần và các chế độ BHXH ngắn hạn. Riêng trong năm 2014, toàn Ngành đã giải quyết cho 8.040.232 lượt người hưởng các chế độ BHXH, trong đó có 122.999 người hưởng chế độ BHXH hàng tháng, trên 7,9 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn; lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng của trên 2,7 triệu người được chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn.

Từ năm 2003 đến 2014, toàn Ngành đã phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo quyền lợi cho trên 994 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT. Riêng năm 2014 đã thanh toán chi phí khám,chữa bệnh BHYT cho trên 138 triệu lượt người, tăng 1,5 lần so với năm 2009. Từ năm 2010 đến nay quỹ BHYT luôn được cân đối và có kết dư.

Công tác quản lý, đầu tư quỹ được thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước và chỉ đạo của Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam. Kể từ năm 1995 đến nay, Quỹ BHXH luôn tồn dư. Đến hết năm 2009, Quỹ tồn dư 100 nghìn tỷ đồng và đến hết năm 2014, số dư quỹ BHXH lũy kế là trên 369,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3,7 lần so với năm 2009.

Thủ tục hành chính về BHXH, BHYT thường xuyên được đơn giản hóa, hiện nay còn 115 thủ tục; giao dịch điện tử từng bước được đẩy mạnh, đến nay đã có gần 55 nghìn doanh nghiệp thực hiện kê khai đóng BHXH qua mạng Internet; thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong giao dịch với các doanh nghiệp, cá nhân về kê khai tham gia BHXH, BHYT được rút ngắn từ 335 giờ/năm xuống còn 108 giờ/năm vào cuối năm 2014. BHXH Việt Nam hiện đang phối hợp với các đơn vị liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định giao dịch điện tử về BHXH, BHYT; phối hợp với Tổng cục Thuế trong việc trao đổi thông tin, mã số thuế và thống nhất việc doanh nghiệp dùng chữ kỹ số chung để giao dịch; chuẩn bị các điều kiện để sử dụng mã số doanh nghiệp trong đăng ký doanh nghiệp, khai thuế và khai BHXH.

Hoạt động hợp tác quốc tế của Ngành cũng được tăng cường đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, tạo điều kiện để học tập, chia sẻ kinh nghiệm, thu hút nguồn lực, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập trong lĩnh vực An sinh xã hội. BHXH Việt Nam hiện đang là thành viên tích cực, năng động và có nhiều đóng góp cho Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA), có quan hệ hợp tác với hơn 40 cơ quan, tổ chức An sinh xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, trong chặng đường 20 năm qua, BHXH Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý; năm 2000, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; năm 2004, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; năm 2009, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Hai,...cùng hàng nghìn danh hiệu thi đua và phần thưởng cao quý khác của các tập thể, cá nhân trong Ngành.

Phát huy thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, trong giai đoạn tới BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu mà Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị đã đề ra; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, từng bước thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Để đạt được mục tiêu trên, năm 2015 và những năm tiếp theo Ngành BHXH đã đề ra nhiều giải pháp; trong đó, sẽ chú trọng vào công tác phối hợp với các Bộ, ban, ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị; xây dựng, triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT đảm bảo tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương.

Tăng cường sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo sự cam kết mạnh mẽ trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, xây dựng và hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ, cấp mã định danh BHXH; tạo lập, quản lý cơ sở dữ liệu tập trung; nâng cấp hệ thống máy chủ, máy trạm, hệ thống mạng và hạ tầng công nghệ thông tin theo kế hoạch tổng thể đã được phê duyệt; Giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, cá nhân, trước hết phấn đấu giảm thời gian thực hiện thủ tục thu, nộp BHXH xuống còn 49,5 giờ/năm vào cuối năm 2015.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam Hồ Tế chia sẻ, nhắc nhớ lại những kỷ niệm ngày đầu thành lập BHXH Việt Nam. Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay Ngành BHXH đã có những bước phát triển vững chắc, khẳng định vị thế trong sự nghiệp xây dựng An sinh xã hội của đất nước. Đặc biệt Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2014 là bước phát triển tích cực với quá trình hoàn thiện chính sách BHXH, BHYT nói chung và với BHXH Việt Nam nói riêng. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, người dân sẽ được bảo đảm An sinh tốt hơn với những thay đổi trong Luật BHXH và Luật BHYT sửa đổi.

Chúc mừng những kết quả mà BHXH Việt Nam đã đạt được, Phó Bí thư Thành uỷ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc minh họa thêm sự quan tâm của Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội với công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt là công tác phát triển mở rộng đối tượng, công tác thu, giảm nợ đọng hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục BHXH, BHYT...đã được UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, các Sở, ban ngành phối hợp cùng BHXH thành phố Hà Nội thực hiện quyết liệt trong các năm gần đây. Từ thực tiễn của địa bàn có đông số người tham gia, đông người thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT đông nhất cả nước, Phó Bí thư Thành uỷ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc mong rằng BHXH Việt Nam sẽ quan tâm sát sao, chỉ đạo thực hiện cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng diện bao phủ BHXH, thực hiện BHYT toàn dân…thực hiện hiệu quả Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, bảo đảm vững chắc An sinh xã hội cho nhân dân Thủ đô.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với chính sách BHXH, BHYT. Từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân Việt Nam luôn được chú trọng. Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, chính sách, pháp luật BHXH, BHYT ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội của đất nước. Bộ máy, vị trí, chức năng nhiệm vụ của BHXH Việt Nam ngày càng được củng cố, tăng cường, đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn. Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Ngành BHXH đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Điều này được thể hiện qua những kết quả cụ thể: số người tham gia BHXH hiện nay đã tăng gấp 05 lần so với năm 1995, số người tham gia BHYT đạt trên 71% dân số, số tham gia BHTN đạt trên 09 triệu, tăng 1,5 lần so với năm 2009. Công tác giải quyết chế độ, quyền lợi cho người tham gia được bảo đảm đầy đủ, kịp thời với hàng trăm triệu lượt người hưởng BHXH, BHYT mỗi năm.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn thách thức, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu BHXH Việt Nam phải chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả  Luật BHXH, Luật BHYT, Đề án BHYT toàn dân, Chiến lược phát triển Ngành BHXH đến năm 2020; phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội cho người dân theo quy định của Hiến pháp 2013.

BHXH Việt Nam phải chủ động thông tin tuyên truyền, phối hợp với các Bộ, ngành, đia phương từng bước nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về vai trò của BHXH, BHYT. Đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, nâng cao năng lực chuyên  môn, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành BHXH, nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, coi đây là bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân.Cần bám sát Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 24/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong giao dịch với các doanh nghiệp, người dân; phấn đấu đến hết 2015 rút ngắn xuống còn 49,5 giờ/năm.

Với những thành tích đã đạt được trong 20 năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tin tưởng rằng, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo đảm vững chắc An sinh xã hội cho người dân./.

Nguồn TC BHXH