20 năm xây dựng và phát triển chính sách BHXH

23/01/2015 07:44 AM


BHXH là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp thu nhập của NLĐ khi bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở có đóng vào Quỹ BHXH. BHXH phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế. Một nền kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân thấp kém, không thể có một hệ thống BHXH vững mạnh. Ngược lại, kinh tế càng phát triển, hệ thống BHXH với các chế độ, hình thức BHXH ngày càng được mở rộng, đa dạng, và phong phú hơn. Quá trình xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH và tổ chức thực hiện ở nước ta trong suốt hơn 20 năm qua là một minh chứng cho quy luật ấy.

Trước năm 1995

Chưa có pháp luật về BHXH, chính sách BHXH thời kỳ này quy định ở các văn bản dưới luật. Các chế độ BHXH ngắn hạn gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ VN) đảm nhận. Các chế độ BHXH dài hạn như hưu trí, mất sức lao động và tử tuất do Bộ Thương binh - Xã hội (nay là Bộ LĐ-TB&XH) đảm nhiệm. Đặc điểm giai đoạn này là các cơ quan được giao quản lý vừa có trách nhiệm xây dựng ban hành chính sách; vừa tổ chức thực hiện. Chính sách BHXH gắn liền với nền kinh tế tập trung, bao cấp; công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước và người làm việc trong lực lượng vũ trang được tham gia BHXH, NLĐ làm việc ở các thành phần kinh tế khác chưa có BHXH; diện bao phủ về BHXH hẹp, chưa có sự công bằng giữa NLĐ làm việc ở khu vực ngoài quốc doanh với NLĐ trong biên chế Nhà nước; nguồn kinh phí chi trả BHXH do ngân sách nhà nước (NSNN) bao cấp; mô hình quản lý tổ chức thực hiện phân tán, kém hiệu quả, nguồn kinh phí do NSNN không đảm bảo chi trả kịp thời, tình trạng nợ lương hưu diễn ra phổ biến.

Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo đường lối đổi mới của Đảng, đòi hỏi phải cải cách thể chế BHXH, cũng như hệ thống quản lý, tổ chức thực hiện BHXH phù hợp với yêu cầu thực tiễn.Tại Điều 56 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nhà nước ban hành chính sách, chế độ bảo hộ lao động, chế độ tiền lương, chế độ nghỉ ngơi và chế độ BHXH đối với viên chức nhà nước và những người làm công ăn lương; khuyến khích phát triển các hình thức BHXH khác đối với NLĐ”. Thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992, trên cơ sở tổng kết thí điểm thực hiện BHXH đối với NLĐ làm việc trong các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, bước đột phá đầu tiên là khi Chính phủ ban hành Nghị định 43/CP ngày 22/06/1993 quy định tạm thời BHXH gồm 05 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; áp dụng đối với công nhân, viên chức Nhà nước, lực lượng vũ trang, các tổ chức Đảng, đoàn thể và NLĐ làm việc hưởng tiền lương hoặc tiền công trong các DN ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Ngoài ra, còn quy định hình thức BHXH tự nguyện, những người không thuộc đối tượng BHXH bắt buộc được tham gia BHXH tự nguyện đây là loại hình BHXH mới nhằm mở rộng mạng lưới an sinh xã hội bảo vệ NLĐ và người dân.

Từ năm 1995 đến năm 2006

Ngày 23/06 /1994, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995. Trong đó, tại Chương XII với 13 Điều quy định về BHXH, trên cơ sở luật hóa các quy định hiện hành. Như vậy, từ ngày 01/01/1995 trở đi, pháp luật về BHXH chính thức được ban hành. Theo đó, Nhà nước quy định về chính sách BHXH nhằm từng bước mở rộng và nâng cao việc bảo đảm vật chất, góp phần ổn định đời sống cho NLĐ và gia đình trong các trường hợp ốm đau, thai sản, hết tuổi lao động, chết, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm, gặp rủi ro hoặc các khó khăn khác. Các loại hình BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện được áp dụng đối với từng loại đối tượng và từng loại DN để bảo đảm cho NLĐ được hưởng các chế độ BHXH thích hợp.

Đặc điểm cơ bản của thời kỳ này là đối tượng tham gia BHXH được mở rộng, tạo sự bình đẳng giữa những NLĐ ở các thành phần kinh tế khi tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH; tăng nhanh độ bao phủ về an sinh xã hội; hình thành Quỹ BHXH độc lập với NSNN từ  đóng góp của NLĐ, người sử dụng lao động và sự hỗ trợ của nhà nước; Quỹ BHXH được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, được Nhà nước bảo hộ.

Ngày 16/02/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/CP thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH thuộc Bộ LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐ VN. BHXH Việt Nam được tổ chức theo hệ thống ngành dọc gồm 03 cấp từ Trung ương đến cấp huyện, để thống nhất thực hiện việc thu, chi, quản lý Quỹ BHXH và thực hiện các chế độ BHXH cho NLĐ, phấn đấu thực hiên mục tiêu BHXH đối với mọi NLĐ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập.

Đối tượng tham gia BHXH và chính sách BHXH được mở rộng dần, từ chỗ chỉ áp dụng đối với NLĐ trong các DN ngoài quốc sử dụng từ 10 lao động trở lên theo Điều lệ BHXH kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995. Đến năm 2003, theo quy định tại Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 đã áp dụng với tất cả NLĐ có quan hệ lao động từ ba tháng trở lên, thuộc mọi thành phần kinh tế. Quy định này đã tạo ra sự bình đẳng giữa những NLĐ trong các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phân phối lại lao động một cách linh hoạt theo yêu cầu của thị trường. Đối tượng tham gia BHXH đã tăng lên đáng kể từ khoảng 2,3 triệu người năm 1995 lên trên 6,7 triệu người năm 2006. Trong đó, số lao động tham gia BHXH ở khu vực ngoài quốc doanh tăng nhanh. Số thu BHXH cũng tăng nhanh từ 788 tỷ đồng năm 1995, đến năm 2006 số thu BHXH đã đạt mức 18.761 tỷ đồng. Trong thời kỳ này, toàn Ngành đã giải quyết cho trên 775 nghìn người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng (trong đó có gần 553 nghìn người hưởng chế độ hưu trí), gần 1,9 triệu lượt người hưởng chế độ BHXH một lần, khoảng 13,9 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, gần 1,9 triệu lượt người hưởng chế độ thai sản và trên 4,3 triệu lượt người hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Kết dư Quỹ BHXH cũng tăng nhanh, với hơn 4.000 tỷ đồng (năm 1997); đến hết năm 2006, số kết dư đã đạt trên 60.700 tỷ đồng. Nguyên nhân là nguồn chi cho số người hưởng chế độ hưu trí chủ yếu là từ ngân sách, số người hưởng chế độ hưu trí thuộc nguồn Quỹ BHXH chi trả còn ít.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất về chính sách ở thời kỳ này là thiết kế chính sách chưa tuân thủ đúng nguyên tắc đóng - hưởng BHXH, thể hiện chưa quy định mức trần đóng BHXH bắt buộc, quy định điều chỉnh tiền đóng BHXH, điều chỉnh lương hưu, quy định tính tiền lương bình quân tháng đóng BHXH để làm căn cứ tính hưởng BHXH ở giai đoạn này thiết kế chưa hợp lý dẫn đến một số trường hợp hưởng BHXH rất cao bất thường, quá trình tổ chức thực hiện phát hiện sự bất hợp lý nên đã sửa đổi, bổ sung kịp thời.

LuatBHXH 260115.jpg

Ngày 29/06/2006, Quốc hội thông qua Luật BHXH, sau 8 năm triển khai thực hiện, ngày 20/11/2014, Luật BHXH sửa đổi cũng đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành kể từ 01/01/2016


Từ năm 2007 đến nay

Ngày 29/06/2006, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2007 đối với BHXH bắt buộc, từ 01/01/2008 đối với BHXH tự nguyện và từ 01/01/2009 đối với BH thất nghiệp. Việc ban hành Luật chuyên ngành là bước phát triển vượt bậc trong xâyàdựng thể chế BHXH, đánh dấu thời kỳ mới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tổ chức thực hiện BHXH theo hiến pháp và pháp luật một cách hiệu quả. Các quy định của Luật BHXH về cơ bản được kế thừa từ các quy định hiện hành và có phát triển một số nội dung, đặc biệt là quy định lại loại hình BHXH tự nguyện (bao gồm chế độ hưu trí, tử tuất được quy định liên thông với BHXH bắt buộc) và bổ sung loại hình BH thất nghiệp. Việc quy định cụ thể các chế độ trong BHXH tự nguyện được liên thông với BHXH bắt buộc đã tạo điều kiện để người dân tham gia và thụ hưởng chế độ hưu trí khi về già, đảm bảo an sinh xã hội về lâu dài. Đặc biệt là việc thiết kế chính sách tuân thủ đúng nguyên tắc đóng - hưởng, có sự chia sẻ theo nhóm đối tượng để bảo đảm khả năng chi trả của Quỹ BHXH (quy định mức tiền lương, tiền công đóng BHXH thấp nhất, bằng mức lương tối thiểu chung, nhưng tối đa không quá 20 lần mức lương tối thiểu chung- nay là mức lương cơ sở đã khắc phục tình trạng mức hưởng BHXH của một số trường hợp cao bất thường trước khi có Luật BHXH).

Mô hình tổ chức thực hiện BHXH theo quy định tại Nghị định 94/2008/NĐ-CP, Nghị định 116/ 2011/NĐ-CP và Nghị định số 05/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014, theo đó, BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BH thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp, BHYT theo quy định của pháp luật. Mô hình cơ cấu tổ chức và chức năng của BHXH Việt Nam được kiện toàn phù hợp với cơ chế quản lý hoạt động BHXH. Công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động chung của BHXH Việt Nam đã được đổi mới kịp thời, sát thực tế, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, phục vụ tốt hơn đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách.

Sau hơn 08 năm thực hiện, Luật BHXH đã đạt được những thành tựu cơ bản: việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH; tăng diện bao phủ BHXH; tạo điều kiện cho nhân dân, NLĐ có nhu cầu tham gia BHXH đã bảo đảm an sinh xã hội bền vững, tạo sự bình đẳng giữa những NLĐ trong các thành phần kinh tế; góp phần thúc đẩy sự phân phối lại lao động một cách linh hoạt theo yêu cầu của thị trường. Nhờ đó, đối tượng tham gia BHXH đã tăng lên đáng kể từ 2,2 triệu người (năm 1995) lên hơn 11 triệu người (năm 2013), tăng gấp 05 lần; từng bước hoàn thiện nguyên tắc đóng - hưởng BHXH, mang ý nghĩa đoàn kết, chia sẻ trong cộng đồng, là sự bảo đảm thay thế cho NLĐ nhằm giải quyết rủi ro trong cuộc sống khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm cũng như khi đến tuổi già không còn khả năng lao động.

Chính sách BHXH đã được ban hành khá đầy đủ, cụ thể và phù hợp với tình hình hiện nay; các văn bản hướng dẫn thực hiện, quy định về thủ tục thực hiện được ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời và đảm bảo từng bước đơn giản hóa, tạo điều kiện để người tham gia và thụ hưởng chính sách thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ ngày càng tốt hơn. Quỹ BHXH được hình thành độc lập với NSNN trên cơ sở đóng góp chủ yếu của người sử dụng lao động, NLĐ, đã giải quyết cơ bản sự bao cấp của Nhà nước đối với Quỹ BHXH; Quỹ BHXH được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; số thu BHXH ngày càng tăng; số tiền nhàn rỗi của Quỹ BHXH được đầu tư theo đúng quy định để bảo toàn, tăng trưởng quỹ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn có những tồn tại, khó khăn, vướng mắc: số người tham gia BHXH còn thấp so với số người thực tế phải tham gia BHXH; tình hình trốn đóng, nợ đọng BHXH còn phổ biến, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH chưa sâu rộng, thiếu đa dạng và chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng; chính sách BHXH còn có nội dung chưa phù hợp, một số nội dung mới nảy sinh trong thực tiễn chưa được kịp thời bổ sung; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn; sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ; tổ chức BHXH chỉ có quyền kiểm tra, không có chức năng thanh tra, xử phạt nên khi phát hiện sai phạm, thẩm quyền chỉ dừng lại ở việc ra văn bản yêu cầu đơn vị thực hiện đúng quy định. Trong khi công tác thanh tra chưa thường xuyên, chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ chưa đủ sức buộc người sử dụng lao động tuân thủ pháp luật BHXH.

Để khắc phục tình trạng này, BHXH Việt Nam đã chủ động đánh giá tổng kết việc thi hành Luật BHXH trên phạm vi cả nước, trên cơ sở tổng kết đánh giá ở tất cả các địa phương, các bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể kịp thời phát hiện những bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong tổ chức thực hiện, tổng hợp trình Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật BHXH sửa đổi nghiên cứu, xây dựng Dự thảo báo cáo Quốc hội xem xét theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Ngày 20/11/2014, Luật BHXH sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, gồm 09 Chương, 125 Điều, quy định chế độ, chính sách BHXH; quyền và trách nhiệm của NLĐ, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHXH, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan BHXH; Quỹ BHXH; thủ tục thực hiện BHXH và quản lý nhà nước về BHXH, ghi nhận thành tích trong quá trình cải cách, đổi mới liên tục gần 20 năm qua, từng  bước xây dựng, hoàn thiện thể chế BHXH làm căn cứ pháp lý để tổ chức thực hiện BHXH đối với mọi NLĐ góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Luật BHXH sửa đổi mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: người lao động có hợp đồng lao động 1-3 tháng, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; đối với BHXH  bắt buộc bổ sung thêm nhiều quyền lợi cho NLĐ quy định trong chế độ thai sản, chế độ hưu trí; để phù hợp với khả năng tham gia của người dân, quy định người tham gia có thể lựa chọn phương thức đóng BHXH tự nguyện một cách linh hoạt ngoài các phương thức đã quy định lần này cho phép có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ BHXH tự nguyện. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng NSNN trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho NLĐ tham gia BHXH tự nguyện; quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm; nâng mức xử phạt chậm nộp BHXH; giao cho cơ quan BHXH chức năng  thanh tra về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp;…

Về cơ bản, Luật BHXH sửa đổi đã tạo khung pháp lý nhằm điều chỉnh các chính sách BHXH. BH thất nghiệp trong giai đoạn hiện nay; và đều hướng tới hai mục tiêu quan trọng là: mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Đây được coi là cơ hội lớn với Ngành BHXH trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT thời gian tới nhằm hướng đến mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 đã đề ra./.

Điều Bá Được

Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam