Nghiệm thu Đề cương Đề án giải pháp đảm bảo cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất

15/10/2014 09:32 AM


Chiều 07/10/2014, BHXH Việt Nam tổ chức hội đồng nghiệm thu Đề cương chi tiết Đề án giái pháp đảm bảo cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất. Tiến sĩ Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam làm Chủ tịch hội đồng nghiệm thu.

 


Thay mặt nhóm nghiên cứu, Thạc sĩ Trần Thị Thúy Nga, Chủ nhiệm đề án trình bày tính cấp thiết việc cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất và phương pháp, phạm vi nghiên cứu, nội dung để xây dựng, triển khai. Theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/06/2012, Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị nêu rõ việc bảo đảm khả năng cân đối Quỹ BHXH và bền vững của hệ thống BHXH. Quá trình tổng kết đánh thi hành Luật BHXH cho thấy Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh; nếu như năm 2007 tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì ước năm 2013 là 76,6%. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với chính sách hiện hành thì Quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu không đủ chi trong năm. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá tổng thể các nguyên nhân của tình trạng mất cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất để từ đó đề xuất giải pháp về chế độ chính sách và tổ chức thực hiện góp phần đảm bảo cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất và bền vững của hệ thống BHXH là rất cần thiết. Mục tiêu đề án nhằm từng bước mở rộng diện bao phủ của hệ thống BHXH, phấn đấu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; tuân thủ nguyên tắc đóng, hưởng và bảo đảm khả năng cân đối Quỹ BHXH; đảm bảo sự bình đẳng trong thụ hưởng giữa các đối tượng tham gia BHXH… Nội dung nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận và phương pháp luận các yếu tố tác động đến khả năng cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất; đánh giá thực trạng cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất, kiến nghị nhằm đảm bảo cấn đối quỹ trong dài hạn; kinh nghiệm một số nước trên thế giới trong việc đảm bảo cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất; các yếu tố tác động và dự báo xu hướng phát triển BHXH giai đoạn đến năm 2020…

Nhận xét về đề cương chi tiết đề án, các thành viên Hội đồng đều khẳng định tính cấp thiết, tính ứng dụng thực tiễn của đề án. Phương án xây dựng, quy trình đề cương công phu sẽ cung cấp thông tin về thực trang chế độ hưu trí, nguy cơ mất cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam, đưa ra giải pháp đảm bảo cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất, nghiên cứu, xây dựng và định hướng trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH ở Việt Nam trong thời gian tới. Một số ý kiến cho rằng cần bỏ phần đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHXH; cách thức, cấu trúc cần chặt chẽ và đề xuất lộ trình thực hiện cơ chế tài chính Quỹ hưu trí và tử tuất nâng cao tính khả thi của đề án.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các thành viên trong Hội đồng, nhanh chóng hoàn thiện nội dung đề án. Việc nghiên cứu đánh giá thực trạng chế độ hưu trí, tử tuất và đề xuất giải pháp cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách BHXH.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu nhất trí thông qua Đề cương của Đề án./.

Nguồn TC BHXH