Quy chế làm việc Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam

01/10/2014 07:16 AM


Ngày 18/9/2014, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh ký Quyết định 960/QĐ-BCĐCNTT ban hành Quy chế làm việc Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và thay thế Quyết định số 716/QĐ-BHXH ngày 02/7/2012.


Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh họp Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT ngày 22/9/2014

Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định các vấn đề trên cơ sở ý kiến thảo luận thống nhất của các thành viên tại các cuộc họp hay ý kiến bằng văn bản (trường hợp không tổ chức họp). Các Ủy viên Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai các nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị được phân công và theo sự phân công của Trưởng ban. Các Ủy viên được sử dụng công chức, viên chức thuộc quyền quản lý để thực hiện nhiệm vụ.

Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ban chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cho Phó Trưởng Ban chỉ đạo, các Ủy viên và Tổ giúp việc; quyết định triệu tập, nội dung các cuộc họp và chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Triệu tập công chức, viên chức thuộc BHXH địa phương phụ trách công nghệ thông tin tham gia cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của Ban Chỉ đạo. Chỉ đạo việc đảm bảo điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo theo chế độ quy định hiện hành. Mời hoặc thuê chuyên gia tư vấn, nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin làm việc có thời hạn để tham gia nghiên cứu góp ý các giải pháp công nghệ, chính sách, chiến lược phát triển ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành.

Ban Chỉ đạo họp hàng quý để kiểm điểm, đánh giá công tác; xác định nhiệm vụ, những công việc trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tiếp theo; giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm kịp thời có các giải pháp thực hiện thành công ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn Ngành. Ban Chỉ đạo có thể họp bất thường theo yêu cầu của Trưởng hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo để giải quyết công việc. Các Uỷ viên phải tham dự đầy đủ các cuộc họp định kỳ và đột xuất, không uỷ quyền; trường hợp không thể tham dự dược phải báo cáo và được sự đồng ý của Trưởng Ban thì mới cử người dự họp thay.  Kết quả các cuộc họp Ban Chỉ đạo được thông báo bằng văn bản đến từng thành viên Ban Chỉ đạo và các đơn vị có liên quan.

Các Uỷ viên có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (03 tháng, 06 tháng, năm) hoặc đột xuất (nếu Ban Chỉ đạo yêu cầu) về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công cho Tổ giúp việc để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo.

Các Uỷ viên có trách nhiệm thông tin kịp thời cho Tổ giúp việc các vấn đề nảy sinh cần xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo. Các Uỷ viên có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, chủ động phối hợp với các Ban nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc không là thành viên Ban Chỉ đạo để thống nhất các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Mối quan hệ giữa Ban Chỉ đạo với các BHXH các địa phương là quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra./.

Nguồn TC BHXH