BHXH tỉnh Hưng Yên: Phát huy bài học vượt khó 2013, hoàn thành nhiệm vụ 2014

21/08/2014 03:07 AM


Là một trong những tỉnh có nền công nghiệp phát triển nhanh và mạnh nhất miền Bắc hiện nay, tình hình phát triển kinh tế của Hưng Yên trong vài năm gần đây đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên trước những ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp trên địa bàn Hưng Yên cũng khó tránh khỏi bị tác động; công tác thu BHXH, BHYT vì thế gặp không ít thách thức

Từ kinh nghiệm vượt khó năm 2013

Hưng Yên hiện đang có rất nhiều các khu công nghiệp đóng trên địa bàn (khu công nghiệp Phố Nối A, Phố Nối B, Thăng long II, Như Quỳnh, Minh Đức, Kim Động, Quán Đỏ....).  Đây chính là những tiền đề quan trọng cho công tác phát triển mở rộng đối tượng, thu BHXH, BHYT. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, trước những khó khăn của nền kinh tế, các doanh nghiệp tại Hưng Yên (chủ yếu là sản xuất hàng dệt may xây dựng cơ bản, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng..) bị ảnh hưởng rất lớn. Đầu ra sản phẩm hạn chế, khó huy động vốn, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân công…Trong bối cảnh đó, BHXH, BHYT càng cho thấy vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh cho người lao động. Các chế độ hưởng BHXH, BHYT, BHTN…đã giúp ích thiết thực cho cuộc sống của người lao động trong bối cảnh nguồn thu nhập thường xuyên bị tác động, không có tính ổn định. Tuy nhiên, tổ chức thực hiện BHXH, BHYT, đặc biệt là công tác thu thực sự gặp nhiều thách thức. Kết quả thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH (thực hiện trong tháng 09/2013) cũng cho thấy thực trạng không mấy khả quan; 16/23 doanh nghiệp đoàn Thanh tra đến làm việc chậm đóng BHXH, BHTN với số tiền trên 27,9 tỷ đồng. Phải làm gì để đẩy mạnh công tác thu, giảm nợ đọng BHXH, BHYT là một bài toán không dễ.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 21/11/2012 của Bộ Chính trị, tạo động lực vượt qua những khó khăn, BHXH tỉnh Hưng Yên đã chủ động tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND về thực hiện chính sách BHXH và lộ trình tiến tới BHYT toàn dân tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2012 – 2020. Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT và lộ trình tiến tới BHYT toàn dân của tỉnh được thành lập. Có được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các Sở, ban ngành, cấp uỷ, chính quyền các cấp với công tác BHXH, BHYT mạnh mẽ hơn. Sự phối hợp giữa BHXH tỉnh và Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động, Công an tỉnh, Báo, Đài Truyền hình – Phát thanh tỉnh…được tăng cường. Nỗ lực của cán bộ công chức, viên chức BHXH tỉnh cũng được phát huy tối đa, đặc biệt là công tác thu. Việc thông báo số phải nộp được thực hiện thường xuyên liên tục; danh sách sách đơn vị nợ đọng đến các cơ quan, qua đó tác động đẩy mạnh việc nộp BHXH, BHYT. Hoạt động của Tổ thu nợ được duy trì thường xuyên; phòng Thu, cán bộ BHXH cấp huyện tập trung đôn đốc, trực tiếp đến đơn vị làm việc, lập biên bản làm căn cứ khởi kiện ra toà án.

Với việc thực hiện nhiều biện pháp tích cực, kết thúc năm 2013, kết quả thực hiện BHXH, BHYT tại Hưng Yên rất tích cực. Tính đến hết ngày 31/12/2013, tổng số thu BHXH, BHYT là trên 1.577 tỷ đồng, đạt 105,3% kế hoạch được giao, tăng 32,24% (tương đương 368,82 tỷ đồng) so với năm 2012. Trong đó: thu BHXH bắt buộc là 954,6 tỷ đồng, đạt 104,6% kế hoạch giao, so với năm 2012tăng 33,55% (tương đương 239,81 tỷ.  Số thu BHXH tự nguyện là 5,43 tỷ đồng, đạt 101,4% kế hoạch, tăng 36,3% so với năm 2012. Số thu BH thất nghiệp là 105,87 tỷ đồng, đạt 118,06% kế hoạch, tăng 22,78% so với năm 2012. Số thu BHYT là 506,48 tỷ đồng, đạt 103,5% kế hoạch, tăng 21,8% (tương đương 90,67 tỷ đồng) so với năm 2012. Tổng số nợ đến hết năm 2013 là 58,051 tỷ đồng, chiếm 3,87% số phải thu trong năm – một tỷ lệ nợ thấp đối với tỉnh có nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn của năm 2013.

Công tác phát triển mở rộng đối tượng cũng đạt kết quả khả quan. Tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 705.015 người, đạt 101,75% kế hoạch được giao; tăng 11,68% so với năm 2012  (tương đương73.758 người). Số người tham gia BHXH bắt buộc là 125.104 người, đạt 103,8% kế hoạch, tăng 9,8% so với năm 201; số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.038 người, đạt 63,1% so với kế hoạch, tăng 15,8% so với năm 2012; số người tham gia BHYT là 705.015 người, đạt 101,75% kế hoạch, tăng 11,68% so với năm 2012.

Tổng số đơn vị hiện đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn là 4.453 đơn vị; tăng 5,8%, tương đương 276 đơn vị so với năm 2012.

Tiếp tục phát huy, hoàn thành nhiệm vụ năm 2014

Bước vào năm 2014, những khó khăn thách thức của năm 2013 vẫn còn không ít. Để đáp ứng yêu cầu, hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, bài học kinh nghiệm vượt khó năm trước được BHXH tỉnh Hưng Yên phát huy một cách triệt để. Theo đó, tiếp tục duy trì thực hiện hiệu quả các nội dung đã ký kết trong quy chế phối hợp với các sở, ban, ngành, tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT, nhất là trong công tác kiểm tra, thanh tra các đơn vị nợ BHXH, BHYT. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xác định số lao động ở từng đơn vị, mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Thường xuyên báo cáo cấp uỷ và chính quyền địa phương tình hình thực hiện chế độ chính sách BHXH trên địa bàn. Trong tháng 6/2014, BHXH tỉnh  tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách BHXH, BHYT; trong đó chỉ đạo về việc thành lập tổ công tác liên ngành thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; xây dựng dự thảo quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh hướng tới mục tiêu thực hiện hiệu quả BHXH, BHYT.

Với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, công tác thực hiện BHXH, BHYT tại Hưng Yên tiếp tục duy trì được kết quả tích cực của năm 2013.     Tính đến hết tháng 7/2014, tổng số thu BHXH, BHYT của BHXH tỉnh Hưng Yên là 1.077,24 tỷ đồng, đạt 56,7% kế hoạch giao; số người tham gia BHXH, BHYT là 732.042 người. Không chỉ thực hiện tốt công tác phát triển mở rộng đối tượng, thu BHXH, BHYT, quyền lợi của người lao động cũng được bảo đảm. Công tác cải cách hành chính trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng các chế độ BHXH tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 06 tháng đầu năm, toàn tỉnh giải quyết 6.125 hồ sơ; giải quyết hưởng BHXH hàng tháng cho 2.313 hồ sơ, giải quyết hưởng trợ cấp một lần cho 3.812 hồ sơ. Các hồ sơ do cơ quan, đơn vị chuyển đến đều được thẩm định chặt chẽ đủ về số lượng, chủng loại và đảm bảo căn cứ pháp lý. Công tác giám định khám, chữa bệnh BHYT ngày càng được củng cố và hoàn thiện; tăng cường kiểm tra tại tới khoa, phòng, đối chiếu bệnh án và phiếu điều trị; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, hạn chế lạm dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Số lượt người khám, chữa bệnh BHYT trong 06 tháng lũy kế ước tính 371.817 lượt người, tăng 19.646 lượt người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 5,57 % (chưa tính đa tuyến ngoại tỉnh). Tổng số tiền chi chế độ BHXH, BHYT 06 tháng đầu năm là 843,42 tỷ đồng; số chi BHYT nội tỉnh khoảng 172,91 tỷ đồng.

Đạt kết quả tích cực trong các tháng đầu năm 2014 là đều đáng mừng, tuy nhiên BHXH tỉnh xác định phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hướng tới các mục tiêu cao hơn.Trong đó, trọng tâm công tác sẽ tập trung vào phát triển nhanh đối tượng tham gia BHXH, BHYT; phấn đấu đến hết năm 2014 số người tham gia BHXH tăng ít nhất 10% so với người cùng kỳ năm ngoái; số người tham gia BHYT tăng ít nhất 5%; số tham gia BHTN tăng ít nhất 7%. Cân đối Quỹ khám, chữa bệnh và giảm tỷ lệ nợ đọng tiền BHXH, BHYT ở mức thấp nhất; bảo đảm đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật, nâng cao tinh thần, thái độ và chất lượng phục vụ người lao động và nhân dân.

Trong các tháng cuối năm, tình hình nợ đọng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp vào thời gian tới có thể sẽ phức tạp hơn. Bên cạnh đó để đạt được mục tiêu đề ra trong Chương trình, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hưng Yên (trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, trên 80% dân số tham gia BHYT vào năm 2020) sẽ cần nhiều nỗ lực cố gắng. Chính vì vậy, những bài học kinh nghiệm của năm 2013 sẽ phải được BHXH tỉnh phát huy tích cực hơn nữa./.

Nguồn TC BHXH