Tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn trong công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT

13/08/2014 01:57 AM


Sáng ngày 13/8/2011, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị tham gia ý kiến về công tác tố tụng dân sự và thi hành án dân sự trong lĩnh vực BHXH. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương chủ trì hội nghị.

Tham gia ý kiến tại hội nghị có đại diện các Vụ chức năng thuộc Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Toà án Nhân dân tối cao…; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, cùng lãnh đạo BHXH một số tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố, từ năm 2010 đến 2013, đã tiến hành khởi kiện 3.976 đơn vị; trong đó cơ quan BHXH cấp tỉnh khởi kiện 417 đơn vị, cơ quan BHXH cấp huyện khởi kiện 3.534. Tổng số tiền nợ BHXH của các đơn vị bị khởi kiện là 1788,5 tỷ đồng; tổng số tiền thu được là trên 736 tỷ đồng.

Qua thực hiện công tác này, cơ quan BHXH thường gặp phải khó khăn nhất định. Một số cơ quan toà án từ chối nhận đơn khởi kiện của BHXH cấp huyện, hoặc yêu cầu giấy uỷ quyền của BHXH Việt Nam cho cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện tiến hành khởi kiện. Về hồ sơ khởi kiện (cần giấy phép kinh doanh, giấy phép đầu tư mới nhất của doanh nghiệp, biên bản đối chiếu công nợ của doanh nghiệp…), cơ quan BHXH cũng khó đáp ứng, do nhiều doanh nghiệp vi phạm không hợp tác.

Về công tác thi hành án cũng gặp nhiều vướng mắc. Trong số 1.021 vụ kiện đã có bản án, cơ quan thi hành án chỉ giải quyết được 722 vụ, còn 299 vụ không được thi hành án (chiếm 29%). Cơ quan BHXH gặp khó khăn khi xác minh điều kiện thi hành án (đơn vị nợ BHXH không cung cấp thông tin về tài sản hiện có, hoặc cung cấp thông tin không chính xác). Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đạt  hiệu quả không cao; tài sản của đơn vị bị cưỡng chế đã được thế chấp hoặc bị ngân hàng thu nợ. Thời hạn thi hành án kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc thi hành án kém hiệu quả; đơn vị nợ đọng BHXH bỏ trốn, hoặc cố tính tẩu tán tài sản…

Những khó khăn nói trên được dẫn chứng cụ thể hơn qua ý kiến phát biểu của lãnh đạo BHXH một số tỉnh, thành phố tại hội nghị. Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan BHXH thường gặp trong quá trình khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, đại diện các Vụ chức năng thuộc Bộ Tư pháp, Toà án Nhân dân tối cao...cũng nêu ý kiến phân tích làm rõ hơn các nguyên nhân. Việc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý nhà nước khiến việc thực hiện tại các cơ quan toà án chưa được thống nhất. Bên cạnh đó, việc thiếu kinh nghiệm xét xử các vụ án tranh chấp về BHXH của một số cơ quan toà án cấp dưới cũng khiến hiệu quả thi hành chưa được như mong muốn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương nhấn mạnh: hướng tới bảo đảm quyền lợi người lao động, bảo đảm an toàn Quỹ BHXH, BHYT, khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT là việc phải làm và phải tăng cường trong thời gian tới. Để tạo thuận lợi hơn cho công tác này, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với Toà án Nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Quy chế phối hợp giữa BHXH Việt Nam với các Bộ, ngành cũng sẽ chú trọng đến công tác này nhiều hơn.

Ban Pháp chế nhanh chóng tổng hợp các ý kiến tại hội nghị, khẩn trương hoàn thành văn bản hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tham gia tố tụng dân sự và thi hành án dân sự, thực hiện khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh, thành phố, cơ quan BHXH cấp huyện cần chú trọng đến việc đào tạo, bố trí cán bộ có kiến thức, năng lực, kinh nghiệm tham gia thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự, thi hành án dân sự liên quan đến BHXH, nâng cao hiệu quả công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi cho người lao động tích cực hơn./.   

Nguồn TC BHXH