Doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục BHXH, BHYT

04/08/2014 06:42 AM


Đó là ý kiến của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh chia sẻ tại hội thảo bàn về giải cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tại Hà Nội, ngày 31/7/2014.


Theo bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2014, Việt Nam xếp thứ 99/189 quốc gia. Theo bảng xếp hàng này, một số nước trong khu vực có thứ hạng khá cao như Malaysia đứng thứ 06, Thái Lan đứng thứ 18…Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam thấp khiến việc thu hút đầu tư nước ngoài khó đạt hiệu quả, ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu, mức tăng trưởng kinh tế (GDP) hàng năm cũng như bình quân thu nhập đầu người.

Để tạo sự đột phá trong việc xây dựng môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, ngày 18/3/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP; trong đó nêu rõ yêu cầu phấn đấu đến năm 2015 phải đạt được một số tiêu chí cụ thể như: rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp xuống tối đa 06 ngày; rút ngắn thời gian doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế còn 171 giờ/năm (thống kê trong năm 2013, doanh nghiệp tại Việt Nam mất 876 giờ để thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế); rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa 70 ngày; thời gian thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu cho doanh nghiệp còn 13-14 ngày (hiện doanh nghiệp đang phải thực hiện trong 21 ngày)…Bên cạnh đó, phải bảo đảm công khai, minh bạch hóa tình hình hoạt động, tài chính doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo ông Olin McGill, chuyên gia nghiên cứu của USAID, để thực hiện được mục tiêu này Việt Nam sẽ phải khắc phục một số hạn chế đang còn tồn tại. Cụ thể, cần sớm thực hiện kết nối dữ liệu thông tin giữa các Bộ, ngành; xây dựng ngân hàng dữ liệu quốc gia (hiện nay mức độ tương thích phần mềm quản lý giữa các cơ quan quản lý hiện rất thấp, mỗi cơ quan sử dụng một loại dữ liệu mã hóa..); thống nhất trong việc sử dụng số định danh (số đăng ký kinh doanh, mã số thuế doanh nghiệp, mã số thuế cá nhân, số chứng minh thư…)

Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết của Chính phủ đã nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương. Tại hội thảo, đại diện của Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chia sẻ nhiều ý kiến về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp. Liên quan đến các thủ tục hành chính thực hiện BHXH, BHYT của doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh chia sẻ thông tin: BHXH Việt Nam đã giảm từ 263 thủ tục xuống còn 111 thủ tục hành chính liên quan BHXH, BHYT. Liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp có 10 thủ tục. BHXH Việt Nam đang thí điểm thực hiện khai báo thông tin qua mạng internet tại 10 tỉnh, thành phố; tại TP. Hồ Chí Minh đã có khoảng 33.000 doanh nghiệp đăng ký thực hiện. Tháng 8/2014, BHXH Việt Nam sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và sớm triển khai trên cả nước.

Qua kiểm tra rà soát, số giờ doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT đã giảm từ 335 giờ xuống còn 108 giờ/năm, giảm 66,77%.  Một kết quả khá tích cực. Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, xin ý kiến các Bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo tinh thần giảm bớt các thủ tục không cần thiết. BHXH Việt Nam sẽ xây dựng phần mềm hỗ trợ việc khai báo thông tin tương tích với phần mềm kế toán của doanh nghiệp; triển khai tập huấn cho cán bộ chuyên trách công tác BHXH, BHYT của doanh nghiệp...

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cũng nhấn mạnh, để thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT các doanh nghiệp cũng phải đăng ký và sử dụng chữ ký số, bảo đảm có thể giao dịch qua mạng; ổn định cán bộ phụ trách về công tác BHXH, BHYT....

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, để có thể rút bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân, việc xây dựng mã số định danh công dân cần sớm được thực hiện. Mã số định danh công dân sẽ bảo đảm liên thông dữ liệu quản lý giữa các Bộ, ngành; các thủ tục hành chính liên quan đến thuế, BHXH, BHYT…của các doanh nghiệp, người dân sẽ được thực hiện dễ dàng. Môi trường kinh doanh của Việt Nam vì vậy sẽ được cải thiện tích cực hơn./.

Nguồn TC BHXH