BHXH Việt Nam: Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng giai đoạn 02

04/05/2013 07:48 AM


Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch giai đoạn 02 (2012 – 2016) của chiến lược với mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể.

 


Nâng cao chất lượng thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng có vai trò quan trọng trong hoạt động nghiệp vụ của Ngành, mục tiêu của Kế hoạch là ngăn chặn, từng bước hạn chế các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực; xây dựng hệ thống BHXH trong sạch, vững mạnh và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, hoạt động hiệu quả; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tiêu cực; củng cố niềm tin của nhân dân, người lao động; giữ vững ổn định, tăng trưởng các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ đã giao. Cụ thể là: Bổ sung, hoàn thiện quy định, quy chế (quản lý, sử dụng tài chính - tài sản nhà nước, chế độ định mức - tiêu chuẩn, công khai tài chính – tài sản…) để tăng cường cơ chế giám sát, nâng cao ý thức, trách nhiệm tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý hành vi tham nhũng, nhất là trong các lĩnh vực thu, chi, quản lý Quỹ BHXH – BHYT, đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư Quỹ BHYT, quản lý tài chính – tài sản công, công tác giám định BHYT, sử dụng và thanh toán Quỹ khám, chữa bệnh BHYT…; củng cố, kiện toàn các đơn vị tham mưu, giúp việc về công tác phòng, chống tham nhũng (Ban Tổ chức – Cán bộ, Ban Kiểm tra, Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng của BHXH tỉnh, thành; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính.

Trên cơ sở đó, Ngành BHXH tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chiến lược quốc gia, Chương trình hành động của Chính phủ  và các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Từ năm 2012 – 2016, thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định; nâng cao chất lượng thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm chế độ công khai tài chính ở các cấp, tăng cường cơ chế giám sát trong quản lý thu, chi của đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, kiến nghị truy tố - xét xử… trong nội bộ; xây dựng chương trình – kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng; chú ý đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như phẩm chất chính trị, bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy hiệu quả vai trò của các đoàn thể, Thanh tra nhân dân… để góp phần giúp cho cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong phòng, chống tham nhũng; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tích cực tham gia phát hiện, kiên quyết đấu tranh chống lại biểu hiện, hành vi tham nhũng; có chính sách với đối tượng tự giác, thành khẩn khai báo.

Nguồn TC BHXH