Nghiên cứu, đề xuất biện pháp tăng cường quản lý chi phí thuốc BHYT

05/12/2013 07:28 AM


Nằm trong chương trình hợp tác giữa BHXH Việt Nam và Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, sáng ngày 29/11, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức hội thảo báo cáo kết quả đề án nghiên cứu về chính sách và các biện pháp tăng cường hiệu quả quản lý chi phí thuốc BHYT. Tiến sĩ Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, trưởng nhóm nghiên cứu chủ trì buổi hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam.

 


Khảo sát, tổng hợp của nhóm nghiên cứu cho thấy, chi phí thuốc BHYT tăng liên tục qua các năm, từ 12.500 tỷ đồng (năm 2010) tăng lên 21.800 tỷ đồng năm 2012; 06 tháng năm 2013, chi phí thuốc BHYT là 11.400 tỷ đồng. Các văn bản quản lý giá thuốc BHYT chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, giá thuốc trung thầu năm 2012 tại một tỉnh số tỉnh cao hơn giá kê khai, kê khai lại. Tình trạng kê đơn thuốc chưa hợp lý vẫn diễn ra tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh.

Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu, tổng hợp số liệu từ thực tế, nhóm nghiên cứu đã đưa ra đánh giá 13 văn bản quy định về danh mục thuốc BHYT, văn bản hướng dẫn sử dụng và kê đơn thuốc, văn bản về đấu thầu cung ứng thuốc, văn bản quản lý giá thuốc. Các văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam cũng được nhóm nghiên đánh giá (Quyết định 82/QĐ-BHXH; Quyết định 160/QĐ-BHXH; Công văn 3621/BHXH-CSBHYT; Công văn 584/BHXH-DVT)

Đánh giá chung của nhóm nghiên cứu cho thấy, Luật Dược, Luật BHYT và Luật Khám, chữa bệnh, các văn bản quản lý hướng dẫn thực hiện chi trả thuốc BHYT đã được ban hành tương đối kịp thời, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng và thanh toán thuốc BHYT, góp phần kiểm soát chi phí thuốc BHYT.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại nhất định, Luật BHYT chưa quy định về cung ứng, sử dụng và giá thuốc cho người bệnh có BHYT. Mức giá thuốc khi kê khai, kê khai lại thường cao hơn giá thực tế; Việc xác định giá thuốc tối đa không thể thực hiện. Luật Khám, chữa bệnh quy định trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về khám, chữa bệnh nhưng hiện nay rất ít bệnh có phác đồ điều chị chuẩn…

Một số khuyến nghị chính sách và các biện pháp tăng cường hiệu quả quản lý chi phí thuốc BHYT cũng được nhóm nghiên cứu đưa ra. Theo đó, cần bổ sung quy định về quản lý giá thuốc theo thăng số bán buôn tối đa toàn chặng, thành lập Hội đồng quản lý giá thuốc. Đối với Luật BHYT, cần quy định nguyên tắc thanh toán thuốc BHYT. Bổ sung quy định danh mục thuốc ung thư trong Thông tư liên tịch 09; ban hành chính sách sử dụng thuốc generic... Về tổ chức thực hiện, cần tăng cường công tác giám định, nâng cao năng lực cho đội ngũ giám định viên về công tác đầu thầu thuốc, kiểm soát chi phí thuốc; xây dựng quy trình giám định thuốc chặt chẽ, báo gồm giám định danh mục thuốc trúng thầu, chỉ định sử dụng thuốc và thanh toán chi phí thuốc; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuốc…

Về đánh giá các văn bản chính sách, một số đại biểu biểu tham dự hội thảo cho rằng nên có số liệu báo cáo cụ thể của các tỉnh, làm rõ thực trạng từ đó nhận định đánh giá chính sách sẽ đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học . Các giải pháp, khuyến nghị đưa ra cũng cần cụ thể hơn, trong đó cần tập chung và các vấn đề như: xây dựng danh mục thuốc BHYT, quản lý thanh toán BHYT với thuốc y học cổ truyền, quản lý đầu thầu thuốc…Về tên gọi, kết cấu đề án nghiên cứu cũng cần thay đổi đảm bảo hợp lý.

Tiến sĩ Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ ý kiến trao đổi làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến đề án như: tình hình thực hiện đấu thầu thuốc, nội dung cơ bản của dự thảo sửa đổi thuốc theo Thông tư 01, vấn đề quản lý giá thuốc BHYT hiện nay…

Thay mặt nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Phạm Lương Sơn ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp xây dựng của các đại biểu. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện nội dung đề án đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ. Đồng thời, đưa ra các khuyến nghị giải pháp cụ thể hơn, hướng tới mục tiêu đóng góp hoàn thiện các văn bản Luật nói chung, văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam nói riêng, từ đó tăng cường hiệu quả chính sách, biện pháp quản lý chi phí thuốc BHYT trong thời gian tới.

Nguồn TC BHXH