Khánh Hòa: Nhiều đơn vị nợ bảo hiểm xã hội

22/04/2014 07:44 AM


Theo con số chốt nợ mới nhất, tính đến cuối tháng 3-2014 của BHXH tỉnh Khánh Hòa, hiện nay còn 833 đơn vị, doanh nghiệp nợ tổng cộng hơn 127 tỉ đồng (hơn 49,5 tỉ đồng là nợ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp).

BHXH tỉnh Khánh Hòa cho biết cả tỉnh hiện có 254 đơn vị, chủ yếu là các doanh nghiệp, trở thành “con nợ” BHXH dài hạn từ 6-61 tháng. Trong đó, “con nợ” đứng đầu bảng là Công ty cổ phần Mai Linh Nam Trung bộ và Tây nguyên, có 717 người lao động, đang nợ hai năm tiền BHXH các loại tổng cộng trên 10 tỉ đồng. Riêng năm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vinashin tại Khánh Hòa đang nợ tổng cộng 11,67 tỉ đồng. Công ty TNHH MTV Vinalines Nha Trang cũng nợ 10 tháng với hơn 1 tỉ đồng.

Cơ quan BHXH tỉnh Khánh Hòa nhiều lần báo cáo với các cơ quan lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa về tình trạng “số đơn vị nợ, số tháng nợ và tiền nợ BHXH từ sáu tháng trở lên có xu hướng tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Có dấu hiệu các đơn vị nợ không còn quan tâm và bỏ mặc việc trả nợ BHXH...”. Thế nhưng chưa có đơn vị nào được cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản gửi của các đơn vị để nộp BHXH, bảo hiểm y tế theo đúng quy định đã ban hành.

Trong khi đó, theo ông Lê Hùng Chính - phó giám đốc BHXH tỉnh Khánh Hòa: “Cơ quan BHXH không có chức năng thanh tra, lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị vi phạm về BHXH, bảo hiểm y tế”. Do vậy mà phải “bó tay” trước nhiều trường hợp cố tình dây dưa, không nộp bảo hiểm cho cơ quan BHXH.

Để đòi lại quyền lợi về bảo hiểm cho người lao động, cơ quan BHXH ở Khánh Hòa cũng “gõ cửa” tới các tòa án. Cho đến nay đã khởi kiện 88 đơn vị nợ BHXH ra tòa, trong đó có 20 vụ xét xử xong. Tuy nhiên, BHXH tỉnh Khánh Hòa cho biết “việc thi hành án gặp rất nhiều khó khăn”, sau khi bị đưa ra tòa không ít đơn vị vẫn tiếp tục để nợ BHXH tăng thêm. “Có nhiều đơn vị ở Khánh Hòa nợ BHXH thuộc diện đủ các điều kiện để khởi kiện ra tòa. Nhưng phía tòa án có đề nghị các cơ quan BHXH không nên khởi kiện ồ ạt, đồng loạt. Bởi tòa không thể thụ lý để xử hết theo đúng thời hạn quy định” - ông Lê Hùng Chính nói.

Tương tự, UBND tỉnh Đồng Nai vừa chỉ đạo thành lập đoàn công tác liên ngành do Sở Lao động - thương binh và xã hội chủ trì, kết hợp với BHXH tỉnh và một số ngành liên quan khẩn trương tiến hành thu hồi số tiền nợ BHXH của 700 doanh nghiệp với tổng số tiền trên 400 tỉ đồng.

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, đây là những doanh nghiệp nợ BHXH từ ba tháng trở lên, trong đó có 160 doanh nghiệp có số kỳ nợ từ sáu tháng trở lên với số tiền trên 77 tỉ đồng. Đáng báo động, số nợ BHXH trên đã vượt ngưỡng cho phép của BHXH Việt Nam, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động.

Lý giải về sự gia tăng số nợ BHXH như hiện nay, cả Sở Lao động - thương binh và xã hội và BHXH Đồng Nai đều cho rằng có nguyên nhân từ tình hình kinh tế khó khăn kéo dài, “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp không tốt. Tuy nhiên, không tránh khỏi tình trạng nhiều doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động để quay vòng vốn. Ngoài ra, do các quy định về việc xử lý doanh nghiệp nợ BHXH còn chưa nghiêm nên cũng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp “nhờn thuốc”, cố tình chây ì, dù BHXH tỉnh nhiều lần gửi thông báo cũng như gặp mặt trực tiếp.

Theo Báo Tuổi trẻ