Đà Nẵng với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân

18/03/2014 07:59 AM


Đà Nẵng đã xác đinh mục tiêu tiếp cận bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân trên cả ba phương diện: Độ bao phủ - chất lượng dịch vụ - quyền lợi của đối tượng. Để thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, Đà Nẵng đã và đang thực hiện Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020. Chuyên trang Y TẾ VỚI CỘNG ĐỒNG kỳ này xin chuyển đến quý vị ý kiến, giải pháp của Sở Y tế Đà Nẵng xung quanh việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

Hơn 90% người dân Đà Nẵng tham gia BHYT: Đâu là giải pháp?

Sau hai năm thực hiện quyết liệt và đồng bộ Đà Nẵng là một trong những địa phương  đã đạt được độ bao phủ bảo hiểm y tế lên tới 91,70% năm 2012 và năm 2013 đạt tỷ lệ bao phủ 93,90% dân số.

Để đạt được thành công nêu trên, Sở Y tế Đà Nẵng đã phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đã tham mưu cho UBND Thành phố huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND ngày 23/12/2011 của HĐND đề ra mục tiêu phải hoàn thành BHYT toàn dân năm 2012. UBND thành phố cũng ban hành Kế hoạch triển khai và Quy chế liên ngành thực hiện Luật BHYT. Theo đó, tất cả các quận, huyện ủy, UBND quận, huyện đều có văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện.


Hơn 90% người dân Đà Nẵng tham gia BHYT

Việc thực hiện BHYT toàn dân ở Đà Nẵng gắn liền với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố;  mục tiêu phát triển BHYT được lồng ghép vào Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Một số mô hình thí điểm bước đầu đã có hiệu quả, hệ thống phát hành thẻ được mở rộng, tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT. Đó là phong trào trao tặng thẻ BHYT ủng hộ người cận nghèo vùng nông thôn, miền núi  khó khăn; giao cho Hội Nông dân làm đại lý phát hành thẻ.


BHYT toàn dân ở Đà Nẵng gắn liền với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố

Tổ dân phố rà soát số người chưa có thẻ BHYT trên địa bàn để tổng hợp, hỗ trợ các đối tượng, vận động người chưa có thẻ tham gia BHYT theo kế hoạch chung của thành phố. Đặc biệt Thành phố cũng đã chỉ đạo quyết liệt trong thanh kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về BHYT BHXH trong các doanh nghiệp và các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế .

Thành phố cũng đã qui định chính sách đặc thù để hỗ trợ cho người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân nghèo chạy thận nhân tạo, vận động sự hỗ trợ của các Hội từ thiện, Quĩ Vì người nghèo giúp cho người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính…

Cùng với việc duy trì tỷ lệ bao phủ BHYT, Đà Nẵng đã chú trọng đến đầu tư nâng cấp, mở rộng và phát triển mới các cơ sở khám chữa bệnh, triển khai các kỹ thuật chuyên sâu, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho địa phương và khu vực, tạo được niềm tin trong nhân dân về chất lượng dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, để duy trì tỷ lệ bao phủ BHYT, thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là còn diễn ra tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT. Hệ thống cung ứng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là y tế tuyến cơ sở. Đôi lúc đôi nơi người dân vẫn còn phàn nàn về quy trình thủ tục trong khám chữa bệnh; chuyển tuyến, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT…

Đà Nẵng đã đưa ra 4 kiến nghị cụ thể để duy trì tỷ lệ bao phủ BHYT và "Thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020"; Tăng cường năng lực hệ thống quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế; tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng sự hài lòng của người bệnh:

Một là: Thực hiện BHYT toàn dân đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, thống nhất và cam kết của cả hệ thống chính trị. Tăng nguồn tài chính cho y tế, thực hiện BHYT sẽ đảm bảo sự chia sẻ rủi ro, an sinh xã hội, tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế, giảm chi tiêu từ tiền túi …. là yếu tố tạo nên “sự hấp dẫn” cho người tham gia BHYT và duy trì tính bền vững của chính sách BHYT. Vì vậy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, đề nghị cần quy định bắt buộc tham gia BHYT theo Hộ gia đình, quy định cụ thể trach nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân và BHYT đã thực sự trở thành nguồn tài chính vững bền cho chăm sóc sức khỏe vì mục tiêu an sinh xã hội.

Hai là: Đề nghị thành lập Phòng BHYT thuộc Sở Y tế để tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT trên địa bàn theo quy định của Luật BHYT và đưa chỉ tiêu về dân số tham gia BHYT là một chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ba là: Có chính sách đầu tư, đào tạo BS cho xã phường- BS Gia đình để thực hiện nhiệm vụ CSSK nhân dân tại tuyến y tế cơ sở.

Bốn là: Đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng tính đủ chi phí của Nghị định 85 và Nghị quyết 68 ngày 19/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Trước mắt, đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục điều chỉnh giá của các dịch vụ còn lại quy định tại Thông tư liên bộ số 03/2006/TTLT ngày 26/01/2006; ban hành Thông tư hướng dẫn kết cấu chi phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật vào giá dịch vụ theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Thực hiện BHYT toàn dân là một chính sách quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, một trong những nhiệm vụ chiến lược trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với quyết tâm cao và nỗ lực của toàn Đảng toàn dân của TP Đà Nẵng, sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và thực hiện thắng lợi mục tiêu BHYT toàn dân theo lộ trình đã đề ra./.

Nguồn Tamnhin.net