Nâng mức hỗ trợ - “cú hích” thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

26/08/2020 09:53 AM


Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị với Chính phủ xem xét, nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người tham gia từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo; từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo; từ 10% lên 20% đối với các trường hợp còn lại.

nang muc ho tro cu hich thuc day nguoi dan tham gia bao hiem xa hoi tu nguyen
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ra quân tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: B.D

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có Công văn số 2620/BHXH-BT gửi Bộ Tài chính về việc báo cáo, đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện căn cứ quy định pháp luật bảo hiểm xã hội và chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để hoàn thành mục tiêu phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, chính sách cần hướng tới quan tâm đến người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có đủ khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; hạn chế số người phải dừng đóng, hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất: Nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo; từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.

Theo dự kiến của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội tại Công văn số 2602/UBVĐXH14 ngày 18/3/2020 gửi Chính phủ kiến nghị giải pháp mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội đối với người lao động khu vực phi chính thức ở Việt Nam, cũng như dự kiến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm, giai đoạn 2021-2025, nếu Nhà nước hỗ trợ theo mức đề nghị trên thì: Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 3,6 triệu người; đến năm 2030 dự kiến đạt 8,9 triệu người.

Số tiền chi hỗ trợ tăng dần từng năm đến năm 2025 ở mức 1.167 tỷ đồng (chiếm 0,3% chi cho an sinh xã hội) và đến năm 2030 ở mức 3.141 tỷ đồng (chiếm 0,71% chi cho an sinh xã hội).

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước hiện có hơn 737.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo quy định của pháp luật, từ ngày 1/1/2008, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Để hỗ trợ người tham gia, từ ngày 1/1/2018, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng và mức đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể: 30% số tiền đóng hằng tháng cho người thuộc hộ nghèo (tương ứng với 46.200 đồng/người/tháng); hỗ trợ 25% cho người thuộc hộ cận nghèo (tương ứng 38.500 đồng/người/tháng); hỗ trợ 10% cho các nhóm đối tượng còn lại (tương ứng với 15.400 đồng/ người/tháng).

Với sự vào cuộc và hỗ trợ từ Nhà nước, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2016, mới có trên 203 nghìn người tham gia; năm 2017, tăng lên 224 nghìn người tham gia thì năm 2018 - khi Nhà nước hỗ trợ tiền đóng - số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 277 nghìn người, tăng 23,6% so với năm 2017.

Năm 2019, cùng với hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước và những giải pháp đột phá trong tổ chức thực hiện của ngành bảo hiểm xã hội, đã có 547 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 107% so với năm 2018. Tính đến hết tháng 7/2020, cả nước có 737.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng hơn 163.000 người so với năm 2019.

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đề ra mục tiêu: Đến năm 2021 có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1%; đến năm 2025 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% và đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5%.

Do đó, với đề xuất trên cùng với nỗ lực tiếp tục đổi mới trong công tác tổ chức, thực hiện, ngành Bảo hiểm xã hội kỳ vọng sẽ đạt được chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, góp phần đảm bảo an sinh xã hội./.

Bảo Duy

https://laodongthudo.vn/