Hiệu quả từ Đề án Trang bị sách cho cơ sở
08/01/2024 08:06 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Qua 15 năm thực hiện Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu để nâng cao kiến thức, kỹ năng, trình độ. Qua đó góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp xã, đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Được triển khai từ năm 2009, Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc phổ biến tri thức, cung cấp những thông tin chính thống, tin cậy về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên ở cơ sở và Nhân dân.
Để thực hiện hiệu quả Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai đến các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với mục tiêu góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm góp phần nâng cao dân trí cho các tầng lớp Nhân dân. Việc triển khai Đề án gắn với thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư “về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị”. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể; chú trọng nội dung kiểm tra việc thực hiện trong các cuộc kiểm tra công tác tuyên giáo, kiểm tra, giám sát lĩnh vực văn hóa - xã hội ở cơ sở. Trước mỗi đợt cấp phát, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo việc tiếp nhận và bảo quản nguồn sách.
Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận trên 435.000 đầu sách và đĩa CD-ROM (thiết bị lưu trữ sách). Hiện nay, Lâm Đồng có 1 thư viện tỉnh; 11 thư viện huyện, thành phố; 28 thư viện cấp xã; trong đó, có 10 thư viện được thành lập trên cơ sở của Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và tiếp cận internet công cộng tại Việt Nam”. Cùng với sách bản giấy, công tác khai thác, sử dụng sách điện tử của Đề án trên trang Thư viện điện tử sách xã, thị trấn từng bước được cấp ủy, chính quyền ở cơ sở quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Ngoài việc tìm kiếm trên danh mục tài liệu điện tử, người dùng có thể tra cứu dựa trên các trường thông tin mô tả hoặc tra cứu toàn văn các tài liệu đã được số hoá; đọc tài liệu trên máy tính và điện thoại di động.
Các ấn phẩm của Đề án trang bị bám sát nhu cầu thiết yếu của cơ sở. Nội dung phong phú, thiết thực, hình thức trình bày rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận; cập nhật nhiều thông tin như: Phổ biến giáo dục pháp luật, lịch sử, văn hoá, đạo đức, kiến thức phổ thông trong sản xuất và đời sống, cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ; chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của Đảng; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị...
Sau khi tiếp nhận sách từ Đề án, Đảng ủy xã, phường, thị trấn đã quan tâm đầu tư trang thiết bị để bảo quản sách, bố trí cán bộ phụ trách tủ sách và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ và Nhân dân sử dụng sách. Đồng thời gắn việc tiếp nhận sử dụng sách theo Đề án của Trung ương với tủ sách pháp luật đã trang bị cho các xã, phường, thị trấn...
Để thực hiện hiệu quả Đề án, cấp ủy, chính quyền, ngành văn hóa đã quan tâm thực hiện, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực nhân dịp Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các cuộc thi, hội thi tìm hiểu về sách để tuyên truyền về văn hóa đọc sách, tổ chức trưng bày, giới thiệu, triển lãm sách, báo, tạp chí... Đồng thời, thông qua các cuộc họp chi bộ, đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; qua đội ngũ cán bộ văn hoá, thông tin ở xã, thị trấn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy hiệu quả của hệ thống sách trang bị cho cơ sở, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân biết tìm đọc, nghiên cứu, học tập, trao đổi.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông, chuyển đổi số, cán bộ, đảng viên và Nhân dân có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau, nhất là các nguồn thông tin trên internet, các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, có rất nhiều nguồn thông tin không chính thống, thiếu chuẩn xác, chưa được kiểm chứng. Bên cạnh đó, trên thị trường vẫn còn nhiều loại sách, báo, tạp chí có nội dung chưa bảo đảm, kiến thức, thông tin chưa được biên tập, thẩm định kỹ lưỡng. Do đó, sách, tài liệu được trang bị từ Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2023 đã trở thành nguồn thông tin chính thống, tin cậy của Đảng và Nhà nước, nhằm định hướng dư luận, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch, góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Tăng cường công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...
Lạc Dương: Mở rộng hệ thống đại lý thu cơ sở
Đam Rông tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT xã ...